Trần Thận - Ký ức trăm năm
Đọc “Ký ức về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Thận” của tác giả Hồ Duy Lệ, những năm tháng về thời hoa lửa cứ sống dậy, anh dũng và ăm ắp nghĩa tình...
“Ký ức về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Thận” được NXB Đà Nẵng phát hành vào tháng 3/2023. Tập sách viết về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Thận - cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ và những trang hồi ức kỷ niệm với người đồng chí - người anh Trần Thận.
Sách dày hơn 300 trang, gồm 2 phần với 41 tiểu mục. Phần 1 là “Hồi ức” về những câu chuyện sống động về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng, các cơ sở cách mạng mà đồng chí Trần Thận từng trải qua được chính ông Trần Thận và một số đồng chí, đồng đội kể; nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ viết lại một cách trung thực, chính xác.
Phần 2 là “Những lời chân tình” gồm những bài viết của đồng đội, đồng chí như Trần Đình An, Nguyễn Văn Dương, Phạm Tấn Phùng, Phạm Thanh Ba, Hồ Hải Học… viết về tình cảm của đồng chí, đồng đội đối với đồng chí Trần Thận. Đặc biệt câu chuyện bà Mười Hợi, hồi ở hang đá, mỗi khi Hồ Nghinh, Trần Thận xuống công tác đồng bằng, thì được bà Mười đãi tiệc, trong đó có mỳ Quảng…
Để rồi sau này gặp lại, ông Trần Thận hỏi: “Chị Mười ơi! Mỳ Quảng chớ?” - Hỏi mỳ Quảng là muốn nhắc lại thời kỳ gian khó và không quên được tấm lòng của Nhân dân” và giống như câu nói để đời của Hồ Nghinh “Phải đội ơn bà con”.
Có một câu chuyện được ông Nguyễn Văn Dương - nguyên Đặc khu ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, kể lại: Tại một cuộc họp Đặc khu ủy ở căn cứ Hòn Tàu vào năm 1973, giao liên mang bức thư của bà Trương Thị Trung - vợ ông từ ngoài Bắc gửi vào. Ông xem xong đưa mọi người chuyền tay nhau đọc.
Trong thư có đoạn: “Ông Thận! Cách mạng miền Nam là của Đảng, của nhân dân cả nước chứ đâu phải của riêng ông, ông bỏ tôi vò võ ngoài này cho đến già làm sao tôi sinh nở, hay ông chỉ biết Cách mạng mà quên mất vợ con...”, câu chuyện mới thấy sự hy sinh tình cảm riêng tư vì nghiệp lớn.
Nhà văn Hồ Duy Lệ chia sẻ, ban đầu ông định lấy tiêu đề tập sách “Ký ức trăm năm”, nhưng nhiều lý do cuối cùng tập sách mang tên “Ký ức về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Thận”.
Cuộc đời ông đã được lịch sử chứng minh, 15 tuổi vào Đảng, 16 tuổi bị mật thám Pháp bắt và kết án 3 năm tù giam. Trong nhà tù, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ra tù, liên lạc ngay với tổ chức, tích cực xây dựng cơ sở ở tổng An Lạc, khu Tây Duy Xuyên, xây dựng lực lượng tự vệ, nắm lực lượng thanh niên Phan Anh biến thành lực lượng tự vệ cứu quốc; tổ chức mít tinh khắp các thôn kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành độc lập… Với nhiều cương vị công tác khác nhau, ở vị trí nào kể cả khi về nghỉ hưu ông vẫn một lòng trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân.
Nhiều câu nói nổi tiếng của ông vẫn còn nguyên giá trị: “Được nhân dân ủng hộ thì sức mạnh của Đảng cũng chính là sức mạnh vô địch của cả dân tộc”; “Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình” - tình cảm với đồng bào miền núi chỉ bằng 6 chữ mà thật sự sâu sắc; về công tác chọn cán bộ theo tiêu chí “tài - đức, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”, về thuật dùng người “Cử người ngay, bỏ người cong ắt dân phục/ Cử người cong, bỏ người ngay ắt dân không phục”…
Được biết, để hoàn chỉnh cuốn sách, tháng 11/2021 Huyện ủy Duy Xuyên tổ chức hội thảo góp ý bản thảo với sự tham dự của các đồng chí nguyên bí thư và phó bí thư Huyện ủy Duy Xuyên qua các thời kỳ.
Theo đó, các đại biểu góp ý chỉnh sửa tên các nhân vật lịch sử, cơ sở cách mạng đúng với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Thận và lịch sử Đảng bộ huyện Duy Xuyên cũng như tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời cần lựa chọn điểm nhấn, sự kiện tiêu biểu, công lao của đồng chí Trần Thận trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng tại quê hương Duy Xuyên và Quảng Nam... Nhắc lại câu chuyện này để thấy sự công phu, tỉ mỉ trong công tác bản thảo, đưa đến bạn đọc thông tin chính xác về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Thận cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.