Tiếng vọng đèo Khau Chỉa

NGUYỄN TAM MỸ 02/04/2023 08:07

Nhân kỷ niệm 44 năm chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược, tập sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của Nguyễn Thái Long - cựu binh Trung đoàn 567, được NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành. PGS. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, “Lịch sử là lịch sử. Lịch sử cần phải được biết đến, được ghi nhớ và trân trọng”.

Bìa tập sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa.
Bìa tập sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa.

Cao Bằng, năm 1979…

Nguyễn Thái Long là quân y Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567, vì thế, những gì anh kể lại trong “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” chân thực đến mức nghiệt ngã. Trước khi chiến sự nổ ra, quân Trung Quốc có nhiều động thái chuẩn bị ở dọc biên giới giữa hai nước nhưng đơn vị anh vẫn làm nhiệm vụ mở đường, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lúc bấy giờ, theo nhận định của cấp trên, nếu xảy ra xung đột cũng chỉ ở mức cục bộ với quy mô nhỏ.

Mãi đến cuối năm 1978, Trung đoàn 567 mới chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu, đào hầm hào công sự phòng thủ. Sáng 17/2/1979, pháo tầm xa và tên lửa H12 từ bên kia biên giới cấp tập bắn sang rồi sau đó xe tăng và bộ binh Trung Quốc tràn tới Cao Bằng.

Đối đầu với Sư đoàn 125 và Sư đoàn 126 của địch là bộ đội địa phương và dân quân du kích. Vũ khí đạn dược không được tích trữ đầy đủ nên cuộc kháng cự của quân ta gặp rất nhiều khó khăn.

“…Vũ khí có AK và lựu đạn, vài khẩu B40, B41, M79, cối 60. Trung đội hỏa lực tăng cường từ trung đoàn xuống cũng chỉ có mấy khẩu B41 và 6 khẩu cối 82 của Đại đội 14 đặt ở bờ sông Bằng Giang, sau đồi Cốc Khau, bắn vào chi viện, tương quan lực lượng một chọi một trăm”.

Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân ta, “chiến thuật biển người” của quân Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề. Sư đoàn 125 bị đánh tơi tả. Xe tăng bị bắn cháy. Lính chết như ngã rạ. Sư đoàn 126 vội điều đến chi viện.

Dẫu vậy, “sau trận phục kích ở bản Chàm, bị cháy tám chiếc xe và mất hơn trăm lính ở khúc cua tay áo bên sườn tây đèo Khau Chỉa ngày 21/2, quân Trung Quốc không dám và không thể tiến công lên đèo Khau Chỉa”. Tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 1 ở cao điểm 300, Cốc Phường, Lũng Om, Bó Pu, Đoỏng Lẻng, đồi Độc Lập… vẫn trụ vững.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, do thương vong nhiều, do hết đạn, Tiểu đoàn 1 mới chủ động rút về tuyến sau. Quân Trung Quốc lấn tới và triệt để thực hiện chính sách tam quang (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Hạ tuần tháng 3/1979, khi biết Việt Nam sắp điều quân chủ lực từ miền Nam lên biên giới phía bắc, Trung Quốc vội vàng tuyên bố rút quân về nước…

Và Vị Xuyên, năm 1985

Dù lu loa rằng đã “dạy cho Việt Nam một bài học” và kết thúc “cuộc phản kích tự vệ” (?!) nhưng biên giới hai nước vẫn chưa ngưng tiếng súng; đặc biệt là tại khu vực Hà Giang. Năm 1985, Trung đoàn 567 được tăng cường sang Vị Xuyên và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 982. Thượng nguồn sông Lô là nơi tranh chấp quyết liệt giữa đôi bên ở thế cài răng lược.

Quân địch chiếm các cao điểm 685, 400, 300, A6b… và khống chế các cao điểm do quân ta chốt giữ: đồi Cô Ích, đồi Đài, đồi A6a… A6b là mỏm núi đá vôi trồi lên như một đài quan sát, đủ rộng cho một trung đội phòng ngự. Nhiệm vụ đánh chiếm A6b được giao cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 982.

Đêm 31/5/1985, đơn vị đã chiếm được A6b. Rất nhiểu lần Trung Quốc cho cảm tử quân đánh chiếm lại nhưng đều thất bại. Làm chủ A6b, quân ta đã thay đổi được cục diện chiến trường ở mặt trận Vị Xuyên, buộc quân Trung Quốc phải rời các cao điểm chung quanh rút về bên kia biên giới.

Tác giả Nguyễn Thái Long (bên phải) và đồng đội cựu binh Trung đoàn 567.
Tác giả Nguyễn Thái Long (bên phải) và đồng đội cựu binh Trung đoàn 567.

Với độ dày 370 trang, tập sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” đã phản ánh chân thực cuộc chiến 10 năm (1979 - 1989) ở biên giới phía bắc với 5 phần: Cao Bằng một dải biên cương, Khau Chỉa mười hai ngày đêm khói lửa, Trở lại Tà Lùng, Vị Xuyên lời thề trên đá, Những người lính trở về và “Thay lời kết”: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Năm phần với 50 bài viết dưới dạng hồi ký và ghi chép đã dẫn dắt người đọc ngược dòng thời gian nhớ lại một thời lửa đạn khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…”.

Trong cuộc chiến 10 năm, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 567 như Bố Hoan, Hồ Tuấn, Lục Sỹ Dầm… đã chiến đấu ngoan cường, quyết bảo vệ biên cương Tổ quốc. Bên cạnh đó, chính sách “tam quang” của Trung Quốc khi xua quân xâm lược Việt Nam cũng đã gợi cho người đọc nhớ lại những tội ác trời không dung đất không tha của các triều đại phong kiến phương bắc đối với nhân dân ta trong “Bình Ngô đại cáo”.

Quả đúng như lời giới thiệu của PGS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” là “ký ức chiến tranh không thể quên”. Bởi “Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, không thể vì lý do giữ mối quan hệ hiện thời mà được phép xóa bỏ lịch sử trong quá khứ, cho dù đó là khoảng lịch sử đen tối, bi thương”.

NGUYỄN TAM MỸ