Đỗ Linh: Người một đời với dân ca bài chòi
Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh khẳng định tên tuổi của mình qua từng vở diễn, từng nhân vật mà ông dụng công tìm tòi cách thể hiện độc đáo nhất và vẫn lưu dấu trong lòng khán giả qua thời gian.
Nghệ sĩ Đỗ Linh tên thật là Phạm Thôi. Anh lấy họ Đỗ là để tưởng nhớ về người mẹ kính yêu của mình. Cha của Đỗ Linh rất mê hát bội, từng là một trong những kép chính của gánh hát bội Ý Hiệp miền Trung. Chính niềm đam mê của cha đã ngấm vào cậu bé Thôi lúc nào chẳng hay, để rồi sau này trở thành nghiệp...
Duyên nợ từ “con mắt xanh” của người thầy
Ngày xưa, tại khu vực chợ Cẩm Lệ, thỉnh thoảng lại có các đoàn cải lương như Tấn Tài, Lệ Thủy về diễn, có khi ở cả tuần, nửa tháng. Mê hát nên Phạm Thôi ít khi bỏ qua các đêm diễn, rồi lân la làm quen với ông Văn Còn, người chơi đờn phím lõm cho Đoàn cải lương Tấn Tài. Và ông Văn Còn trở thành người thầy đầu tiên dạy cho anh những câu vỡ lòng về nhạc lý. Cơ duyên này là động lực để Phạm Thôi mày mò tự học theo đuổi đam mê.
Cuối tháng 3/1975, Đà Nẵng được giải phóng, Phạm Thôi được Công đoàn quận Nhất tạo điều kiện vào làm cho nhà in tư nhân tên là Nam Hoa. Năm 1976, Nhà hát Trưng Vương tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng, Phạm Thôi giành được huy chương vàng, là dấu mốc để được tuyển vào Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tại đây, Phạm Thôi chọn nghệ danh Đỗ Linh để hóa thân trong từng vở diễn. Để được thủ vai chính, Đỗ Linh phải đi lên từ vai quần chúng hay quân lính cầm cờ chạy quanh sân khấu.
Nhưng rồi có người đã nhận ra tố chất nghệ sĩ ẩn sâu trong con người Đỗ Linh. Đó là thầy, NSƯT Nguyễn Kiểm, ông vừa là tác giả và đạo diễn vừa là diễn viên của Đoàn Dân ca Bình Định thường ra dựng vở cho Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng.
Đỗ Linh bảo suốt đời anh mang ơn người thầy có “con mắt xanh” này. Và rồi anh được nhận vai chính trong vở “Quê hương dậy sóng”. Nhân vật Xứng, lính biệt động quân nhưng hoạt động nội tuyến cho cách mạng được Đỗ Linh thủ vai rất tốt; anh đã không phụ lòng thầy Nguyễn Kiểm. Sau thành công này, Đỗ Linh đóng vai chính trong một loạt vở diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng như “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Khúc hát tình đời”…
Nhưng vở diễn thực sự làm nên tên tuổi Đỗ Linh là “Chuyện tình bên dòng sông Thu”. Tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Đoàn Anh Thắng, chuyển thể dân ca kịch bài chòi NSƯT Hoàng Lê. Đỗ Linh đóng vai Phương, một giao liên.
Do thủ đoạn ly gián nham hiểm của địch, chúng bắt Phương rồi thả về mà không tra tấn đánh đập gì, cộng với những tình huống ngẫu nhiên vốn vẫn luôn xảy ra trong chiến tranh, Phương bị nghi đã phản bội, làm chỉ điểm cho địch. Anh bị cơ sở chối bỏ phải sống trong sự nghi ngờ, đơn độc giữa bốn bề gian nguy của thời chiến.
Khi diễn đến đoạn nhân vật Phương bị địch truy đuổi không còn lựa chọn nào khác, Phương tìm đến nhà má nuôi nhưng lại bị từ chối thì diễn xuất tính cách, tâm trạng nhân vật trong tình thế nguy cấp này như thế nào, Đỗ Linh phân tích cách mình thể hiện: “Nhân vật giao liên thường đơn độc chiến đấu trong thời chiến thì không thể bi lụy, yếu đuối được mà phải cứng rắn. Vậy nên tôi diễn khác với thầy dạy”.
Tức đây là đoạn mà nhân vật Phương bộc bạch: Má ơi! Ngoài kia thì giặc lùng giặc kiếm gắt gao - Còn trong này má nỡ lòng nào má đuổi con”. Đỗ Linh không hát một cách sụt sùi, van vỉ mà anh nhả hơi một cách thống thiết nhưng cứng cỏi. Đỗ Linh kể, khi diễn xuất đến đây đạo diễn Doãn Hoàng Giang không kìm được cảm xúc, cởi chiếc áo jean tung lên trần nhà hát. Còn ông thầy dạy anh thì bảo:“Mày làm trái lời tau, nhưng mày được!”.
Với vở diễn “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, lần đầu tiên Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng đoạt giải vàng duy nhất tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Đỗ Linh đoạt giải vàng cá nhân. Và đoạn diễn cảm xúc kể trên đã làm cho không biết bao nhiêu lớp khán giả phải rơi nước mắt.
Ngẫm lại vở diễn “đỉnh” này cùng với những thành công kế sau, Đỗ Linh đúc kết rằng: “Để vươn đến thành công trong cuộc đời làm nghệ thuật, điều cốt yếu là phải xác định được, phải tìm cho ra cái thần của vở diễn. Cái thần ấy chính là chìa khóa để người diễn viên hóa thân toàn bích vào nhân vật của mình”.
