Nhà có người già - yêu thương tới xót xa
“Nhà lúc đông lúc vắng” của tác giả Hoàng My (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) phát hành năm 2022 được xem là một “trạm dừng cảm xúc” không chỉ của tác giả mà là của bao người khi chạm đến điều thiêng liêng nhất là tình cảm gia đình.
Nhà văn Hoàng My là tác giả quen thuộc trên văn đàn Sài Gòn với các cuốn như “Sài Gòn thương còn hổng hết”, “Đàn bà vui buồn bé mọn”…, cũng là tác giả mát tay với dòng sách thiên về tình cảm gia đình. Trong quyển sách mới ấn hành này, hình ảnh người cha lớn tuổi - một thế hệ vừa gần vừa xa lại chiếm trọn cảm tình của người đọc.
Ta có thể nhìn thấy được một người cha vừa chạm tuổi hưu, lóng ngóng, lạc lõng, thảng thốt trong chính ngôi nhà của mình khi đã không còn công việc, không bị ràng rịt bởi những mối quan hệ xã giao, càng không thể kết nối được với một người vợ “khắc khẩu” (Chạm tuổi hưu).
Hay một người cha chịu khó nép mình ở phòng khách trong ngôi nhà phố nhỏ xíu của đứa con gái, nhạy cảm trước những thở than vô ý của con, tinh tế cắt giảm chi tiêu để giúp con mình nhẹ gánh… Để rồi khi ông khuất bóng, nhiều năm sau, cô con gái “vẫn giữ thói quen thu xếp về sớm của mình, chỉ để rơi nước mắt mỗi khi vừa quành xe vô đầu hẻm, nhớ dáng người đàn ông tóc rụng lơ thơ, lèo khèo ngồi trên cái ghế thấp, ngong ngóng ra cửa để chờ…” (Có ba chờ).
Đó là những người cha hiếm khi xuất hiện trong câu chuyện của con gái khi trà thơm bánh ngon với bạn bè, nhưng có thể bất thình lình bị lôi vào câu chì chiết “dằn mặt” chồng của con gái khi con vô cùng thất vọng với một người chồng ăn nhậu sa đà “y hệt ba”… (Vì đời có ba).
Và rồi sau đó nhất định sẽ là một chuỗi dài ray rứt, thổn thức, dằn vặt với những tổn thương mà mình vô tình gây ra bằng lời nói với cha.
Không chỉ là người cha, hình ảnh những người mẹ hiện lên trong “Nhà lúc đông lúc vắng” cũng là hình ảnh khiến người đọc như mềm lòng lại. Đó là bà mẹ bất chợt được con cháu đưa vào rạp xem phim nhưng lại… ngủ ngon lành trong rạp. Trong xã hội này, đâu phải bà mẹ đầu hai thứ tóc nào cũng có đủ điều kiện để hòa nhập với cuộc sống đầy đòi hỏi mỗi ngày phải bắt kịp những thứ mới mẻ, khi mà tuổi họ ngày càng giật lùi
Nhưng có một điều mãi mãi vẫn trường tồn: tình yêu thương mẹ dành cho con vô bờ bến, thậm chí khi đứa con ấy với bà hoàn toàn đối nghịch như mặt trăng với mặt trời. Mẹ tinh tế bày tỏ sự tha thứ bằng những hành động thương yêu lén lút (gửi đồ ăn con thích), nhưng đến cuối đời mình, chưa chắc đứa con đã kịp nói được lời xin lỗi mẹ (Mặt trăng mặt trời).
Những người cha người mẹ lớn tuổi trong tập sách này sẽ khiến người đọc giật mình, lặng lẽ quan sát lại người già trong nhà mình. Rồi ta sẽ thấy “nhà có người già, chỉ cần để tâm một chút, sẽ thấy đầy yêu thương tới xót xa…”.
“Khi bản thảo của cuốn sách này đang được biên tập, thì tôi trở thành một đứa mồ côi ba” - dòng giới thiệu rưng rưng của chính tác giả được in trang trọng ở bìa sau, tôi biết đây là một “trạm dừng cảm xúc” không chỉ của tác giả mà là của bao người.