Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước: "Làm phim tài liệu, trước tiên phải cần bản lĩnh sống"

VÕ VĂN TRƯỜNG 25/12/2022 07:32

Trở lại Quảng Nam để tham gia giảng dạy một lớp tập huấn về phim tài liệu và phóng sự truyền hình, đạo diễn, NSND Nguyễn Thước - một trong những tên tuổi của lĩnh vực phim tài liệu nước nhà đã có những trải lòng thú vị về đề tài chiến tranh trong phim tài liệu hiện nay, cụ thể hơn là đề tài chiến tranh cách mạng trên đất Quảng Nam với góc nhìn sâu sắc.

Chân dung đạo diễn, NSND Nguyễn Thước. Ảnh: Internet
Chân dung đạo diễn, NSND Nguyễn Thước. Ảnh: Internet

Ký ức không quên

* Ông nghĩ gì về đề tài chiến tranh cách mạng trong phim tài liệu hiện nay?

NSND Nguyễn Thước: Thiên chức của những người làm phim tài liệu là luôn luôn động vào những vấn đề mà xã hội và con người quan tâm. Vậy vấn đề chiến tranh đã qua gần½ nửa thế kỷ có còn quan tâm không? Nhưng chúng ta càng thấy nét đặc biệt của đất nước Việt Nam đã phải đi qua biết bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với bao mất mát hy sinh.

Hiện diện đó là những nghĩa trang dọc dài đất nước, những tượng đài vẫn sừng sững và bao nỗi đau vẫn chưa thể nguôi. Và tôi chắc chắn một điều, 100 năm nữa chúng ta vẫn phải làm phim về đề tài chiến tranh. Song khi có đủ độ lùi của thời gian thì cái nhìn sẽ khác hơn, đa chiều hơn, khách quan hơn…

* Phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” được thực hiện đúng dịp tròn 30 năm ngày giải phóng quê hương (2005) có phải là một dẫn chứng?

 Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước sinh năm 1953, tốt nghiệp khoa Quay phim, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh năm 1982. Ông được biết đến là tay “máy vàng” cho những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh tài liệu Việt Nam do cố đạo diễn Lê Mạnh Thích thực hiện như: “Chìm nổi sông Hương”, “Cuộc gặp gỡ sau 30 năm”, “Trở lại Ngư Thủy”. Trong vai trò đạo diễn, ông đã giành được giải Bông sen vàng cho phim “Đất lạnh”; Bông sen bạc cho phim “Sự nhọc nhằn của cát”, “Cỏ xanh im lặng”; giải Cánh diều vàng cho phim “Chất xám” và nhiều giải thưởng khác...

NSND Nguyễn Thước: Thời điểm đó, tôi được giao nhiệm vụ làm bộ phim để kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam. Quả thực, đó cũng là sức ép vì đã có quá nhiều bộ phim về cuộc chiến kéo dài 21 năm. Những bộ phim đó cũng rất thành công, thậm chí còn có nguồn tư liệu đồ sộ được quay trong chính cuộc chiến đó.

Nhưng khi đọc kịch bản của cố đạo diễn Đào Thanh Tùng “Ngày cuối cùng của chiến tranh” tôi đã rất hào hứng, ngay từ tên gọi. Lúc đó, tôi đã hình dung rằng phim sẽ được thực hiện với những nhân chứng đã có mặt với tất cả cảm xúc và sự kiện trong những ngày cuối cùng đó. Tôi cho rằng đó là một tứ rất hay, là một góc nhìn khác mà chưa có bộ phim chiến tranh nào làm như thế.

* “Ngày cuối cùng của chiến tranh” có điều gì đặc biệt, thưa ông?

NSND Nguyễn Thước: Trước hết, đó là việc bộ phim đã đưa được thông tin có khoảng 5.000 chiến sĩ hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trước ngày thống nhất. Trong phim, có nhân vật khá đặc biệt, đó là ông Năm Tào (Đại tá Nguyễn Văn Tào, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Miền).

Nhà ông ở ngay sát cầu Thị Nghè, khi lên căn cứ, con gái ông vẫn đang nằm trong bụng mẹ, đến khi trở về, ông đã có cháu ngoại. Hay câu chuyện của phi công Nguyễn Thành Trung, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Đại tá - nhà văn Chu Lai, cựu trung tướng quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Có...

30 năm sau, họ có thể thành công hoặc khó khăn bươn chải trong cuộc đời nhưng trong họ vẫn đầy nhiệt huyết khi nhớ lại những ngày cuối cùng của chiến tranh và ngày đầu tiên của độc lập ấy.

Tôi may mắn khi được gặp ông Nguyễn Cao Kỳ đúng dịp ông về nước để lên kế hoạch đưa các nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam tiếp cận đầu tư kinh doanh. Trong phỏng vấn, nhớ nhất khi ông nói rằng, là một người lính, ông gần như không khóc, nhưng trong đời đã phải rơi nước mắt hai lần.

