Sống để tin yêu

LÊ TRÂM 12/02/2023 07:43

Tập sách “Hỗn kỳ đài” của Tống Phước Bảo (NXB Hội Nhà văn 2022) gồm 15 truyện ngắn được in sau những ngày đớn đau bởi đại dịch COVID-19 với tâm niệm của tác giả “toàn bộ lợi nhuận thu được (từ việc in sách) sẽ dùng cho công việc thiện nguyện như trước nay Tống Phước Bảo vẫn làm” (Lời ngỏ).

Bìa tập sách “Hỗn kỳ đài”.
Bìa tập sách “Hỗn kỳ đài”.

Những sắc màu văn hóa khó lẫn

Bạn đọc hẳn sẽ hiếu kỳ với tên hai truyện ngắn lạ: “Hỗn kỳ đài” và “Di bố phù”. Là “Hỗn kỳ đài” với những câu chuyện xoay quanh ván cờ kỳ lạ mà phía sau là câu chuyện đau buồn của nhiều phận người. Đọc mà cứ nghe xa xót cho dù cử chỉ, dáng vẻ nhẹ nhàng như không có chuyện gì xảy ra của cậu bé - một kỳ thủ khiến cả xóm cờ lừng danh Thất Đang Trấn phải kiêng nể.

“Tàn cuộc cờ thằng nhỏ đứng lên bình thản xin lại tiền cờ độ đúng vỏn vẹn tiền đặt dĩa cộ là một triệu đồng, tất cả tiền thắng của các trận cờ thằng nhỏ gởi lại hết, chỉ lững thững ra về”. Hóa ra nó là đứa trẻ bị bỏ rơi sau cuộc tình của một Kỳ vương với một cô gái, nó là sự lưu lạc từ nỗi đau dai dẳng của cha lẫn mẹ.

“Má tui dặn bỏ thì tui bỏ. Đời mình nắm được thì buông được, nhưng mà có khi buông trong nhẹ nhàng, cũng có khi buông trong đớn đau, ông à! Mà nhẹ hay đau gì thì chỉ mỗi mình biết, chứ người ta đâu có hay”. Vẫn kéo dài như một lời trách móc, nhưng có thể vẫn là cái được, “lòng người sáng nhất chính là phải được bằng an” (Hỗn kỳ đài).

“Chữ di là đủ đầy, bố là ban ra, là lời mong mỏi cầu khấn. Con trai gốc Hoa tới tuổi cưới xin, chừng kiếm được người con gái mình thương thì tặng cái khăn có thêu ba chữ này, tự như lười ngỏ ý, mong cầu sự đủ đầy có đôi có cặp, cũng như là ngầm thông báo với mọi người, họ là của nhau….”.

Đó là câu chuyện tình duyên của chàng thanh niên người Hoa tên Chổ Bó với một cô gái theo thuyền chở hoa từ miền Tây lên bến Bình Đông bán. Chuyện xoay quanh một khu xóm nghèo với những tên người lạ lẫm dễ khơi gợi trí tò mò của người đọc: Chỗ Bó, Bà Bá, Mà Má… cùng với con Thắm với tật nói liệu cùng hàng chục chữ thương ào ạt tuôn ra (Di bố phù). Sắc màu văn hóa vùng đất này còn lãng đãng trong nhiều truyện ngắn khác.

Đọng lại chữ tình

“Chỉ có cái tình, ôm người ta vào lòng, dung dưỡng trọn vẹn cuộc đời con người ta, trên mảnh đất này” - nét đẹp này càng thể hiện rõ qua những ngày quằn quại trong cơn đại dịch COVID-19.

Đó là sự gắn bó, đùm bọc, yêu thương, đoàn kết, thông hiểu nhau của những con người nghèo khó ở xóm La Cà. Có thể, mọi ngày hễ nói ra một câu là cãi nhau nhưng trong đại nạn họ lại gắn kết thông hiểu nhau cùng góp sức cứu giúp những người rủi ro hơn mình, nhứt là cách cư xử rất đáng quý của “Mấy cha già ở xóm La Cà”.

Một góc quê nhà. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Một góc quê nhà. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Hay như câu chuyện của An với những người bạn yêu thương của cô trong những ngày Sài Gòn bị giãn cách trong “Mùa thương xanh phố”. Đến câu chuyện đi cứu trợ chống dịch của người bạn tên Thiên có quê xa lắc như tên gọi - Tà Xia cùng những tin tức nghe lo đến thắc thỏm... Rồi cơn dịch cũng dịu dần xuống, “mùa vẫn xanh lành theo nhịp phố thở”. “Người với người. Cái tình người sẽ đọng lại mãi mãi trong lòng”.

“Từ trong bình yên” như một kết nối của những người loay hoay, khốn đốn trong cơn đại dịch với quê nhà. Là kết nối của những con người ở xóm trọ hai chục phòng đến từ miền Trung vào làm công nhân hay những sinh viên xa nhà đi trọ học.

“Giãn cách chứ đâu thể chia cách con người ta được, phong tỏa giới nghiêm nhưng chẳng thể nào giới hạn lòng người ta được”. Có những xóm “mắc kẹt” hình thành một cách bất đắc dĩ, sống chao đảo suốt một mùa dịch.

“Xóm tám phương tứ hướng hội tụ, toàn dân nghèo mùa dịch... Cả trăm người đều đã trả nhà trọ sau ba tháng mỏi mòn, gói ghém mớ đồ lụn vụn leo lên xe chạy về quê giữa những ngày phong thành”. Trong cái khó ló cái khôn, rồi mọi thứ cũng dần ổn. “Buồn vui gì rồi cũng qua”, Tống Phước Bảo thả thêm một câu sau truyện, nghe nhẹ tênh, thì đó, sức sống con người quả là vô hạn mà! (Xóm Mắc Kẹt).

Câu chuyện lãng đãng xưa lẫn nay bên rào Khiết Bông trong con hẻm sâu hun hút của một xóm lao động “nghèo nhưng ồn ã bận từ sớm mơi đến tối mù khơi”. Câu chuyện tình của người già (ba và má) lững đững như muốn níu kéo lại một thời nồng ấm, bên cái rào rực bông đỏ mang tên Khiết Bông và của những người trẻ vật vã mưu sinh, vội vã lo miếng cơm manh áo không kịp buông lại một câu trả lời đáp lẽ người già.

Cuộc sống hai thế hệ cứ thế song hành, mỗi ngày, nhưng rồi cũng có lúc chợt giựt mình dừng lại cùng nhau. “Đâu có ai dần ai giã, mà lòng nó cũng thắc thẻo… Đói bụng rồi má ơi, nay ăn cơm sớm. Lát con chở má ra bến Bình Đông mua chuối tá quạ. Mấy cái ghe hàng neo bán tận tối mịt, má đừng có lo” (Bên rào Khiết Bông).

“Hỗn kỳ đài” góp phần nào đó “dung dưỡng trọn vẹn cuộc đời con người, trên mảnh đất này.

LÊ TRÂM