Lấp lánh những tài năng văn chương

LÊ TRÂM 20/11/2022 06:07

Tập “Lần đường theo bóng” (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) của Văn Thành Lê giúp người đọc có cái nhìn khái quát về 20 gương mặt nhà văn hiện nay thông qua lối phê bình rất riêng.

Bìa tập sách “Lần đường theo bóng”.
Bìa tập sách “Lần đường theo bóng”.

Công phu

PGS-TS. Bùi Thanh Truyền nhận xét về tập sách: “Song hành bằng khát khao học hỏi, bằng thấu cảm, liên tài dành cho nhân vật, tác giả đã khơi gợi những sinh lộ mới để độc giả cùng anh phiêu lưu trong cõi chữ. Cùng với một số tập sách chân dung - phê bình của đội ngũ nhà văn gần đây, “Lần đường theo bóng” là áp kế “cân” được nhiệt của đời sống văn chương. Văn Thành Lê đã có “vân chữ” trong phê bình văn học”.

Ngoài một số tác giả sớm xuất hiện trên văn đàn như Trần Đăng Khoa, Ngô Thảo, Hoàng Vũ Thuật,… Văn Thành Lê đã giúp độc giả có cái nhìn khá “toàn cảnh” về những nhà văn thường xuyên xuất hiện trên văn đàn như: Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hoàng Thụy Anh… và một số tên tuổi khác.

Văn Thành Lê “đọc vị” khá chuẩn gia tài văn chương của các tác giả. Với Ngô Thảo là quá khứ, “người hiền gom dĩ vãng”. Ở Hoàng Vũ Thuật “câu thơ vui hình thành từ nước mắt”. Trong khối lượng đồ sộ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Văn Thành Lê lẩy ra được bộ “Kính vạn hoa” với “54 cú lắc có một không hai”.

Và với Trần Đăng Khoa “người sinh ra để đi lạc”! Với Đỗ Tiến Thụy cùng tiểu thuyết “Con chim Joong bay từ A đến Z” qua cái nhìn của Văn Thành Lê: “Bay từ A đến Y với văn chương”.

Từ giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội, Nguyễn Thị Kim Hòa trở nên nổi tiếng cả nước là người viết truyện ngắn có tay nghề, nhưng với chị còn có cả một mảng văn học thiếu nhi lung linh: “Trong vắt với trẻ thơ, thẫn thờ cùng người lớn”.

Vũ Thanh Lịch, một “khôi nguyên khác truyện ngắn, mọi thứ từ từ thấm đẫm chất liệu cả xưa lẫn nay” những trang văn cứ thế “chầm chậm tới mình”.

Với Lê Vũ Trường Giang, “vẫn đang gặt mây và hái nắng” mỗi ngày(!). Với Thuận: Vẫn luôn là một “Thanh Đồng trong tín - ngưỡng - chữ”. Nguyễn Thiên Ngân “ôm mỏ chữ nằm mộng những chân trời”.

Với Cao Nguyệt Nguyên là một sự “biến đổi kỳ lạ” từ các truyện ngắn đoạt giải: “Trăng màu hổ phách”, “Lạc khúc”… đến tiểu thuyết “Nguyện của đêm”, các truyện tranh thiếu nhi, rồi đột ngột có artbook “Truyện Kiều tự kể”!

Văn Thành Lê phải thốt lên: “Đây là cuộc phân thân đầy thách thức… Câu chữ của Nguyên như kính lúp để độc giả thấy rõ hơn, với nỗi đau và trở trăn của những Thúy Kiều, Thúy Vân, Tú Bà, Đạm Tiên, Hoạn Thư, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh…

Các nhân vật hiện lên với những ngổn ngang thật đời thường, thật con người và cũng thật tương thích với cuộc sống hôm nay. Cái nhìn của Nguyên về nhân vật đầy cá tính, góc cạnh, không khỏi khiến cho những ai vốn đã quen với quán tính khuôn mẫu trước kia giật mình, bất ngờ”.

Góc nhìn cận cảnh

Hoàng Vũ Thuật là một trường hợp khá đặc biệt. Thơ ông luôn được đổi mới, hiện đại một cách đáng ngạc nhiên, đối với cả những người viết trẻ đòi hỏi luôn được “cách tân mỗi ngày”. Câu chuyện về đời văn chương của ông kéo dài từ “Biển chiều”: “Con sóng chiều nay dìu dặt/ biển xanh hơn nhuộm/ những cánh buồm/ cưỡi sóng bay qua nghìn núi/ khỏa trắng mây trời (…) tiếng em cười rung cây súng trên vai/ lanh lảnh bay trong chiều vời vợi/ ráng đỏ lưng chừng in hình cá lội/ đâu tiếng gà xa gáy tận trời xanh?”.

Bài thơ này ông viết từ năm 1970 và bị “đánh” tơi bời bởi “Thơ thế là viển vông, phi thực tế, mang ý niệm siêu hình”. Điều này cũng cho thấy phong cách sáng tác của ông đã định hình từ khá sớm. Sau này ông có tập “Đám mây lơ lửng” (2000) tạo nhiều dư luận. Tập “Tháp nghiêng” được trao tặng thưởng của Hội Nhà văn (2004). Năm 2019 ông in tập thơ “Một mai gió chở tôi về” tạo nhiều ấn tượng cho bạn đọc.

Văn Thành Lê viết khá “kỹ” về trường hợp của Phạm Thị Ngọc Liên. Một Phạm Thị Ngọc Liên “vẫn tin vào tình yêu”, từ truyện ngắn đến thơ. Từ các truyện ngắn ấn tượng trong tập “Có một nửa mặt trăng tròn mặt trời” “bung nở hân hoan, với giọng văn riêng thật khó lẫn”.

Và thơ, người đọc sẽ còn nhớ mãi một “Yên lặng đêm Hà Nội” vô cùng da diết: “Chỉ còn mênh mông gương hồ, hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ/Chỉ còn mênh mông gương hồ, từng hàng cây góc phố, ngây ngô nhìn nhau/ Chỉ còn hơi ấm mối tình đau, anh đi có đôi lần nhìn lại/Chỉ còn em, còn em im lặng đến tê người”.

Khi đoạt giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III năm 2005 với tập truyện “Phù phiếm truyện”, Phan Việt đang theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Chicago (Mỹ) về lĩnh vực công tác xã hội. Nhiều người không biết Phan Việt là ai.

Mãi mấy năm sau, Phan Việt xuất hiện với tiểu thuyết “Tiếng người”, đề cập cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nhiều năm sống ở Mỹ về lại Hà Nội. Cuộc sống của một lớp trí thức trẻ đương đại hiện ra khá rõ nét trong từng trang sách của Phan Việt.

Tiếp đó là bộ sách “Bất hạnh là một tài sản” với các tập sách “Một mình ở châu Âu”, “Xuyên Mỹ” và “Về nhà”. Một Phan Việt không ngừng thay đổi cho dù chị vô cùng bận rộn với công việc của mình: Một Phó giáo sư-Tiến sĩ, giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học tại Mỹ…

LÊ TRÂM