Vai trò của người Quảng trong khởi nghĩa vua Duy Tân

HOÀNG GIANG 05/02/2023 08:43

Đọc tập sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ” do Nguyễn Trương Đàn và Lưu Anh Rô biên soạn, NXB Đà Nẵng ấn hành để nhắc nhớ rằng: Quốc gia, xã tắc là trên hết, tất cả nhân sĩ, trí thức tham gia cuộc khởi nghĩa năm 1916 sẵn sàng hy sinh để đất nước trường tồn.

Bìa tập sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ”. Ảnh: netabooks.vn
Bìa tập sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ”. Ảnh: netabooks.vn

Tập sách là kết quả nghiên cứu do Nguyễn Trương Đàn và Lưu Anh Rô lần lượt làm chủ nhiệm đề tài khoa học, được Hội đồng Khoa học cấp thành phố của Đà Nẵng xếp loại xuất sắc vào năm 2014.

Đây là công trình đầu tiên công bố toàn bộ nguồn sử liệu chân thực về cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên - Trần Cao Vân khởi xướng dưới ngọn cờ quy tụ đại nghĩa là vua Duy Tân, hiện còn lưu tại Pháp. Đồng thời chỉ rõ vai trò của sĩ phu xứ Quảng đối với cuộc khởi nghĩa.

Phác họa bức tranh toàn cảnh

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp tại Aix-en Provence (Archives nationales d’outre-mer, Aix-en Provence, Française - viết tắt là ANOM) hiện có 3 hộp hồ sơ thuộc Thư khố Toàn quyền Đông Dương.

Bao gồm: Hồ sơ thứ nhất mang ký hiệu ANOM_GGI_65530: Troubles de l’Annam 1916 (Cuộc biến loạn ở Trung Kỳ 1916). Hồ sơ thứ hai mang ký hiệu ANOM_GGI_9588: Cour d’Annam - Complot à Hue. Evasion et Déposition de S.M Duy Tan (Triều đình An Nam - Cuộc âm mưu ở Huế. Cuộc đào thoát và sự phế truất hoàng đế Duy Tân). Hồ sơ thứ ba mang ký hiệu số ANOM_GGI_4199 là các báo cáo tình hình chính trị các quý trong năm 1916 của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương. 

Từ khi có được toàn bộ 3 hồ sơ trên, nhóm tác giả phân tích, sắp xếp, dịch thuật, nghiên cứu, đối chiếu với các nguồn sử liệu đã biết để chỉ ra giá trị thực sự của nguồn sử liệu này.

Vì lẽ đó, tập sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ” đã phác họa cho người đọc một bức tranh toàn cảnh rất chân thực và sống động về Khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916, qua các bản cung của những nhân vật trọng yếu như: vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, Lâm Nhĩ, Phan Thành Tài… 

Qua tập sách, bạn đọc có thể hình dung khá đầy đủ, chân thực về mục tiêu, lý tưởng của phong trào, việc xây dựng lực lượng, quy tụ dân binh, rèn đúc vũ khí, liên kết các tỉnh, chọn ngày, giờ hành sự cho đến việc cơ mưu bị lộ, sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đối với cuộc khởi nghĩa qua các công văn, điện báo, mật điện, công điện, các bản án cùng các ý kiến của quan lại, đại thần chính quyền Nam triều, chính quyền thực dân Pháp tại Trung Kỳ và Đông Dương đề cập đến cuộc khởi nghĩa này.

Hơn hết, các nguồn tư liệu lưu trữ đã giúp chúng ta trả lời một cách đầy đủ, chính xác các câu hỏi: Quy mô của cuộc khởi nghĩa gồm các tỉnh nào, có liên kết với ngoại quốc không, vai trò người Quảng đến đâu trong cuộc khởi nghĩa này…

Nhiều câu hỏi được giải đáp

Tài liệu được công bố trong sách này góp phần làm sáng tỏ nhiều tồn nghi quan trọng hàng trăm năm qua gồm: Liệu cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân là do Việt Nam Quang Phục hội lãnh đạo? Vì sao khởi nghĩa phải diễn ra gấp gáp như vậy, phải là tháng 5/1916 mà không phải thời gian khác và giờ G. là mấy giờ? Có bao nhiêu bức chiếu do vua Duy Tân ký ban hành, ông là người trực tiếp thảo chiếu hay ai khác?

Cơ mưu bị bại lộ đầu tiên tại Quảng Ngãi hay Huế, do các nhân vật Trần Thị Nường, Võ An, Huỳnh Quang Tri, Võ Cư, Võ Trung, Trần Thêm… hay ai khác? Thực sự có bao nhiêu người cùng Thái Phiên - Trần Cao Vân lên đoạn đầu đài tại Huế? Liệu những thông tin về các nhân vật quan lại Nam triều cộng tác đắc lực với thực dân Pháp để đàn áp phong trào này là đúng hay sai?...

Hơn hết, tập sách cho thấy nếu Thái Phiên là một thủ lĩnh thực sự của phong trào thì Trần Cao Vân là một quân sư nhiều mưu lược, chính họ đã thuyết phục hàng trăm nhân sĩ xứ Quảng (89 người có tên, quê quán Quảng Nam trong sách này) từ chỗ hoài nghi để đi đến thống nhất nổi dậy đánh đổ thực dân Pháp, khôi phục quyền độc lập cho dân tộc.

Các nhân vật người Quảng như Phan Thành Tài, Lâm Nhĩ, Lê Châu Hàn, Lê Đình Dương… được phân công giữ những trọng trách trong kế hoạch nổi dậy tại kinh thành Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, có trách nhiệm kết nối với lực lượng khởi nghĩa các tỉnh ra sao…

Tài liệu còn đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi lý thú rằng: Vì sao Phan Khôi nhận tiền trực tiếp từ Thái Phiên để phân phát cho mọi người mua trang phục, rèn đúc vũ khí mà lại không bị bắt giữ đi đày? Lê Đình Dương lẽ nào vì “quá sợ hãi” mà không phát động nổi dậy tại Hội An hay ông cảm nhận sự thất bại đã thấy rõ, vì sao không tìm thấy bản khai của ông trong hồ sơ, chỉ vỏn vẹn những dòng lý lịch trích ngang, trong khi ông là nhân vật trọng yếu được phân công cùng Phan Thành Tài chiếm đóng tỉnh thành La Qua và Đà Nẵng?

Với sự đóng góp của các dịch giả tên tuổi xứ Quảng như: bà Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kinh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh), các nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, Nguyễn Sinh Duy, Huỳnh Phương Bá hỗ trợ chuyển ngữ toàn bộ tài liệu tiếng Pháp; hy vọng tập sách thỏa mãn tìm kiếm của độc giả về vai trò của người Quảng trong khởi nghĩa vua Duy Tân.

HOÀNG GIANG