Khiêm và "sớm mai yên bình"
Tôi cứ hình dung nên những giai điệu mỗi khi nhìn ảnh của Khiêm. Là hòa âm của đồng lúa trĩu vàng phía bên Trường Giang, là tiếng kẽo kịt của quang gánh trên vai mẹ mỗi bận bước qua cầu tre Cẩm Đồng hay có khi là âm giai man mác của một người trẻ ưu tư chuyện giữ gìn bản sắc quê hương...
Nguyễn Hữu Khiêm lành hiền cả trong nếp nghĩ lẫn mắt ảnh. Cả khung hình của Khiêm cũng chuyển tải tinh thần ấy. Vẫn phần lớn là ảnh cảnh sắc quê nhà nhưng Khiêm định hình được bản sắc ảnh riêng của mình. Sự tươi tắn, mới lạ, những quan sát bé mỏng nhưng đủ sức rung động người xem. Với ảnh của Khiêm, càng ngày người ta càng thấy một độ chín nhất định.
1. Bàng bạc màn sương. Thấp thoáng những hàng cây sau bình minh đang rõ dần. Trên sông, mắt lưới giăng để làm tỏ tường hơn hình ảnh một sớm mai trên dòng sông quê nhà.
“Sớm mai yên bình” - tác phẩm đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XIX năm 2014, cũng là tác phẩm đầu tiên ghi dấu tên gọi Nguyễn Hữu Khiêm trong lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ của Quảng Nam với cả nước. Lúc ấy, Nguyễn Hữu Khiêm vừa tròn tuổi 20. Cũng từ đây, Khiêm được chú ý nhiều hơn và là động lực để chàng trai trẻ sinh năm 1994 xác định hướng đi cho mình.
Năm 2015, Nguyễn Hữu Khiêm được kết nạp vào Hội VH-NT Quảng Nam chuyên ngành Nhiếp ảnh và là hội viên trẻ nhất lúc đó. Nguyễn Hữu Khiêm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích cao trong các năm 2014 và năm 2017; đoạt giải C Tặng thưởng VH-NT năm 2019; giải khuyến khích cuộc thi ảnh Festival trẻ năm 2017; giải khuyến khích cuộc thi ảnh Ninh Thuận - Miền di sản năm 2022 và rất nhiều ảnh triển lãm tại các cuộc thi ảnh toàn quốc cũng như quốc tế.
Những cuộc đi một mình vẫn thường hằng. Khiêm ít nói, ít giao thiệp và hình như cũng không là người khéo léo giữa đám đông. Chỉ mái tóc xoăn và nụ cười hiền thì dễ thiện cảm. Những cuộc hội hè vì thế cũng ít thấy bóng dáng Khiêm.
Để lặng lẽ những ngày sau, cũng ở đất ấy, người ta thấy một chàng trai vóc hình thư sinh ôm máy ảnh lang thang tìm góc lạ. Tư duy buộc người ta phải dịch chuyển. Với Khiêm, hình như tư duy ảnh khiến anh luôn muốn tìm góc máy chuyển tải những bình an, trong vắt.
Dù số lượng tác phẩm cũng như chất lượng từng khung hình đã dày dặn hơn qua từng năm, nhưng Khiêm vẫn chưa nhận mình là nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Khiêm nói, mình bắt đầu với máy ảnh để là một nghề mưu sinh đầu tiên. Trong cuộc kiếm tìm đường sống bằng tên gọi thợ chụp ảnh này, có thêm những mê say để từng ngày lại chắc tay hơn với từng ý tưởng.
Câu chuyện bắt đầu của Khiêm, có dáng hình của người thầy đầu tiên - nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Thành Chương. Cuộc truyền nghề này không mang ý niệm của việc dạy - học mà nhiều hơn hành động của sẻ chia lẫn khích lệ.
Mai Thành Chương đã quá quen tên với rất nhiều người yêu các góc ảnh của phố Hội. Trở thành người kể chuyện di sản qua ảnh, Mai Thành Chương ít nhiều đã góp phần trong việc bảo tồn và giữ lại những khoảnh khắc của vùng di sản khắp nơi. Có lẽ, điều ý nghĩa hơn sau từng góc máy, là sự trao truyền đam mê nhiếp ảnh đến với lớp trẻ, trong đó có Khiêm.
Cuộc bắt đầu với ảnh nghệ thuật của Khiêm cũng từ lời động viên của người thầy - người anh trong nghề này. Những lần dong ruổi để “săn” ảnh, Khiêm tỉ mẩn, cả kiên nhẫn để “gặp” được những khoảnh khắc chuyển động của cuộc sống. Đó cũng chính là nỗ lực khẳng định mình, để say mê mình lựa chọn không lãng phí.
