Đọc lại thơ của bố...

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN 19/02/2023 07:43

Hơn 40 năm sau, tôi ngồi đọc lại những bài thơ mà bố tôi - nhà thơ Đông Trình - viết trong dịp ông đi Liên Xô và bùi ngùi đếm lại thời gian. Lòng tôi xôn xao trước những kỷ niệm quý giá của bố mà tôi từng được biết đến trong thời thơ ấu.

Nhà thơ Đông Trình.
Nhà thơ Đông Trình.

Thuở còn bé, bố tôi thường dắt tôi đi theo để nghe những buổi nói chuyện văn học, thơ ca mà ông là diễn giả, giới thiệu, phân tích và bình phẩm về những chủ đề văn học… Những nhà thơ nổi tiếng của đất nước như Xuân Diệu, Thu Bồn, Chế Lan Viên… khi về Đà Nẵng đều được ông tháp tùng đi tham quan hay nói chuyện văn học ở các địa phương trong thành phố Đà Nẵng hay Quảng Nam… Đặc biệt, những bài thơ bố tôi viết khi công tác ở Liên Xô để lại trong tôi dấu ấn sâu đậm.

Đông Trình tên thật là Nguyễn Đình Trọng, sinh ngày 4/12/1942, quê gốc ở làng Nam Phúc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là nhà thơ có ảnh hưởng lớn trong phong trào văn nghệ phản kháng ở đô thị miền Nam trước 1975. Sau năm 1975 ông là Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng.

Còn nhớ, trong một chuyến đi công tác ở Liên Xô về, bố tôi mang theo một số đồ đạc từ các nơi mà ông có dịp đi qua để làm quà tặng tôi và các anh em trong gia đình. Những bao kẹo nho, con búp bê, chiếc máy xem ảnh bằng cách bỏ một tấm phim được kẹp trong bìa giấy cứng vào khe của chiếc máy bằng nhựa là một món đồ chơi khá đặc biệt vào thời ấy…

Vào những năm 1980, tạp chí Liên Xô vẫn còn đều đặn xuất bản ở Việt Nam với giấy in bóng rất đẹp mắt với hai màu đen trắng đã đăng tấm ảnh của đoàn đại biểu trí thức lớn miền Nam Việt Nam sang thăm Liên Xô.

Sau này bố tôi kể lại, đoàn đã đi đến 15 thủ đô của 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Mỗi nơi, đoàn ghé tham quan, giao lưu và thưởng thức các đặc sản chừng một vài ngày. Khi thưởng thức món ngon, bố tôi lại nhớ đến các con ở quê nhà.

“…Ba ơi, ngày ba trở về
Nhớ mua cho con chiếc bánh mì nhiều thịt”

Tội nghiệp con tôi
Miếng ngon của đời con chưa được biết
Lớn lên từng bữa, rau mắm qua ngày
Vài bát cơm thường lẫn với sắn khoai
Qua đây ngồi giữa bàn dài
Bao nhiêu món quý, quê người dọn ra
Ngập ngừng dao, nĩa xót xa
Chạnh lòng nhớ đến quê nhà, thương con!”.
(Tashkent, 22/9/1980)

Đó là bài thơ “Viết trong bữa ăn ở Tashkent” trích trong tập thơ chép tay mà bố tôi viết trong dịp đi Liên Xô vào năm 1980. Chuyến đi dài hơn một tháng ấy với hành trang mang về của bố tôi là những món quà đơn sơ nhưng rất quý giá từ nước bạn cho các con và những bài thơ, dòng nhật ký được ông viết kín những cuốn sổ tay.

Những câu chuyện kể về đất nước Liên Xô được ông kể lại cho chúng tôi nghe bên ánh đèn dầu vào buổi tối trong bữa ăn hoặc bên bếp dầu tráng men xanh khi chúng tôi ngồi cùng bố nấu ăn. Hồi đó gia đình tôi vẫn tụ họp sinh hoạt gia đình vào mỗi buổi tối cuối tuần và những lúc như thế bố tôi lại đọc thơ hay kể chuyện cho các con, cháu nghe.

Một bài thơ khác được bố tôi viết trong đợt đi tham quan Liên Xô của ông có tên là “Mô hình” mà tôi cũng rất thích vì nhan đề của bài thơ trông rất khoa học. Ông viết về nhà máy nhiệt điện ở Vilnius với mẫu hình nhà máy rất hoàn hảo và hiện đại.

Ông mơ ước một nhà máy như thế sẽ được xây dựng ở Việt Nam trong tương lai. Bài thơ được viết từ năm 1980 nhưng giờ đọc lại tôi vẫn có cảm giác rất sống động và tươi mới trong câu chữ và hình ảnh.

Mô hình

Làm giám đốc, ông ấy không nói nhiều
Đi rất nhanh. Lưng hơi khom về phía trước
Không thắt cà vạt, mũi cao, má hóp
Một người như thế,
Chúng tôi ít gặp ở Lituanie.

Khu vực nhà máy nhiệt điện Électrénai
Không nhớ rộng bao nhiêu cây số
Trông như một thành phố
Ở đất nước chúng tôi.

Nhà điều dưỡng xây trên một ngọn đồi
Đủ tiện nghi, tối tân, hiện đại
Những khu vườn táo, nho trĩu trái
Nối những công viên hoa nở bốn mùa.

Thành phố nhà máy như một bài thơ
Hồ tắm, nhà ăn, sân chơi, trường học…
Các cháu học sinh thấy ông giám đốc
Cứ đến sà vào như một đàn chim.

Electrénai, người là mô hình
Về một thành phố công nhân chúng tôi mơ ước
Những đôi mắt ở đây, tôi không thể nào quên được
Cứ ánh lên một trời tương lai!

(Nhà máy nhiệt điện Electrénai, Vilnius 19/9/1980).

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN