Phan Ngọc Thường Đoan - người đàn bà cả đời "gá nghĩa" cho thơ

NHƯ HIỀN 30/10/2022 08:57

Suốt 30 năm duyên nợ với thơ, dễ hiểu khi P.N Thường Đoan yêu thơ từ máu thịt, từ huyết quản. Và mỗi ngày một bài thơ đăng trên facebook đã cho thấy rằng cả cuộc đời này P.N Thường Đoan đã chọn “gá nghĩa” cho thơ.

Phan Ngọc Thường Đoan.
Phan Ngọc Thường Đoan.

Má mèo và chuyện văn chương

Giới văn sĩ Sài Gòn thường nhắc về nhà thơ P.N Thường Đoan bằng cái tên đáng yêu là má mèo. Ai quen thân có lẽ đã từng thấy ít nhất một lần hình ảnh một người đàn bà giản dị vuốt ve và cho mèo ăn. P.N Thường Đoan yêu mèo, yêu động vật…

Sau những bữa tiệc tùng, nhà thơ thường gom góp mớ thức ăn thừa, những miếng thịt dư cho vào hộp. Nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc lắm. Nhưng ai thân rồi sẽ biết, ấy là Đoan mang về cho lũ chó mèo hoang được nhà thơ nuôi dưỡng ở tòa nhà 81 - Trần Quốc Thảo. Nhà văn Mạc Can từng kể, tập truyện “Bầy mèo vô sinh” của ông được viết từ những lần đến nhà 81 thấy P.N Thường Đoan cho mèo ăn.

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan quê quán ở Vĩnh Long, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: “Lục bát cho khát vọng” (NXB Hội nhà văn - 1992), “Người đàn bà làm thơ và trăng” (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh - 1995), “Đếm cát” (NXB Văn học - 2003), “Rũ người” (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh - 2006), “Buổi sáng có nhiều chuyện kể” (NXB Hội nhà văn - 2009). Chị hiện công tác tại Tạp chí Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh.

Người dễ thương thì được nhiều người quý. Ví như họa sĩ tài hoa Lưu Công Nhân từng vẽ tranh tặng P.N Thường Đoan. Sau này nhiều người hỏi mua nhưng nhà thơ cười bảo “nào ai bán kỷ niệm bao giờ”. P.N Thường Đoan nhiều tri âm, tri kỷ, trong đó có Phan Vũ - tác giả của “Em ơi, Hà Nội phố”.

Thơ P.N Thường Đoan được phổ nhạc rất nhiều. Có lẽ, được biết đến nhiều nhất là “Catinat cà phê sáng” của nhạc sĩ Phú Quang. “Những gương mặt lạ quen/ những giọt cà phê đen đặc/ anh ngồi một mình/ quấy loãng thời gian…”.

Nhà thơ kể rằng sinh thời nhạc sĩ Phú Quang là người anh, người bạn rất thân thiết với mình. Ngồi ở quán cà phê Catinat của nhạc sĩ Phú Quang tọa lạc bên đường Đồng Khởi (TP.Hồ Chí Minh) chờ nhà thơ Thảo Phương, hàng cây đẹp bên ngoài cửa kính, gương mặt người, ánh nắng dịu dàng rớt trên mặt phố, cà phê thơm và tiếng nhạc… đã khai sinh bài thơ “Buổi sáng” mà sau này nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc đổi tên là “Catinat, Cà phê sáng”, với lý do “bài này ra đời tại quán cà phê Catinat...”.

Ngoài Phú Quang, có rất nhiều nhạc sĩ khác cũng đã phổ nhạc thơ P.N Thường Đoan như An Thuyên, Trần Hữu Bích, Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Khanh, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Phạm Văn Nam, Khánh Vinh…

Là chứng nhân và góp phần làm nên đời sống văn nghệ Sài Gòn nhưng P.N Thường Đoan không ồn ào, lại có phần lặng lẽ. Cuộc đời nhà thơ đã đi qua rất nhiều thăng trầm, biến cố. Thế nhưng, ai quen với Thường Đoan luôn hiểu rằng chuyện cá nhân nhà thơ thường giấu kín.

Nhà thơ thường kể chuyện đời, chuyện người chứ hiếm khi nhắc chuyện đời mình. Những vệt buồn, những đắng đót, những cô đơn của người đàn bà làm thơ, Thường Đoan để dành cho riêng thơ. Thơ như người tình trăm năm, như tri âm tri kỷ, là nơi giãi bày tâm sự của người đàn bà từng trải, đã thấm đẫm chua cay, được mất của cuộc đời. “Nằm im/ Nghe gió rít buồn/ Hoa không nở nữa/ Vô thường cũng không/ Giữa chừng bỏ cuộc trăm năm/ Sương nghìn thu lạnh/ Những trầm khúc trôi” (Nằm im).

Ám ảnh về nốt trầm của phố

Những ngày Sài Gòn chòng chành sang thu, tôi nhận được tập thơ “Đất nước tôi màu xanh” của nhà thơ P. N Thường Đoan (NXB Đà Nẵng, tháng 9/2022). Phần một của tập thơ “Đất nước tôi màu xanh” được tác giả đặt tiểu đề là “Khi thành phố giãn cách”, một bức tranh đại dịch COVID với nỗi ám ảnh khôn nguôi về cái chết.

Một Sài Gòn luôn nhộn nhịp ồn ã nay vắng lặng, xa lạ, hoang vu. Những đêm không ngủ, không nghe gì ngoài tiếng còi xe cứu thương inh ỏi hụ, rợn người vì đường vắng, hẻm vắng, Thường Đoan thấy thương mảnh đất này đến tận cùng gan ruột: “Giãn cách/ Ngày không mặt trời/ Nên đêm giá băng bao phủ/ Màu trăng hạ huyền như máu/ Đặc khô tiếng khóc loài người” (Gần sáng).

