Nhà thơ Thảo Nguyên - Một hồn thơ lạ lùng

BẢO ANH 23/04/2023 08:22

Khởi đi bằng thơ 8 chữ “đều đều”, nối nhịp bằng thơ Đường luật nghiêm cẩn rồi lặng lẽ tiếp bước với thơ tự do, nhà thơ Thảo Nguyên được xem là một trường hợp lạ của thơ ca Quảng Nam đương đại. Những tìm tòi, thử sức và nỗ lực làm mới mình đã đem đến cho ông một ngày “gió sông đầy” ăm ắp, ngọt lành...

Chân dung nhà thơ Thảo Nguyên.
Chân dung nhà thơ Thảo Nguyên.

"Nhạc búa gọi hồn thơ chắp cánh"

Ở Hội VHNT Quảng Nam, nhà thơ Thảo Nguyên - tên thật là Lê Sỹ, là một trong số ít người có tuổi văn lớn nhất. Năm 1971, khi là chàng thanh niên 21 tuổi, Thảo Nguyên đã in tập thơ đầu tay mang tên “Tuổi sầu”.

Một năm sau đó, năm 1972, ông lại xuất bản tập thơ thứ hai - tập “Lời ru”. Cả hai tập này đều in rô-nê-ô với số lượng ít, chủ yếu “phát hành” chuyền tay trong bạn bè đồng trang lứa.

“Cả hai tập toàn là thơ 8 chữ, đều đều, mơ mộng và thêm một chút sướt mướt kiểu T.T.Kh. Giờ ngẫm lại mới thấy đó là những bài thơ hơi ngô nghê, nhưng dù sao đấy vẫn là một khởi đầu đẹp và đáng nhớ, để tôi thêm yêu cuộc sống và có thể tiếp tục làm thơ cho đến hôm nay” - nhà thơ Thảo Nguyên tâm sự.

Làm thơ từ khá sớm, nhưng rồi vì mưu sinh, vì những đổi thay thời cuộc, đã có lúc Thảo Nguyên buộc phải đứng ngoài cuộc chơi sang trọng này trong một thời gian dài.

Sau năm 1975, phần vì cuộc sống quá khó khăn, phần vì sợ thiên hạ bảo mình “phù phiếm”, ông không làm thơ nữa, hóa thân thành một người thợ gò, tận tụy làm việc để chăm lo cho gia đình.

Không làm thơ nữa, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mình, ông vẫn âm thầm suy tư cùng chữ, thơ thi thoảng vẫn tìm về cùng ông trong những phút tịnh yên hiếm hoi, chỉ có điều, ông không động bút.

Về sau, khi làm thơ trở lại, nhà thơ Thảo Nguyên đã có bài thơ “tự họa” khá thú vị về công việc của mình, vừa bộc bạch về mối duyên thơ khó dứt và cả những trăn trở, gởi gắm kín đáo: “Mảnh đời đã rách cậy ta gò/ Giũa lại đem hàn những mối lo/(...)/ Nhạc búa gọi hồn thơ chắp cánh/ Giữa dòng nhem nhuốc sá gì tro” (Thợ gò).

Sau khoảng 10 năm không làm thơ, từ một duyên cớ rất thơ, Thảo Nguyên đã trở lại với thơ. Lúc bấy giờ ở Vĩnh Điện nơi ông cư trú có một vị bác sĩ rất yêu thơ và thích làm thơ.

Biết ông cũng từng làm thơ nên mỗi khi làm được một bài thơ mới, vị bác sĩ kia lại mang đến đọc cho ông nghe, nhờ góp ý. Từ những cuộc chuyện trò cộng với sự động viên của người bạn thơ này, Thảo Nguyên lại cầm bút. Nhưng thay vì thơ 8 chữ như lúc khởi đầu, lần này ông lại chọn... Đường luật.

Ông bảo, trước những va vấp trong cuộc sống, ông chỉ muốn lặng lẽ quan sát và suy ngẫm. Vì thế, ông chọn Đường luật để giãi bày lòng mình, vì đó là thể thơ cô đọng, hàm súc, nghiêm cẩn và giàu ngẫm ngợi...

“Khi làm thơ Đường, được sinh hoạt với nhiều cây bút thơ Đường, trong đó có giáo sư Hoàng Châu Ký, tôi học được rất nhiều điều về cuộc sống và thơ ca; đặc biệt, tôi học được nhiều bài học quý về sự hàm súc. Như bây giờ, tôi chủ yếu làm thơ tự do, và tôi nhận ra rằng thơ tự do cũng rất cần cô đọng và hàm súc”.

Tín hiệu mới từ “Rùa vàng”

Ngoài những người bạn thơ trong câu lạc bộ thơ Đường, nhà thơ Thảo Nguyên còn làm bạn với nhiều cây bút thơ hiện đại, trong đó có những người rất trẻ. Sau những cuộc chơi thơ ca trẻ trung, sôi nổi mà ông được rủ rê dự phần, nhà thơ Thảo Nguyên chợt thấy mình như cũng trẻ ra, và muốn được đi tiếp trên con đường thi ca dài dằng dặc kia bằng những bước chân hăm hở.