Phải sống đời nhân vật
Làm sao để sống cuộc đời của nhân vật là cách Đỗ Linh đi tìm chính mình khi thủ vai chính trong vở “Chia tay hoàng hôn”.
NSƯT Đỗ Linh kể: “Lâu nay tôi toàn được giao đóng vai chính diện, nhân vật nào tôi đóng cũng tràn đầy lý tưởng cao đẹp, hành động chuẩn mực, nói năng toàn lời hay ý đẹp. Nhưng lần này đạo diễn, NSND Xuân Huyền giao cho tôi vai ông Bậc, một đảng viên được Đảng, Nhà nước cho ăn học đàng hoàng, rèn luyện cất nhắc lên vị trí lãnh đạo.
Và khi trong tay có quyền lực, không chống lại nổi cái vòng xoáy của quyền - tiền, ông bắt đầu suy thoái. Vậy phải thể hiện tính cách ông Bậc như thế nào?”. “Tập cả tháng nhưng vai ông Bậc mà tôi thể hiện vẫn nhạt nhòa, anh em trong đoàn lo lắng bảo: “Anh không quen đóng vai phản diện đâu. Thôi từ chối đi”. Nghe vậy tôi cũng hơi lo nhưng vẫn quyết thử sức mình”.
Đỗ Linh thỉnh thị thầy: “Dạ thầy chỉ cho em cái chìa khóa để khai mở nhân vật ông Bậc ạ!”. Đạo diễn Xuân Huyền với chất giọng Nghệ An nằng nặng nói rành rọt: “Cái chìa khóa mi có rồi đó, có điều mi chưa biết cách mở thôi!”. Lời chỉ giáo rất gọn và không dễ “giải mã” làm cho đầu óc Đỗ Linh luôn trăn trở.
Rồi một bữa tình cờ anh nhìn phong cảnh mà họa sĩ vẽ trên sân khấu một chiếc xe cần trục, có treo quả tạ tròn, to khổng lồ, nó vốn dùng để phá dỡ các ngôi nhà cao tầng quá hạn sử dụng, tâm trí anh như vỡ ra điều mình loay hoay khi tìm cho ra “cái thần” để thể hiện nhân vật Bậc.
Thì ra lâu nay nhân vật phản diện Bậc mà anh diễn nó theo mô típ cũ, phải xấu từ ngoại hình đến lời ăn tiếng nói. Bây giờ nhìn cái quả tạ to tròn kia anh hiểu ra, ở đời có nhiều thứ nhìn bên ngoài nó rất tròn trịa, đẹp đẽ nhưng nó giấu trong mình sức mạnh phá hoại ghê gớm. “
Ông Bậc của anh” phải “đẹp” từ ngoại hình đến dáng điệu, phong thái, lời ăn tiếng nói - đẹp bề ngoài nhưng bên trong đã hư hỏng. Có điều Đỗ Linh “tin” ông Bậc không xấu, vì Đảng không dạy cho đảng viên đi ngược lại quyền lợi của dân, của nước; nhân vật Bậc sau cơn chao đảo, sau lỗi lầm sẽ biết hối cải.
Tự khai sáng mình như thế, nghệ sĩ Đỗ Linh quyết tâm đeo bám vai diễn. Chỉ còn 3 ngày nữa là đoàn sẽ diễn báo cáo. Đỗ Linh trình bày với NSND Xuân Huyền: “Thầy cho em diễn khác. Em vốn không ưa vai phản diện và càng không thích vào vai phản diện kiểu mặc định nhưng mà giả tạo như vừa rồi”.
Buổi chiều cả đoàn, gồm cả ban lãnh tập trung đông đủ, đạo diễn Xuân Huyền nói: “Tôi đã dựng vở “Chia tay hoàng hôn” này cho nhiều đoàn của cả nước, nhưng chưa thấy vai phản diện nào được thể hiện như kiểu diễn này. Diễn mà như không diễn.
Ý Đỗ Linh giống ý tôi, càng ghét phản diện bao nhiêu thì càng diễn tốt bấy nhiêu, diễn như không, để người đời khó nhận ra là phản diện”. Trong Liên hoan sân khấu dân ca kịch toàn quốc năm 1998 tại TP.Huế, vai diễn này đã đem lại cho Đỗ Linh chiếc huy chương vàng danh giá.
NSƯT Đỗ Linh tâm sự, đời mình không được học hành bài bản, kể cả học chữ; nhưng với sân khấu lại may mắn được làm việc với những soạn giả, những đạo diễn tên tuổi trên cả nước, từ NSƯT Nguyễn Kiểm, NSND Xuân Huyền, đạo diễn Đoàn Anh Thắng đến nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, NSND Phạm Thị Thành, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang...
Qua những “cây đa cây đề” này, Đỗ Linh được kèm cặp, rèn luyện rất nhiều. Đặc biệt, Đỗ Linh nổi tiếng với những làn điệu dân ca Quảng Nam, đặc biệt là dân ca bài chòi và được đồng nghiệp đánh giá là giọng hát bài chòi số 1 ở các tỉnh khu vực miền Trung.
Năm 2011, NSƯT Đỗ Linh xin nghỉ hưu trước tuổi. Duyên nợ với dân ca bài chòi xứ Quảng vẫn vẹn nguyên khi nghệ sĩ Đỗ Linh chuyển qua sáng tác được gần 300 tác phẩm, góp phần “giữ lửa” vốn âm nhạc truyền thống quý giá mà cha ông đã sáng tạo, trao truyền.
Đỗ Linh vừa vinh dự được đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những gắn bó miệt mài, những đóng góp không mệt mỏi của Đỗ Linh cho dân ca bài chòi xứ Quảng.