Lại vang ngân "Tiếng hát bên dòng sông"

BẢO ANH 30/10/2022 09:11

Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng vừa xuất bản tập ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông”. Không chỉ để ghi dấu chặng đường gần 50 năm sáng tác, đây còn là thông điệp mà người nhạc sĩ của bãi biền Vu Gia muốn gửi đến mọi người, rằng anh vẫn luôn khao khát hòa nhịp cùng bạn bè, sáng tạo và cống hiến...

Bìa tập sách nhạc “Tiếng hát bên dòng sông”.
Bìa tập sách nhạc “Tiếng hát bên dòng sông”.

Một ngày mưa tháng 10, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội VHNT Quảng Nam) lặn lội tìm đến với bạn bè, để trao tặng tập ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông” của anh vừa được NXB Đà Nẵng cấp phép xuất bản.

Anh bảo, sở dĩ anh có thể gắn bó dài lâu với âm nhạc và gặt hái được ít nhiều thành công từ âm nhạc suốt mấy mươi năm qua là nhờ công chúng yêu nhạc và bạn bè động viên, ủng hộ. Vì thế, anh muốn tự tay trao ấn phẩm này đến với mọi người, như một cách để cảm ơn và chia sẻ...

Với 49 ca khúc chọn lọc từ gia tài âm nhạc được tích góp trong ngót 50 năm sáng tác, tập ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông” là ấn phẩm phác họa rõ nét chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng.

Đó là một người nặng lòng với đất mẹ Quảng Nam, yêu quê hương tha thiết, chân thành. Đó là một người giàu tình yêu trẻ thơ, luôn đồng hành, sẻ chia, giúp nâng cánh ước mơ cho các thế hệ măng non. Đó là một người mẫn cảm, tinh tế, biết làm cho những triết lý sống thăng hoa cùng âm nhạc...

Ở tập ca khúc này, công chúng yêu âm nhạc có dịp gặp lại một Nguyễn Huy Hùng của những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, say sưa, sôi nổi, yêu đời, đầy tin yêu và hy vọng trước cuộc sống mới: “Mùa xuân trên quê hương ta, khắp mọi miền Tổ quốc đơm hoa. Có chúng tôi trên những chặng đường, những chặng đường xây đắp tương lai” (Tuổi xanh giữa mùa xuân, 1976).

Gặp lại một Nguyễn Huy Hùng say đắm, dạt dào và trẻ trung trong tình yêu lứa đôi với nhiều ca khúc hay, có giai điệu đẹp và giàu cảm xúc. “Tình yêu không là biển, mà ta đi khôn cùng. Tình yêu không là rừng, sao có người lạc lối...” (Tự hỏi, 1987).

Chiếm phần nhiều nhất trong tập ca khúc này là những ca khúc về quê hương và ca khúc dành cho thiếu nhi. Trong đó, tất nhiên là không thể thiếu hai ca khúc nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Huy Hùng. Với dòng nhạc dành cho quê hương là ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông” được anh sáng tác năm 1980 và từ đó đến nay, vẫn thường xuyên vang lên trên các làn sóng phát thanh, được biểu diễn trong nhiều chương trình ca nhạc lớn.

Những ca từ ngọt ngào phảng phất dư vị dân ca mang chứa tình yêu quê hương nồng nàn, sâu lắng... như không bao giờ cũ: “Con sông Thu Bồn có tự bao giờ, mà nghe điệu lý câu hò ngân vang. Dòng nước trong xanh xanh cả đôi bờ, bên lở bên bồi để nhớ để thương, bên lở bên bồi năm tháng vẫn thủy chung...”.

Với dòng nhạc dành cho thiếu nhi, ca khúc “Niềm vui của em” sáng tác năm 1982, nằm trong top 50 ca khúc dành cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam thế kỷ 20 và cũng chính là tác phẩm đã đưa Nguyễn Huy Hùng vào danh sách “những nhạc sĩ của trẻ thơ Việt Nam”.

Vẻ đẹp rạng ngời, lung linh trong ca từ và giai điệu ở ca khúc này mãi đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn: “Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy, em đến trường, cùng đàn chim hòa vang tiếng hát. Hạt sương long lanh nhẹ thắm trên vai, nụ hoa xinh tươi luôn hé môi cười, đưa em vào đời đẹp những ước mơ...”.

Trong tập sách nhạc, ca khúc mới nhất “Ta nợ Tam Kỳ” được sáng tác trong thời gian anh ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chừng như với nhạc sĩ Huy Hùng, âm nhạc không bao giờ ngưng chảy trong tâm hồn. “Ai đi xa cũng nợ Tam Kỳ/ Nợ phố xưa có cái tên rất lạ/ Tam Kỳ ơi, Tam Kỳ ơi kỳ chi (mà) kỳ quá/ Mỗi bận đi xa lại nợ một lần về”.

“Riêng với ca khúc này, tôi phải dành lời cảm ơn đặc biệt đến nhà thơ Phương Dung, một người Tam Kỳ đang sống xa quê, tác giả bài thơ cùng tên, đã nói hộ lòng tôi và để tôi được tỏ bày...” - nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng nói thêm.

BẢO ANH