Tác phẩm mới của P.N Thường Đoan.
Tác phẩm mới của P.N Thường Đoan.

Nhà thơ từng tâm sự, do tính chất công việc của một nhà báo nên đã chứng kiến những khoảnh khắc rất đau lòng khi nhìn dòng xe nối đuôi xếp hàng ở lò thiêu Bình Hưng Hòa. Và cái chết, rất nhiều cái chết.

Nhà thơ đã phải nhận rất nhiều tin dữ: Vợ chồng bạn văn cùng chết, ba mẹ của đồng nghiệp chết, hai người bạn thân là nghệ sĩ nhiếp ảnh chết, một nhà văn nổi tiếng lớn tuổi chết, rất nhiều bạn sơ giao chết… “Hồn về, dật dờ về/ Theo tiếng chuông buồn/ Tiếng chuông gọi hồn/ Hàng cây rung sương/ Ngôi nhà xưa nay xa rồi/ Bóng người thương nay mịt mờ” (Tử ca).

“Tử ca” - bài thơ viết sau đêm thành phố làm lễ tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ tử vong trong đại dịch. COVID-19 như cơn sóng thần quét qua, chưa bao giờ người ta thấy phận người mong manh đến như thế.

Nhưng thấy cái chết để càng trân quý hơn sự sống. Để thương từng tiếng rao, thương tiếng chân rộn rã dọc dài hẻm nhỏ, thương màu nắng, thương phố cựa mình trong cuộc hồi sinh… “Như chưa hề có cơn bão độc thổi qua/ Mẹ nhóm lửa ấm trưa tháng Chạp/ Mùi gạo mới nhớ quê xa thắt thẻo/ Lạt mềm thơm bó thương nhớ mỏng manh” (Phố lại vui).

Ngoảnh lại để thương hơn đất nước mình

Trong cuộc đời làm báo, viết thơ, P.N Thường Đoan đã có những chuyến đi đến mọi nẻo đường đất nước. Xuống biển lên rừng, ra đảo hay đến những vùng đất biên giới xa xôi.

Ghé Tri Tôn, Ba Chúc nghe chuyện thảm sát người Việt của Khơ Me Đỏ mà đau. Ra Côn Đảo lặng người trước nghĩa trang Hàng Dương… quay trước quay sau, nhìn trái nhìn phải gì cũng thấy rưng rưng. Đứng trước cánh rừng bạt ngàn xanh lại nghĩ đến “người nằm đó ngàn thu”.

Nhưng người đến thăm rừng không ai ở lại/ Nên rừng một mình đón xuân/ Rừng một mình đón tết/Rừng ôm người lính xưa mừng tuổi lúc giao thừa” (Rừng xuân).

Người đọc khắc khoải bởi sự xuất hiện nhiều lần hình ảnh những ngôi mộ, đặc biệt là mộ gió. Năm 2017, nhà thơ đặt chân đến rừng Mã Đà thuộc chiến khu D trong lần đi thực tế sáng tác.

Nhìn những ngôi mộ có hình ảnh - là những cô gái, chàng trai - có nơi sinh ở bên kia vĩ tuyến 17, rất trẻ, họ mãi mãi dừng lại, giữ lấy thanh xuân của mình giữa rừng già bạt ngàn lá non xanh mượt. Nghĩa trang Mã Đà buồn, cũng như nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo buồn, những ngôi mộ gió đều giống nhau. Ở rừng Mã Đà rất nhiều đom đóm, rất nhiều ve. Có phải là họ đấy chăng? Đom đóm xanh lập lòe soi đường tìm ngõ về?

Đom đóm rừng/ xanh như đèn thành phố/ sáng một ngày xuân/ rồi thẳm tím nhớ nhung/ đom đóm rừng là đôi mắt quá khứ/ ai treo nơi khung cửa đợi chờ” (Đom đóm rừng).

Trong thơ P.N Thường Đoan, nỗi đau của mẹ, những giọt nước mắt của mẹ thấm sâu vào thời gian, thấm sâu vào lịch sử, bóng dáng mẹ là dấu gạch nối của quá khứ và hiện tại. Một người mẹ bằng xương bằng thịt, nhưng mẹ đã hóa lớn lao, là hiển hiện của hình hài quê hương, đất nước.

Ai đã từng đi qua vùng đất đỏ Bà Rịa - Vũng Tàu vào mùa lê ki ma chín, có quặn lòng trước lời nhắn gửi: “Mẹ đừng đứng sau nhà chùi nước mắt/ Khói có cay thì núi cũng rất xa/ Tiếng chim lạc mẹ chiều nao nao rưng rức/ Biển một đêm đỏ hết ao nhà…/ Mẹ đừng ngồi bới tro đã nguội/ Nụ cười ngoan đã hóa hư vô” (Khi nào hoa lê ki ma nở).

Con người thơ Thường Đoan bày biện ra một tâm hồn dễ rung động nhưng không hẳn mong manh. Với người đối diện, chừng như niềm riêng được chị cất giấu sau đôi mắt thẳm và buồn nhiều. Để rồi thơ chị vẫn ăm ắp chữ tình, mà xa hơn là tình yêu nồng nàn với đất nước, quê hương. Đọc thơ P.N Thường Đoan để biết ơn, để nhớ, để thương và để yêu nhiều hơn xứ sở của mình.

NHƯ HIỀN