Ngẫm, thấm cùng "Trong và ngoài căn phòng của tôi"
Cầm trên tay “Trong và ngoài căn phòng của tôi”, tập sách của nhà văn Trần Nhã Thụy, NXB Hội Nhà văn - 2022, không ít người ngạc nhiên bởi bìa sách tác giả để thể loại tạp văn...
Viết để giãi bày, viết để sẻ chia, viết thể hiện quan điểm sống của mình. Với nhà văn Trần Nhã Thụy thì bản chất, thái độ sống của một con người hiện nay thậm khó. Ta khó thể phân biệt đâu là đúng sai bởi cái ta nhìn thấy phần lớn chỉ là hiện tượng chứ chưa phải bản chất.
Nếu ta vội vã phán xét ai đó nhất định sẽ oan cho người ta (Ba nhà văn). Tỷ như bạn đọc đọc bài thơ sẽ biết được tâm ý người làm thơ lành dữ. Vặt cánh con chuồn chuồn thành quả ớt hay chắp đôi cánh cho quả ớt để thành con chuồn chuồn đỏ thắm? Cũng chừng đó ý nhưng bài thơ sẽ khác xa trời vực, ấy là tâm thơ (Tâm thơ).
Đọc tạp văn Trần Nhã Thụy chợt nhớ Đồ Bì, Hoàng Thiếu Phủ một thời trên Tuổi Trẻ Cười, cứ như luận ngữ cải biên chuyện xưa, ngẫm chuyện đời chuyện người. Chuyện cũ viết lại cái kết cho hợp hơn với thời đại này dẫu nội dung và bài học rút ra vẫn không hề thay đổi (Ngụ ngôn mới về ếch và bọ cạp).
Trở lại với xã hội hiện thời, suy nghĩ trăn trở khi xem một bộ phim có cảnh cặp vợ chồng lớn tuổi khoét vách cùng xem trộm đôi tình nhân trẻ làm tình một cách trơ trẽn, xem chuyện xem trộm là một điều bình thường.
Cuộc sống này không ít kẻ thích nhòm vào đời người khác. Sự vô tình cũng gia tăng. Người ta không nói lời cảm ơn, riết thành quen để rồi trên đời này lời cảm ơn còn khó huống gì nói đến lời xin lỗi (Lời xin lỗi khó đến vậy sao).
Xã hội phân hóa, tình trạng phân thành kẻ giàu người nghèo càng rõ rệt. Người giàu luôn ồn ào có tiếng nói còn người nghèo thường nín nhịn, cam chịu (Về kẻ giàu người nghèo). Hay suy nghĩ về giáo dục, đời sống tinh thần của người Việt hiện nay là cái gì? Mọi thứ dần lệch lạc, ít dần sự chân thiện mỹ. Giáo dục có nằm ngoài chuyện này không? Chúng ta là sản phẩm của giáo dục nhưng chúng ta cũng là nạn nhân của giáo dục và xã hội này (Không ai muốn mình là một khối u).
Tác giả đưa ta nhìn về phía người Nhật để có sự so sánh. Vì sao đất nước họ phát triển, văn hóa Nhật được cả thế giới nể trọng. Người Nhật chuyên nghiệp ở mỗi ngành nghề, ở Nhật thì “trật tự nào chỗ nấy”.
Đó là phân công xã hội khoa học, một sự công bằng mà đất nước ta nên học hỏi và áp dụng. Trông người ngẫm đến ta, tác giả dành nhiều trang sách suy nghĩ về giáo dục, qua đó thấy được giáo dục là dạy dỗ khi còn là đứa bé mới là tốt nhất, bởi măng không uốn tre già sao uốn cho được...
Hay lúc ngẫm về nghệ sĩ: Nghệ sĩ, ngoài những phường háo danh hám lợi còn lại là những con người tự trọng sống chết với đam mê của mình dù đồng tiền còn vô cùng nhỏ bé so với công sức họ đã bỏ ra. Chuẩn mực đánh giá nghệ sĩ bị loạn chuẩn, lệch chuẩn, không chính xác. Hiện tượng ghét nghệ sĩ, tung hô trọc phú, chính là biểu hiện rõ rệt của sự tan nát văn hóa - giáo dục (Về nghệ sĩ).
Tác giả dành nhiều trang văn viết về đồng quê rất cảm động. Những ai đang hay đã từng sống ở thôn quê sẽ đồng cảm về những ký ức tuổi thơ, thủa cắt cỏ chăn bò một thời nghèo khó. Và những người con xa xứ lập nghiệp nơi phố Sài Gòn phồn hoa cũng sẽ ngậm ngùi khi đọc những dòng trong tập tạp văn này, bởi họ là một phần trong ấy.
“Trong và ngoài căn phòng của tôi”, sách lấy tên của một tạp văn trong tập làm tựa. Tác giả ngồi trong phòng nhìn tượng phật bằng gỗ ngẫm nghĩ thế thái nhân tình đầy triết lý. Độc giả nhâm nhi từng câu chữ sẽ ngẫm và thấm.
Từng đi thực tế cùng nhà văn Trần Nhã Thụy vài nơi, thấy anh thường ngồi một góc nhìn mọi người rồi tẩm ngẩm cười một mình vẻ bí hiểm. Thì ra, những lúc anh cười một mình là khi vừa phát hiện, ngẫm ra những chuyện tâm đắc, không viết không chịu được.