Nhà văn, nhà báo Lưu Đình Long: "Như mây thong dong"

XUÂN HIỀN (thực hiện) 16/10/2022 12:27

Nhiều năm liền, Lưu Đình Long đều đặn cho ra đời những đứa con tinh thần - là các tác phẩm văn học từ trải nghiệm đời sống. Khởi đi từ một nhà báo, bây giờ là người viết sách với bàng bạc chất thiền trong từng câu chuyện... Lưu Đình Long đã dành một cuộc trải lòng với Báo Quảng Nam.

Nhà văn, nhà báo Lưu Đình Long. Ảnh: NVCC
Nhà văn, nhà báo Lưu Đình Long. Ảnh: NVCC

Học cách lắng nghe

* Gần như, những câu chuyện ý nhị, những dòng văn tinh tế, thâm trầm, bàng bạc chất thiền là “bản sắc” riêng của Lưu Đình Long. Từ đâu để có một “Tâm kinh mình thuyết cho mình”, “Bình an mà sống”, “Lắng nghe hơi thở”, “Như mây thong dong”, “Như gió an lành”, “Sống tích cực, thương chân thành”… của riêng Lưu Đình Long?

- Lưu Đình Long: Nhìn lại những tác phẩm mình đã xuất bản (gồm 5 cuốn in riêng và một cuốn in chung với ThS Tâm lý Lê Minh Huân), tôi nhớ về những ngày đầu tập tành viết lách. Đó là khi mình mới bước vào năm nhất đại học. Khi đó tôi mới tiếp cận chiếc máy vi tính, mạng internet, tất cả mở ra cho mình một thế giới mênh mông hơn.

Tôi biết ơn vài người bạn học chung lớp báo chí đã hướng dẫn tôi lập email và chỉ cách mở trang word để gõ những bài viết đầu tiên. Bài đầu tiên đăng báo là bài tôi viết về má, cũng dịp miền Trung có bão lũ, thời tiết chuyển mùa như thế này. Bài chỉ có hơn 200 chữ, đăng ở trang Nhịp sống trẻ (báo Tuổi Trẻ) mà nhuận bút đến 180.000 đồng. Đây là số tiền cực lớn với sinh viên thời đầu năm 2000, vì đĩa cơm lúc ấy chỉ có 2.500 đồng.

Thực sự, lúc đó tôi viết báo vừa để thực tập nghề, đồng thời để kiếm tiền trang trải việc học của một sinh viên nghèo.

Sau khi tiếp xúc với mạng internet, mạng xã hội đầu tiên tôi tham gia là blog Yahoo! 360. Chính trang blog cá nhân này đã rèn bút cho mình, từ một người viết ngắn (tầm 300 - 400 chữ là hết ý tứ), tôi đã viết dài hơn, lên 600 - 800 chữ, rồi hơn 1.000 chữ cho bài tùy bút, sau này là các ghi chép, phóng sự báo chí…

Khi mạng xã hội facebook ra đời, tôi tiếp tục viết và có thêm những người bạn văn, bạn báo chí ở đây. Tôi viết như một cách chia sẻ về những trải nghiệm mà mình gặp hằng ngày, bày tỏ suy nghiệm về những câu chuyện mình nghe được từ dòng tin ngồn ngộn của thời đại, cũng như tâm tư bạn bè trải lòng cùng mình.

Ngoài công cụ như đã nói thì chất liệu để viết chính là sự thực tập lắng nghe sâu mà tôi học được ở thầy mình - Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một người có ảnh hưởng đến nhiều người ở Việt Nam và trên thế giới. Phương pháp “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”, “an trú trong hiện tại”… của thầy đã giúp tôi thấy rõ chính mình cùng người thân thương bên cạnh, thấy rõ những biểu hiện cuộc sống hiện hữu. Nhờ đó mà mỗi lần dừng lại để viết, con chữ, ý tứ cứ thế chảy ra để tôi hoàn thành một bài suy nghiệm dài hay một đoản văn.