Lần thứ nhất là lần ông rời Việt Nam, khi bước lên chiến hạm của Mỹ chiều 29/4/1975, người hạm trưởng ra đón nói rằng đang đeo huân chương được ông tặng trước đó. Câu nói ấy đã làm ông Nguyễn Cao Kỳ chảy nước mắt, bởi nghĩ rằng chẳng có gì còn giá trị nữa. Lần thứ hai sau gần 30 năm ở nước ngoài, lần đầu tiên trở về Việt Nam, khi máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt của ông tự nhiên ứa ra.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại có những ký ức vô cùng thú vị. Trên đường chạy về Sài Gòn, trong khi người dân đổ xô ra hai bên đường hòa cùng niềm vui với bộ đội, anh cũng trong niềm xúc động ấy, nhưng sững lại với suy nghĩ: “Ngày mai mình sẽ làm gì đây?”.

10 năm trong quân ngũ, anh có bao nhiêu kinh nghiệm là làm thế nào để nhóm ngọn lửa đun nồi cơm mà máy bay địch không phát hiện; nằm trên võng nghe tiếng máy bay rít như thế nào thì sẽ phải nhảy xuống hầm ngay, nghe tiếng như thế nào thì cứ yên tâm nằm. Tất cả kinh nghiệm để người lính tồn tại trong cuộc chiến thì ngày mai chẳng để làm gì nữa.

“Ngày cuối cùng của chiến tranh” đến nay vẫn là dẫn chứng cho bài học làm phim chiến tranh của tôi khi giảng dạy.

Người lính và tính cách Quảng

* Phim tài liệu “Ông Mười Khôi” do đạo diễn, NSND Nguyễn Thước thực hiện cũng vào dịp 30 năm sau ngày đất nước thống nhất. Ông nghĩ gì về đề tài chiến tranh cách mạng trên đất Quảng Nam?

NSND Nguyễn Thước: Phim này tôi làm đạo diễn, biên kịch là Tạ Thị Huệ, quay phim Vương Khánh Trần Linh, người dẫn chuyện Trần Thị Đoàn Nhung. Khi làm phim này tôi hiểu nhiều hơn về mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, hiểu hơn sự khốc liệt đến tận cùng của cuộc chiến tranh mà không phải ai cũng biết. Đặc biệt nhất vẫn là nhân vật chính - ông Mười Khôi.

Hình ảnh trong phim tài liệu “Ông Mười Khôi”.
Hình ảnh trong phim tài liệu “Ông Mười Khôi”.

Sách “Họ sống và chiến đấu trên quê hương trung dũng” có những ghi chép của ông Mười Khôi: “Trước cảnh Mỹ Diệm dùng chiến tranh một phía, tình hình cách mạng miền Nam ngày càng bị chúng chà xát trong máu lửa, tôi đã có những thắc mắc và những thắc mắc đó càng lắng sâu trở thành những oán trách với Trung ương và Thường vụ Khu ủy, những uẩn khúc trong lòng tôi không thổ lộ cho ai, nhưng là những nỗi đau day dứt.

Tôi đã thách Thường vụ Khu ủy, Trung ương Đảng phải kiểm điểm nhận rõ sai lầm là để cho phong trào cách mạng miền Nam lụi bại thì lúc đó mới nói đến chuyện bắt tụi tui học tập. Không được cả vú lấp miệng em, thằng Mười Khôi này không chịu đựng nổi nữa rồi”…

Lắng lại trong câu chuyện về một nhân vật lịch sử đất Quảng làm chúng ta phải trăn trở suy nghĩ về phẩm chất đáng quý của một thế hệ, của những con người và của một con người rất đặc biệt từng được tụng xưng là đại anh hùng.

“Thế hệ chúng tôi hôm nay được biết nhiều đến những chiến công mà ít được biết đến những con người cụ thể làm nên những chiến công đó. Biết bao xương máu đã đổ xuống vì nền độc lập tự do, để giờ đây sau 30 năm, nhiều người trong chúng tôi nói biết ơn, mà không hề xúc động, nói như một nghi lễ bắt buộc cho phải phép” (Lời người dẫn chuyện). Nói điều này cũng thấy đề tài chiến tranh, những vấn đề quá khứ chưa hẳn đã ngủ yên, giấc ngủ ấy sẽ phải được đánh thức, để mọi người hiểu hơn chân giá trị.

* Điều gì cần cho một người làm phim tài liệu, thưa ông?

NSND Nguyễn Thước: Người làm phim tài liệu, trước tiên phải cần bản lĩnh sống, rồi đến tri thức sống và tri thức về nghề. Đối với phim tài liệu, học xong cũng cần có sự trải nghiệm nữa, đó gọi là bản lĩnh sống của mỗi người. Bản lĩnh tôi nhắc đến ở đây là bản lĩnh dám đương đầu.

Ví dụ như hai tác phẩm kinh điển của phim tài liệu Việt Nam là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, thời điểm làm phim anh Thủy cũng bị áp lực rất lớn nhưng cuối cùng cũng vượt qua được. Đến bây giờ, nội dung trong hai bộ phim ấy vẫn đang là vấn đề lớn của cuộc sống, của con người.

Dù có khó khăn, có vất vả thì làm phim tài liệu vẫn là cái nghiệp mà tôi đam mê và theo đuổi đến cùng.

* Xin cảm ơn NSND Nguyễn Thước về cuộc trò chuyện này!

VÕ VĂN TRƯỜNG