Nguyễn Trọng Dũng và những điệu thức tằm tơ
(VHQN) - Không gian tranh lụa của Nguyễn Trọng Dũng thường có bố cục đơn giản, chặt chẽ với những khối thể, nhịp điệu, sắc màu đằm thắm được pha trộn tinh tế, thể hiện một ngôn ngữ ấn tượng, cổ điển mà khá mới mẻ và hiện đại.
Luôn trăn trở, bứt phá, hướng đến cái đẹp mới lạ, song nơi chốn mà Dũng không ngừng lui tới lại là không gian hoài niệm đầy xúc cảm nhung nhớ chốn quê nhà. Và dường như nơi ấy, anh đã trực ngộ đến cõi khát khao mộng ước, với những nét đẹp hồn nhiên mà rất mực uyên thâm, sâu lắng của phương Đông.
Từ khói sương mong manh hư ảo đến ánh sáng huy hoàng của một ngày nắng đẹp, từ những hoa trái mùa màng, đến con phố thân quen..., Dũng thể hiện bản lĩnh chững chạc qua cách diễn hình, diễn màu và chọn mô típ, bố cục của chất liệu tằm tơ.
Đó là những mái ngói thâm nâu, những mảng rêu phong, hẻm nhỏ chật chội, con phố vắng với những Phố cao lầu, Phố xích lô, Phố vào chiều, Phố vào hạ, Phố mùa đông, Trăng đầu phố..., đôi khi xen lẫn mỗi góc phố là hàng hoa giấy rủ bóng ven đường, là chiếc xích lô với dáng nửa nằm nửa ngồi của bác xích lô già... càng khiến chất hoài cổ Hội An trở nên đầm ấm, gần gũi.
Những phố ấy, những ngôi nhà ấy, những con người ấy... trong tranh Nguyễn Trọng Dũng lặp đi lặp lại, gần như tạo nên nhạc điệu du dương, dẫn dắt níu ta về không gian hoài niệm: “Ở thời ấy/ cha tôi kéo/ xe bánh gỗ/ bánh xe lăn/ trên đường phố/ từ Chùa Cầu/ xuống Ông Bổn/ mười ngón chân/ của cha tôi/ như móng sắt/ gõ gõ gõ.../ Bóng cha tôi/ lưng trần đỏ/ như bức tường/ ngôi nhà cổ...” (thơ Vũ Minh).
Tranh Nguyễn Trọng Dũng ví như những điệu thức tằm tơ trầm bổng, có lẽ đã ăn sâu từ trong tâm thức, với sự ngọt ngào của hình và những mảng màu trang trí, đôi khi thấp thoáng ít nhiều yếu tố lập thể… Càng dễ gặp gỡ điều này ở những ký ức tuổi thơ pha trộn tinh thần cổ xưa với phong vị mới mà vẫn mềm mại, uyển chuyển: Hoan ca, Chiều hè, Đồng dao, Thả diều, Chơi ô làng, Trâu trắng trâu đen...
Nơi đây, có lúc hình vẽ cách điệu theo lối dân gian, lúc nâng thành phong cách bác học, mà người thưởng ngoạn phải trải lòng tận thưởng mới nhận ra thông điệp lấp lánh và cái đẹp ấm áp, thú vị, tỏa hương thơm.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng sinh năm 1962, tại TP.Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế - hệ Trung cấp 1982-1985, là hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam. Anh có tranh trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mường, Bộ sưu tập Hội mỹ thuật Việt Nam...
Cần nhắc lại triển lãm lần đầu của Nguyễn Trọng Dũng từng tổ chức tại Đà Nẵng cách đây gần 30 năm (1994), và khi ấy, nhà nghiên cứu - sưu tập Hoàng Chức đã nêu nhận định: “Cá tính sôi nổi không khoan nhượng của anh, như được quân bình bằng tính trầm mặc của chất lụa. Sự tương tác đó đã tạo cho anh đạt được cái sâu lắng trong tư duy; đẩy anh vào một phong cách biểu hiện có bản sắc riêng - tách rời khỏi lối vẽ tranh lụa truyền thống - bộc lộ tiềm năng sáng tạo theo ngôn ngữ hội họa hiện đại”.
Nay trở lại lần này với người thưởng ngoạn phương Nam vẫn với dòng tranh lụa gắn cùng chủ đề Hội An, trong khi anh đã có khá nhiều tác phẩm sơn dầu hoặc các chất liệu khác thể hiện thành công ở các cuộc triển lãm lớn, tại sao như vậy?
Trả lời câu hỏi này, Nguyễn Trọng Dũng cho biết: “Với riêng cá nhân tôi, lụa là chất liệu gần gũi dễ diễn đạt những ký ức, hoài niệm thơ mộng từ quá khứ xa xăm... Và cũng chính vì vậy, tôi tập trung vào chủ đề về Hội An, bởi đây là mảnh đất đọng lại trong tôi những hình ảnh sâu đậm trong ký ức tuổi thơ, cũng là nơi suốt thời tuổi trẻ tôi thường xuyên làm việc, sáng tác, vui chơi”.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nói thêm: “Giữa khoảng cách thời gian 2 lần triển lãm cá nhân, có thể với nhiều người cho là hơi dài, nhưng theo tôi, để tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân, ngoài việc phải có đủ số lượng tranh, các họa sĩ còn cần phải khẳng định phải có gì mới mẻ, cả về nội dung lẫn hình thức, chứ không nên “đến hẹn lại lên”.
Với phòng tranh “Hoài niệm lụa là” lần này, tôi đã trăn trở, nuôi ý tưởng trong thời gian khá dài. Trong đó, những bức thực hiện ở thời gian xa nhất từ năm 2003, nhưng đa số tập trung, chín muồi nhất từ ba năm gần đây”.
Ông Phạm Thanh Sơn đại diện nhóm các nhà sáng lập The World ArtSpace cho biết: “The World ArtSpace là nền tảng còn non trẻ nhưng mang đầy tâm huyết với mỹ thuật Việt. Chúng tôi sẵn sàng là một trung tâm kết nối, giới thiệu tới công chúng những thành tựu nghệ thuật Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, đã được lưu giữ và bồi đắp từ hàng thế kỷ qua. The World ArtSpace mong muốn có thể hỗ trợ cho các họa sĩ trẻ muốn bắt đầu con đường nghệ thuật với triết lý nghệ thuật riêng biệt”.
Từ 4/11 đến 14/11/2022, Triển lãm tranh lụa “Hoài niệm lụa là” của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng sẽ diễn ra tại The World ArtSpace, số 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền (quận 2, TP.Thủ Đức), do Công ty TNHH World ArtSpace tổ chức. Triển lãm gồm 25 tác phẩm, với chủ đề Ký ức Hội An và Đồng dao, mang phong cách biểu hiện, thể hiện lối vẽ lụa truyền thống Việt Nam, bằng chất lụa dệt bằng tơ tằm Việt Nam, màu vẽ Leningrat (Nga)...