Và ông đã lặng lẽ thử sức mình, tất nhiên không phải thơ 8 chữ hay Đường luật, mà là thơ tự do và lục bát. Làm, nhờ bạn thơ đọc, góp ý, phê bình; rồi ông tìm đọc những bài viết luận bàn về đổi mới thơ ca, tìm đọc những bài thơ được sáng tác theo khuynh hướng mới...

Ông bộc bạch: “Tôi biết mình không còn trẻ để bứt phá. Nhưng lớn tuổi không có nghĩa là không nên thử sức mình, không có nghĩa là không thể học được những cái mới...”.

Nghĩ vậy, quyết vậy, nên dù nhiều lần bị chê là “chưa mới, chưa tới, chưa đạt”, nhà thơ Thảo Nguyên vẫn không nản. Ông lại cần mẫn và lặng lẽ viết. Để rồi, vào một ngày đẹp trời, thơ tự do, thơ hiện đại đã đến và chính thức gọi tên Thảo Nguyên.

Ông kể: “Bữa đó, tôi đem bài thơ “Rùa vàng” mới làm tới nhờ nhà thơ Nguyễn Chiến đọc giùm. Đọc xong, Chiến nói hay, mới keng. Tôi mừng khôn xiết và quyết định tiếp tục đi theo hướng này...”.

Năm 2008, khi xuất bản tập thơ “Miền lá trở”, bài thơ “Rùa vàng” được nhà thơ Thảo Nguyên chọn in ở trang đầu tiên của tập. Cho đến nay, trong cảm nhận của nhiều người, đây vẫn là một bài thơ hay và mới: “Chiều tan trường/ Em qua cầu đánh rơi tiếng guốc/ Sóng cựa mình/ Bốn bề hương sắc/ Rùa vàng hiện lên/ Nhặt tiếng guốc/ Không đòi gươm/ Đòi trái tim đã khuyết”.

“Gọi nhau” cho “gió sông đầy”

Năm mươi hai năm kể từ khi phát hành tập thơ đầu tay “Tuổi sầu” và 15 năm kể từ khi xuất bản tập thơ “Miền lá trở” trong tư cách là hội viên Hội VHNT Quảng Nam, đầu năm 2023 này, nhà thơ Thảo Nguyên mới lại in sách.

Tác phẩm mới của nhà thơ Thảo Nguyên.
Tác phẩm mới của nhà thơ Thảo Nguyên.

Khác với các tập thơ trước, ở tập thơ “Gọi nhau gió sông đầy” (NXB Hội Nhà văn) mới xuất bản lần này, không còn nữa những cảm xúc “cổ kính” hay những bài thơ Đường luật nghiêm cẩn. Thay vào đó là những bài thơ tự do (và một số bài thơ lục bát), phá thể, phá cách, mang chứa những cảm thức đương đại. Như với một “Vườn sớm” tinh khiết, rạo rực, trẻ trung: “Ký họa em/ Dưới ngàn hương bói/(...)/ Võng đong đưa tuổi chớm/ Nắng rựng đôi bờ ngực”.

Như với một “Tượng Chăm” suy tư trong tiếng gọi thầm mà thảng thốt: “Nén đau buồn tượng đá/ Cú kêu/ Tạt bóng khuya Hời/ Ngọn gió lưu vong trầm luân cổ tháp”. Như với một “Mưa chiều Vĩnh Điện” êm nhuần lục bát mà say đắm: “Ta chuồn chuồn dại cầu ao/ Lang thang Vĩnh Điện vấp vào mắt đêm/ Mùa lên thầm khúc mưa mềm/ Lòng ta chửa tạnh ru em mịt mờ”...

Và trải suốt tập thơ, không thiếu những câu thơ có tứ lạ và đẹp đến thao thức: “Bước từng bước mùi hương bịn rịn/ Từng bước quê thơ/ Từng bước phất niềm diều giấy” (Triều khát). Hay những câu thơ si mê, đắm đuối, rất tình: “Bồ đề là em/ Cạm bẫy là em/ Ngự trị đất trời là em/ Là em...” (Mắt biếc).

Theo nhà thơ Phùng Tấn Đông, ở tập thơ “Gọi nhau gió sông đầy”, đã hiện ra một Thảo Nguyên “mới hơn, khác hơn hẳn Thảo Nguyên của ngày hôm qua”. Còn theo nhà thơ Nguyễn Chiến, ở đó còn có cả những bài, câu thơ mang hơi hướm hậu hiện đại nữa...

Như mọi lần, nhà thơ Thảo Nguyên hân hoan đón nhận những lời khen, tiếng chê từ bạn bè, từ những người yêu thơ. Ông nhận về tất cả, cẩn trọng, thiện chí, cầu thị, như cách người ta tha thiết “gọi nhau” để cho “gió sông đầy”, ăm ắp, ngọt lành. Như chính thổ lộ của ông, trong thơ: “Như muôn hoa/ Như sứ giả/ Ngọn giông dạt phương ngày hạ/ Cuối trời thổn thức/ Gọi nhau gió sông đầy” (Gọi nhau gió sông đầy).

BẢO ANH