Khẩn hoang miền tri thức

HƯƠNG THU 30/10/2022 07:24

Với tôi, “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam - Đà Nẵng từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18” của Huỳnh Công Bá là một quyển sách mà bản thân được chứng kiến đầy đủ quá trình “khai khẩn” và “phát triển” của tác giả về một công trình nghiên cứu xứ Quảng rất giá trị.

Bìa sách “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam - Đà Nẵng”.
Bìa sách “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Quyển sách này vốn là một luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công ở cấp Nhà nước năm 1996. Ấn phẩm được phát hành năm 2019, NXB Đà Nẵng, do Sở VH-TT&DL Quảng Nam đề xuất và phối hợp với tác giả Huỳnh Công Bá xuất bản, UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí.

“Công cuộc khai khẩn” ấn phẩm này “trong những điều kiện vật chất rất khó khăn”, tác giả “đã đi khắp các làng trong khu vực, trao đổi ý kiến, vận động thuyết phục, đến cả làm thuê nữa, để sưu tầm và kiểm định tư liệu”, lời nhận định của Giáo sư Nguyễn Đức Nghinh - người hướng dẫn tác giả. Giáo sư hướng dẫn cũng đã khẳng định sự thành công của tác giả “chính là sự say mê, là ngọn lửa nhiệt tình, là lòng tự tin”.

Nét độc đáo - hoặc có thể dùng từ “độc nhất vô nhị” - của quyển sách chính là ở phần tập hợp toàn bộ hồ sơ nhận xét, đánh giá, chấm luận án từ cấp bộ môn, cấp cơ sở đến cấp nhà nước. Điều này thể hiện sự tự tin của tác giả mà người thầy hướng dẫn từng nhận định. Tác giả là nhà sử học, nên việc làm đó thể hiện đúng tính lịch sử, phản ánh trung thực khách quan.

Đồng thời điều này càng giá trị, thể hiện ở chỗ giúp cho độc giả không chỉ đọc phần chính văn như mọi quyển sách thông thường mà còn đọc thêm những nhìn nhận, đánh giá của các nhà khoa học về tác phẩm như là một nhà phê bình sách, thông qua đó đọc sâu tác phẩm hơn. Nội dung này còn cho độc giả thấy được tinh thần học thuật nghiêm túc của thầy và trò, “tính Quảng hay cãi” trong tranh luận học thuật của tác giả.

Giáo sư hướng dẫn của tác giả khẳng định, công trình “được xây dựng trên cơ sở một khối tư liệu phong phú, đã đóng góp cho khoa học Lịch sử những hiểu biết mới, cụ thể, chi tiết về quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xã ở vùng bắc Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) trong suốt thời gian dài 3 thế kỷ”, “phần đóng góp mới về tư liệu do tác giả phát hiện là rất đáng kể, rất quý báu”.

Quyển sách đã trình bày về các nội dung: Khái quát điều kiện đất đai và tình hình khai thác ở bắc QN-ĐN trời thời hậu Lê; công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc QN-ĐN từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18; cấu trúc làng xã, tình hình sở hữu ruộng đất và những tiến bộ kinh tế, văn hóa, xã hội ở bắc QN-ĐN. Nội dung quyển sách đã khẩn hoang miền tri thức mới.

Tài liệu chữ quốc ngữ đầu tiên đề cập quá trình khai khẩn, phát triển làng xã bắc QN-ĐN dưới thời hậu Lê đến đầu Nguyễn phải kể đến quyển sách này. Khi quyển sách này còn ở dạng công trình luận án, nội dung và phương pháp nghiên cứu của nó là sự tham khảo cho nhiều công trình nghiên cứu về hành trình Nam tiến, lịch sử - văn hóa của quá trình mở cõi. Hiện nay, quyển sách được phát hành rộng rãi, thêm tài liệu tham khảo, giúp cho miền tri thức lịch sử - văn hóa xứ Quảng ngày càng phong phú.

HƯƠNG THU