Những sự kết nối "cứu rỗi"

HUỲNH VĂN MỸ 14/01/2023 14:07

(QNO) - Vừa rồi một người bạn ở xa gọi điện kể với tôi một tin vui, hay đúng hơn, một điều may mắn đã kịp đến giúp anh tránh được chuyện không lành.

Chuyện khá dài dòng, liên quan đến nội tình của gia đình anh từ khá lâu vẫn chưa có được cách giải quyết phù hợp. Buồn bực, anh đã toan tìm đến cách làm mà chính anh tự cho là rất tệ hại. Và người giúp anh ngăn điều không hay có thể  xảy ra đó là một người bạn ở xa của anh. “Chỉ một cú phôn của anh ấy mà nhà mình giờ được bình yên, vô sự, thật quý hóa” -  anh kể. “Điều kỳ diệu là cú phôn đến bất ngờ, đã hơn cả năm vắng bặt giờ anh  ấy mới gọi cho mình”. Người bạn ấy không khuyên nhủ gì anh nhiều, nhưng theo anh, cái chính là cuộc trò chuyện với bạn đã giúp anh nhận diện lại mình, thấy lại những điều tích cực mình vốn có xưa nay.  Hơn thế nữa, anh cho rằng cuộc trò chuyện với bạn như vực anh ra khỏi sự đơn độc, anh thấy mình vẫn còn kết nối được, giao lưu được với những người bạn tốt, những điều tốt; và mình không thể làm điều không tốt!

Những khó khăn về tinh thần, nhẹ hơn là những nỗi bực dọc, những cơn stress đến từ nhiều phía thường dẫn ta đến trạng thái đơn độc nội tâm, dễ dẫn đến những xuất xử, đối đãi sai lệch, lỗi lầm.  Và thật là tuyệt vời, quý hóa, giữa những bất an ấy, bất chợt được một người bạn, một người thân bỗng “tạt ngang” thăm hỏi mình qua một cú phôn . Những tình cảm chân thành,  những lời khuyên chí thiết , cả những lời bông đùa, dí dỏm nhận được ấy như kéo ta ra khỏi những trạng thái tinh thần không hay ấy - nhất là sự đơn độc, ta thấy lòng mình nhẹ ra, dịu lại,  rồi từ từ tìm cách giải êm thấm hơn, tốt hơn.  “Vẫn còn người nhớ đến mình, quan tâm đến mình kia mà!” - những cú phôn như thế tỏ rõ điều này.

 

Nỗi buồn khổ của sự đơn độc, khát vọng được kết nối với tha nhân được văn hào Nga Maxim Gorky biểu đạt trong truyện ngắn Boleslov đầy xúc động của ông. Để vượt qua nỗi đơn độc của mình giữa đô thành nước Nga, cô gái Ba Lan Teresa xấu xí, dốt nát đã nhờ một sinh viên Nga ở chung khu nhà trọ với mình viết hộ lá thư để gửi cho người yêu.

“Boles yêu quý của em, người yêu của em, tình yêu của em, linh hồn của em… Sao suốt một thời gian dài anh yêu đã không viết thư cho con bồ câu nhỏ đang buồn rầu vì nhớ nhung anh?” - cô mở lời cho anh sinh viên. Hai tuần sau, cô lại nhờ người sinh viên này viết thêm một thư nữa. Nhưng khi nghe cô nói là viết cho Boleslov gửi cho cô - Teresa, thì anh sinh viên há hốc vì ngạc nhiên. Qua những phân giải vòng vo, cuối cùng, trong đôi mắt đẫm lệ của mình, cô nói Boleslov là người yêu do cô tưởng tượng ra; và lá thư anh viết cho cô lần trước cô vẫn còn giữ. Rồi từ đó mỗi tuần anh viết cho cô hai lá thư - một từ cô gửi Boles, và một từ Boles gửi cô, và đọc cho cô nghe!

Chuyện kể từ bác sĩ Viktor Frankl, trong tác phẩm Con người đi tìm ý nghĩa cuộc sống (*) lại là chuyện thật.

Một nữ nạn nhân ở trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã đã trò chuyện với cây dẻ bên cửa sổ của trại trong những ngày ngắn ngủi cô chờ vào lò hơi ngạt. “Em thường tâm sự với cái cây này. Nó là người bạn duy nhất của em trong lúc cô đơn” - bác sĩ V. Frankl đã sửng sốt trước lời bộc bạch của người nữ nạn nhân. Khó mà hiểu được những lời nói lạ lùng này, ông đã tự hỏi liệu chị ấy có mê sảng, có thể bị ảo giác xâm lấn không? Nhưng khi người nữ tù xác quyết rằng chính cây dẻ mà chị kết làm bạn thân này đã “lên lời”, đã “nói” với chị rằng: “Tôi có đây, tôi có đây; tôi có cuộc sống, cuộc sống bất diệt!” - bác sĩ Frankl đã nhận ra sự tình. Quả là vô cùng cảm động!

Bác sĩ Frankl cũng là tù nhân Auschwitz được triển hạn vào lò hơi ngạt để làm lao dịch, thoát chết nhờ quân đồng minh kịp đến giải phóng trại tập trung “nổi tiếng” này. Từ kinh nghiệm vượt sợ hãi và đau khổ tột cùng của mình (chỉ trừ người em gái thoát chết, còn cha, mẹ, anh trai, vợ của ông đều vào lò hơi ngạt), ra trại, ông lập nên một phương pháp chữa trị tâm thần mới được gọi là  ý nghĩa liệu pháp.  

Vậy đó, một con người/nhân vật được tưởng tượng ra, một cú phôn bất chợt, một cái cây vẫn mở lối cứu rỗi cho một người khi người ấy thấy mình được kết nối với tha nhân, với cuộc sống, vượt qua, xóa bỏ được tâm trạng đơn độc vốn ẩn chứa những nghĩ suy, những hành động tiêu cực, có thể là nguy hại cho chính mình, cho người khác!

...........

 (*) Con người đi tìm ý nghĩa cuộc sống, Viktor  E. Frankl, Vũ Trọng Ứng dịch, NXB Trẻ, 1994.

HUỲNH VĂN MỸ