Năm 2012, tôi tập hợp những bài viết ngắn từ mạng xã hội (đã được nhiều người đọc hoan hỷ đón nhận) thành tập “Lắng nghe hơi thở” (NXB Trẻ); rồi sau đó là “Tâm kinh mình thuyết cho mình” (NXB Hồng Đức, 2014), “Như mây thong dong” (NXB Văn hóa Văn nghệ và SaigonBooks, 2018), “Như gió an lành” (NXB Văn hóa Văn nghệ và SaigonBooks, 2020), “Bình an mà sống” (NXB Thế giới, 2021)…

* Tôi vẫn còn nhớ một Lưu Đình Long - nhà báo với rất nhiều câu chuyện của giới trẻ đầy sôi động. Bây giờ, đọc văn anh, tôi lại hình dung về một đời… sống chậm. Liệu đó có phải là hành trình chiêm nghiệm dày theo những trải nghiệm?

 - Lưu Đình Long: Thực ra, sâu thẳm trong tôi là lối sống chậm, ngay từ nhỏ. Khi vào đại học, với môi trường mới, tôi năng động hơn và chọn mảng viết về giới trẻ vì gần gũi với lứa tuổi, tiếp xúc, tìm kiếm nhân vật dễ hơn. Tuy nhiên, trong suy nghĩ, cách sống - tôi vẫn là người điềm đạm, bình tĩnh đến mức nhiều bạn bè có nhận xét “trông Long giống nhà sư”, hay có bạn còn nói vui là “Long thiền sư”.

Tôi cũng nhận thấy suy nghĩ mình già hơn tuổi, có lẽ vì tôi trải qua quá nhiều biến cố, phải tự mình vượt qua, đứng dậy, đi tiếp. Sự mạnh mẽ bên trong mình ngoài nhờ vượt qua những điều bất như ý của cuộc sống còn ở chỗ thấy rõ mọi nhân - duyên trong cuộc đời này.

Không có gì là tự nhiên biểu hiện. Được mất, thắng thua, hợp tan… đều có duyên của nó mà mình là một mắt xích quan trọng. Tôi hay quán niệm như vậy để giải quyết câu chuyện của mình và những người hữu duyên. Thấy và viết. Cứ thế tôi nối dài điều mình sẻ chia, chiêm nghiệm, xử lý thành trang viết, rất may nó đã được nhiều người đồng cảm. Hẳn là vì “đồng bệnh tương lân”, vì ai cũng có những nỗi niềm giống vậy nên hiểu và thương.

Cúi xuống để sống bình dị

* Cuộc sống luôn luôn có những điều thuận nghịch, như ý và bất như ý khiến đôi khi ta phải loay hoay để sống vừa lòng mọi người mà thiếu dũng cảm để sống cho mình, dẫu cái cho mình ấy không phải điều xấu xa. Ta phải sống sao đây? Và tôi vẫn luôn trấn an mình, “Yên tâm, rồi mọi chuyện sẽ qua!” từ “Như mây thong dong” của anh. Vậy lẽ sống nào là điều Lưu Đình Long luôn tâm niệm?

- Lưu Đình Long: “Be beautiful, be yourself” (Ta có là ta, ta mới đẹp). Thầy Nhất Hạnh đã viết bức thư pháp với nội dung này, được nhiều người rất thích. Với tôi, đây là sự thực tập để mình gần với mình nhất.

 

Thực tế, khi sinh ra chúng ta không mang gì đến cả nhưng rồi theo năm tháng chúng ta lại muốn có thật nhiều thứ (danh, sắc, tài…), dù đến lúc ra đi lại cũng chẳng mang gì theo. Nhiều người vì những “trang sức” bên ngoài đó mà đánh đổi nhiều thứ, đánh mất bình an bên trong (vốn là gia tài quan trọng nhất).