Từng bối cảnh đều như đặt để trong ấy không chỉ là kỹ thuật, sự dụng công mà cả quãng dài bám đuổi. Khiêm từng gây ấn tượng với bộ ảnh về tập tính sinh hoạt của một số loại côn trùng ở xứ Quảng. Trong những bức ảnh ấy, người ta nhìn thấy sự thú vị của thiên nhiên mà nếu không đầu tư kỳ công hẳn sẽ rất khó thu vào ống kính điều kỳ diệu của thiên nhiên.
2. Nhiều năm liền, nhiếp ảnh Quảng Nam gặt hái những mùa vàng, từ các tên tuổi người trẻ. Nói như nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông, khi lớp cầm máy buổi đầu ngày tái lập tỉnh bắt đầu có tuổi thì may thay, một lớp nghệ sĩ trẻ đủ tài năng và đam mê để định vị nên chỗ đứng của nhiếp ảnh xứ Quảng. Tinh thần sáng tạo hào sảng, những khung hình phóng khoáng với bản sắc riêng của từng người đã làm bật lên các giá trị về cảnh quan, văn hóa, con người Quảng Nam.
Tôi vẫn nghĩ điều lớn nhất nhiếp ảnh Quảng Nam làm được và làm tốt, chính là đã mang vùng đất và con người xứ Quảng vượt ra khỏi phạm vi giới hạn quốc gia, để quảng bá cùng bè bạn quốc tế, qua rất nhiều cuộc triển lãm ảnh, cuộc thi ảnh toàn cầu.
Từ ảnh, người ta nhận ra những đặc sắc của phố Hội. Từ ảnh, người ta biết một Quảng Nam với vùng cao của điệu tâng tung da dá, những dải thổ cẩm khoe màu trong điệp trùng xanh của đồi núi, hay những vùng quê còn mê mải mắt nhìn của nhiều người vì màu xanh của đồng lúa của dòng sông bãi bồi phù sa...
Nguyễn Hữu Khiêm biết thế mạnh của mình, sau gần 15 năm lăn lộn học hỏi các đàn anh. Đó là vùng quê ven sông nơi anh lớn lên, là cảm xúc của những lần ra đồng trở về trong nắng chói chang của bà của mẹ, là tiếng lục đục sớm mai theo thanh âm của những con dầm chạm vào thân tàu lạo xạo trên sóng nước... Đó có khi là những cồn cát trắng phau nóng rực dưới những bàn chân, để đôi hồi phải giật mình vì cuộc đời của con người trên cát nóng ấy.
Khiêm không biết vô tình hay hữu ý, bật lên được ý tưởng ảnh về quê nhà nhưng bằng những tươi tắn, bằng những trong vắt cả trong bố cục, ánh sáng. Bởi hình ảnh và âm điệu cuộc sống đời thường luôn có sức cuốn hút riêng với người làm nghệ thuật. Đó là những mảnh hồn quê níu bước chân người chậm rãi trở lại, trong cuộc xô bồ dồn đuổi của cơm áo thị thành.
Tôi vẫn hay chựng lại trước những hình ảnh về quê xứ của Khiêm. Hình như tự thân không gian trong thể tài này đã đủ làm nên niềm xúc động với những người ưa mê hoài niệm. Cũng có thể vì đồng cảm của người đã sống mãi với quê xứ này nên nhìn ra những thân thuộc? Vì người ta càng thấy mình lành hiền khi sống cùng quê nhà, tâm tư cùng cây cỏ.
Nguyễn Hữu Khiêm có rất nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật gây ấn tượng, không chỉ riêng ảnh về đề tài phong cảnh quê nhà. Nhưng tựu trung hình như tinh thần ảnh của Khiêm chính là sự tinh tế trong quan sát. Đợt dịch COVID-19, nhiều bức ảnh của anh gây xúc động cho người xem trực tuyến.
Tôi nhớ mình đã rưng rưng với bộ ảnh “Xuyên đêm xét nghiệm COVID-19” của Khiêm, ngay trong những ngày phong tỏa giãn cách ngặt nghèo nhất của đợt dịch này. Người ta đọc thấy sự lo sợ trong đôi mắt trong vắt. Sự lo lắng không phải diễn tả bằng nét mặt sợ sệt thông thường.
Chính trong cái bình thản vẫn nhận ra những hoang mang, mới là điều giỏi của người làm nghệ thuật. Những câu chuyện ảnh của Khiêm đôi lúc là những khoảnh khắc dung dị nhưng không kém phần thú vị trong cuộc sống hằng ngày.
Nguyễn Hữu Khiêm vẫn đang nỗ lực học để hoàn thiện mình trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh. Vì tư duy ảnh phải bắt đầu bằng tri kiến đối với từng chủ đề lựa chọn. Nếu bản năng là bước chân đầu tiên thì sự nỗ lực trau dồi mới là những bước chân đường dài. Và Khiêm, vẫn đang chậm rãi để học cách trưởng thành với nhiều đời sống khác...