Thông điệp yêu thương trong "Muôn kiếp nhân sinh"
Đọc “Muôn kiếp nhân sinh” của Nguyên Phong trong giai đoạn thế giới trải qua nhiều biến động, càng thấm hơn thông điệp yêu thương ẩn chứa trong từng trang sách.
Với nhiều người, tác giả Nguyên Phong không còn là cái tên xa lạ. Những cuốn sách mà ông đã viết, dịch hay phóng tác, ấn tượng không chỉ bởi tính minh triết, sâu sắc mà với giọng văn giản dị, nhẹ nhàng như đang kể câu chuyện nhân sinh. Nhiều người bảo, sách Nguyên Phong như có một hấp lực nào đấy, mà khi cầm lên rồi thì khó lòng bỏ xuống ngay được, có những người đã thức cả đêm để nghiền ngẫm những trang sách của ông chỉ vì... “lỡ cầm”.
“Muôn kiếp nhân sinh” xuất bản gần đây còn có một “ma lực” hơn thế. Hai tập của cuốn sách được viết từ năm 2017 và hoàn tất vào tháng 5/2021, ghi lại câu chuyện của người bạn tâm giao lâu năm với tác giả và là một nhà kinh doanh tài chính thành đạt ở New York.
Chuyện kể những trải nghiệm về tiền kiếp kỳ lạ qua nhiều kiếp sống của ông Thomas, từ nền văn minh Atlantis và Ai Cập hùng mạnh, hành trình vô tiền khoáng hậu trên chuyến tàu xuyên thời gian - không gian. Trải dài từ nước Mỹ đương đại ngược về vùng sa mạc Lưỡng Hà Assyria cho đến Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ cổ đại qua những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế.
Tiềm thức, quá khứ và hiện tại cứ như thước phim quay chầm chậm trước mặt, bạn sẽ muốn sống chậm lại một chút để chiêm nghiệm, để ý thức hơn về suy nghĩ và hành động của mình, về giá trị của tình thương vô điều kiện, bạn có thể muốn sống khác đi một chút để yêu thương nhiều hơn.
Bởi đấy sẽ là nguồn cội, là động lực mạnh mẽ để mỗi người trong chúng ta có thể thay đổi số phận của mình. Chúng ta tuy nhỏ bé như “những cánh bướm mong manh nhưng sự hòa nhịp rung động có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người”.
Có lẽ chi tiết đáng “thức tỉnh” nhất, xuyên suốt qua các câu chuyện là thông điệp “Ta chính là tình thương” của đấng Thái Dương, câu nói vọng ra từ chính tâm thức của Pharaoh (tiền kiếp của Thomas) chứ không phải qua các hình tượng, các đền thờ, lăng tẩm mà vị vua đã nghe theo lời của đám giáo sĩ tha hóa cho xây dựng trong khắp vương quốc của mình.
Sau bấy lâu suy tư, khao khát tìm kiếm ngài (mà thực cũng chính là tìm kiếm ý nghĩa, nhân sinh của cuộc đời mình), thần Thái Dương đã hiện ra vào một buổi sáng giữa sa mạc mênh mông không ngờ, với thông điệp ngắn gọn nhưng đã khai sáng con đường của Pharaoh: “Tại sao trước giờ ngươi lại mải miết đi tìm kiếm Ta ở bên ngoài? Hãy quay vào bên trong nội tâm, ngươi sẽ gặp Ta!”.
Thiển nghĩ, ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại, con người dường như chỉ quen hướng ra bên ngoài, mải miết “đuổi hình bắt bóng” trong cuộc mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc mà có quá ít thì giờ để quay vào bên trong.
“Nếu biết quay vào bên trong thế giới nội tâm của mình - mọi câu hỏi dường như sẽ được giải đáp. Con người luôn thường có thói quen thích lệ thuộc, muốn đi tìm sự trợ giúp từ bên ngoài nhưng đôi lúc chính bản thân họ đã có đủ sức mạnh cùng lý lẽ trực giác giải quyết được vấn đề rồi”.
Với lối dẫn chuyện quen thuộc của Nguyên Phong, ông mong rằng qua những câu chuyện chưa từng tiết lộ của ông Thomas, “cuốn sách của những cánh bướm rung động” này sẽ giúp mọi người trên thế giới chiêm nghiệm, khám phá về luật nhân quả và luân hồi của vũ trụ giữa lúc thế giới đang gặp nhiều cuộc khủng hoảng, trải qua nhiều biến động như hiện nay.
Và sau tất cả, loài người cần lan tỏa sự “yêu thương vô điều kiện” như tinh thần của cuốn sách, như một “kháng thể” rất tốt để con người hiện nay bớt vô cảm, vị kỷ, tham đắm... Khi ấy con người sẽ bớt đi đau khổ, thế giới sẽ bớt đi chiến tranh, nhân loại mới có cơ may tránh đi vào con đường hủy diệt từ bàn tay của mình.
Bởi “nếu một người có ý thức và làm những điều thiện lành, dẫu chỉ là việc nhỏ, thì họ cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực, giúp thay đổi những người chung quanh. Nếu nhiều người cùng chung sức làm những việc lành, thì cả thế giới sẽ thay đổi. Nhân quả đừng đợi thấy mới tin, nhân quả chính là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương”.