Không sống thật với bản thân, nghe sự điều khiển của người khác, sống để lấy lòng thiên hạ… đều là con đường đánh mất chính mình. Thiền, thực ra là để tìm về con-người-thật của mỗi người để làm cho mình đẹp nhất, an ổn nhất. Nó là sự lựa chọn con đường đúng chứ không chỉ là ngậm ngùi đi qua, để thời gian vùi lấp khiến mình tạm nguôi.

Nghĩ và thực tập như vậy nên tôi được tự do hơn, thành thật hơn với những gì mình có, đang trải.

* Có vẻ quê hương xứ sở đầu nguồn Thu Bồn, một làng quê bé mọn tựa lưng vào núi như làng Sơn Viên quê anh, là chất liệu cho cả lối sống bình an lẫn những dòng viết thong dong?

- Lưu Đình Long: Tôi nghĩ vậy. Tôi luôn biết ơn mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nơi có đồng ruộng, núi non, sông suối… Nông Sơn quê tôi giờ đã khá hơn xưa rất nhiều, kể từ khi tách ra thành một huyện (thay vì 5 xã miền tây Quế Sơn như trước). Tôi vẫn hay viết về quê để đăng báo và tình yêu quê lúc nào cũng làm cho trang viết ngọt lành, giàu cảm xúc.

Thực sự, cái nghèo, cái khổ của gia đình, của cảnh quê cũng là ký ức giúp nuôi lớn tâm hồn mình, để mình đồng cảm được với những người đồng cảnh, khổ hơn. Cúi xuống để sống bình dị hơn, chia sẻ nhiều hơn là cách tôi học được ở má, ngoại mình và quê hương.

Chất liệu sống yêu thương

* Vốn dĩ là một người trẻ và viết cho những người trẻ để “những điều thiện - lành có cơ hội được nảy sinh và trao truyền”. Lưu Đình Long còn gì muốn chia sẻ để người trẻ có kỹ năng yêu thương và sống đẹp?

- Lưu Đình Long: Cuộc sống thay đổi nhanh đến mức khi quay đầu nhìn lại ta không ngờ tới. Đó cũng là sự vô thường. Nếu chúng ta nhận ra được cuộc sống này vô thường, có đó và mất đó trong từng hơi thở, thì chắc chắn bạn sẽ sống có chất liệu hơn.

Ở đây tôi muốn nói đến chất liệu sống thương yêu. Tôi vẫn tâm niệm “là người, ai cũng phải chết, biết vậy để sống cho tốt”. Khi chia sẻ cho ai đó một lời hay ý đẹp hay một phần quà, tôi nghĩ mình đang gửi ngân hàng.

Với người thân thương, chỉ cần nghĩ đến vô thường, rằng chốc lát nữa đây mình hoặc họ không còn hoặc bệnh đau ập tới, ta sẽ không nỡ để mình giận lâu huống hồ thù ghét. Cứ vậy mà buông bỏ nhẹ nhàng, an nhiên mà sống, làm tốt nhất những gì có thể cũng đã là món quà cho mình rồi.

 Thêm nữa, mọi biểu hiện vốn do rất nhiều nhân - duyên, thành công hay thất bại của một người đều như vậy. Cái thấy này giúp ta không quá bi quan cũng không quá tự mãn. Mỗi sự việc, mỗi biểu hiện đều là bài học, là cơ hội để mình nhìn sâu vào chính mình, điều chỉnh suy nghĩ, lời nói, việc làm trở nên đúng đắn hơn, tích cực hơn. Từ đó nhận ra, té ra, thành công hay thất bại, khổ đau hay hạnh phúc đều là nấc thang để mình đi lên, đều là chìa khóa để mở cánh cửa bước về phía trước chứ không phải là thứ khiến mình dính mắc, kẹt lại.

XUÂN HIỀN (thực hiện)