Đặt định một lối viết mới
Trong cuốn “Tại sao ta yêu...”, tác giả Hiền Trang trình bày cho bạn đọc lối kiến giải súc tích, độc đáo và không kém phần lãng mạn theo cách của riêng mình.
Viết về Norah Jones, đặt trong bối cảnh âm nhạc những năm đầu thế kỷ 21, Hiền Trang dẫn dụ: “Ta hãy tưởng tượng nó giống như một tiệm ăn nhanh với những chiếc burger và những chai nước ngọt đã được đóng gói và lên công thức, và bạn bước vào đó, như mọi bận, chờ đợi một thứ gì có thể giảm cơn đói ngốn ngấu của mình trong 10 phút, rồi đột nhiên bạn bắt gặp một chiếc bánh việt quất nho nhỏ đòi hỏi bạn phải nhấm nháp từng phút một không vội vã - đó chính là Norah Jones. Có cảm giác ai đã “bỏ” nhầm cô ở đó”.
Sinh năm 1993, tại Hà Nội, Hiền Trang là tác giả của “Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ” (2015), “Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi” (2016), “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” (2018), “Dưới mái hiên đêm, những khách lạ” (2020), “Chopin biến mất”, “Tại sao ta yêu…” (2022)...
Viết như vậy, ai mà không tò mò muốn “nếm” thử cảm giác của sự “đột nhiên”, “nhầm lẫn” một cách thú vị đó! Rồi Hiền Trang cung cấp thêm thông tin cho người đọc: “Âm nhạc Norah Jones không thực sự thuộc về đâu, nó lửng lơ trôi giữa những tầng mây óng ánh, không sà xuống dưới mặt đất và cũng không bay tít về tầng khí quyển, không quá xa nhưng cũng không thật gần, buồn miên man nhưng không buồn mãi mãi”.
Đọc những dòng ấy, ít nhất ta cũng thử gõ vào mục tìm kiếm cái tên “Norah Jones” để biết đó là ai, rồi nghe ngẫu hứng một bài - hay ít nhất một đoạn nào đó. Rồi yêu hay không yêu, tính sau! Đó là những cảm giác mà tác giả sinh năm 1993 này muốn đem đến cho người đọc trong tập tiểu luận “Tại sao ta yêu…” (Nhà xuất bản Đà Nẵng và Phanbook, 2022) đề cập 16 tên tuổi nổi tiếng trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật thế giới.
Cô lý giải tình yêu của mình dành cho Murakami, tưởng chừng như không có một lý do nào cả: “Tôi có thể kể ra ngay lập tức 200 nhà văn hay hơn Murakami. Họ làm tôi lặng người, làm tôi băn khoăn, làm tôi khai sáng, làm tôi kính phục, làm tôi rúng động, làm tôi choáng ngợp, làm tôi khóc. Murakami không làm tất cả những điều ấy, ít nhất là với tôi. Ông chỉ khiến tôi yêu”.
Cái “yêu” của Hiền Trang, nhiều khi rất phụ nữ, như: “Cho nên nếu ai đó hỏi tôi yêu Oscar Wilde vì lẽ gì, câu trả lời của tôi chỉ có một và duy nhất: Vì ông đang nháy mắt với ta, trong chiếc áo jacket màu xanh, ngả người trên tảng đá. Còn gì có thể sâu sắc hơn nữa hay không?”.
Thế nhưng, có thực sự như thế chăng? Không hẳn là như vậy, bởi như thú nhận của cô: “Khi chọn ra những nhân vật trong bản thảo này, mỗi cái tên ngay khi hiện ra trong đầu mình, tôi đã biết vì sao ta (hay chí ít là tôi) yêu họ, việc cần làm chỉ là chứng minh cho luận điểm ấy…”.
Vậy đó, Hiền Trang yêu bằng kiến văn của mình, chứ không phải mê muội, thuần cảm tính. Trên nền tảng đó, cô phân tích, so sánh, hòa trộn, lồng ghép các bộ môn nghệ thuật một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên.
Như khi viết về văn chương của Murakami, Hiền Trang so sánh với jazz, bởi theo cô, Murakami có 2 niềm đam mê lớn là chạy bộ và jazz. Cô dẫn những kiến thức về jazz khi nói về văn chương của tác giả này: “Một đặc điểm nữa của jazz ta có thể tìm thấy trong văn chương Murakami, như đã nói ở trên, là những hợp âm quái dị”…
Có thể nói, nhà phê bình Văn Giá đã có một nhận xét thật cô đọng, súc tích về tập tiểu luận và tác giả trẻ này: “Cuộc viết như Yêu. Cái viết như Jazz. Nồng nàn. Ngẫu hứng. Thật lòng. Trên một nền tảng kiến văn rộng rãi, chắc chắn, đầu nguồn. Phiêu và cuốn hút. Hiền Trang đặt định một lối viết: phá chấp, tự tin, tự do”.