Mưa trên đồng À na cút...
Sau hơn 5 năm mặc áo lính, Trần Ngọc Phương rời chiến trường K trở về quê nhà và gắn với nghề giáo ở huyện Krông Pắk - Đắk Lắk. Càng có tuổi, những ám ảnh về các trận chiến khốc liệt năm xưa cứ đeo bám tâm trí, thôi thúc anh cầm bút viết “Mưa trên đồng À na cút” (NXB Đà Nẵng - 2022).
Ký ức không phai
Gác lại ước mơ vào sinh viên, năm 1978, Trần Ngọc Phương mặc áo lính, gia nhập đội hình Sư đoàn 307 khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cuối năm đó, từ Đức Cơ, đơn vị anh đánh sang Pô Keo.
Sư đoàn 801 của Pôn Pốt phản công quyết liệt. Cậy lực lượng áp đảo và hỏa lực mạnh, bọn địch chia cắt đội hình đơn vị anh, bao vây nã đạn cả ngày lẫn đêm. Trận đó, đơn vị anh bị thiệt hại nặng nề, hàng trăm chiến sĩ hy sinh.
Mới bước vào đời lính chiến, Trần Ngọc Phương đã chứng kiến sự mất mát quá lớn nhưng vẫn không ngại ngần dấn thân làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
“Ròng rã một tháng chốt, trung đội tôi lặp lại điệp khúc gùi đạn, cáng thương cả ngày cả đêm, bất kể nắng mưa. Có mặt trên khắp các chốt tiền tiêu của các đại đội, không ít lần phơi mình giữa hai làn đạn cả địch và ta(…). Không biết là tôi đã khiêng trên vai bao nhiêu đồng đội, đứa thì đã chết, đứa bị thương” (tr.14).
Ghép 39 câu chuyện kể - 39 mảnh ký ức, Trần Ngọc Phương đã tạo nên “Mưa trên đồng À na cút”, khắc họa “cuộc chiến vệ quốc” rồi “cuộc chiến giúp bạn chính là giúp mình”, đánh đổ chế độ bạo tàn Pôn Pốt - Iêng Xary, cứu đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Chỉ là lính trơn, hơn 5 năm quân ngũ có mặt ở vùng đông bắc xứ sở Chùa Tháp, anh đảm nhận nhiều nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Lăn lộn khắp nơi nên anh hiểu rõ “Chốt Xê Năm”, “Chốt M”, “Cao điểm 428”, hiểu rõ nỗi gian truân vất vả khi “Truy quét”, sự bàng hoàng thảng thốt của đồng đội khi “Chiến bại”. Đó là chiến dịch mang mật danh X2-1983, đánh Cứ điểm 547. Mùa khô nắng lửa. Dãy Đăng Rếch là đồi núi đá, mạn đông bắc có địa hình dốc đứng.
Khi đánh chiếm Cứ điểm 547, quân ta rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Cơn khát thiêu đốt bên trong. Nắng và núi đá nung nóng bên ngoài. Không có lấy một bóng cây, dù rằng có cũng chỉ để được nằm dưới bóng cây mà chết. Những đứa còn sức ráng đi, nhìn đồng đội nằm lại dọc đường. Cũng chỉ biết nhìn thôi, ngay cả giọt nước mắt cũng không còn để ứa ra” (tr.13).
Phải sống và chiến đấu
Chiến trường K khốc liệt. Tuy nhiên, với người lính chiến cũng có những quãng thời gian yên bình để thư giãn theo cách của lính. Những lúc ở hậu cứ, họ tăng gia sản xuất, trồng rau đậu ngay trên nóc hầm âm, đi câu cá suối, đi đào dúi cải thiện bữa ăn (Đào dúi).
Những khi đi biệt phái bảo vệ dân ở các sóc phum, thấy người Kh’mer thích ăn “kôn hin” (con ễnh ương) hơn con ếch, họ tò mò bắt đem chế biến nếm thử xem sao, hóa ra là món ngon tuyệt hảo. Bởi “thịt con hin thơm và ngọt hơn, xương lại giòn, ăn không ớn như thịt ếch” (Con hin). Trong thời gian ở Kro Lapia, Trần Ngọc Phương cùng đồng đội tham gia săn thú rừng với các tay thiện xạ Tà Đù, Tà Đưa, Tà Di…
“Bên đống lửa, thịt nai và thịt heo rừng cắt sẵn từng tảng, ai muốn ăn chỗ nào cứ dùng dao xẻo mà nướng, rượu cũng còn nhiều, chỉ thiếu đàn và trống. Người Kh’mer uống rượu vào là hát múa, có đàn và trống thì càng tốt, không có cũng chẳng sao, thêm một chút rượu bù vào, lại hát lại múa giữa rừng đêm hoang sơ” (tr.65).
Với độ dày hơn 350 trang, 39 câu chuyện kể như lời tâm tình, tập hồi ức chiến trường K “Mưa trên đồng À na cút” của Trần Ngọc Phương đã giúp những người lính từng sống và chiến đấu ở bên ngoài Tổ quốc nhớ về những năm tháng chưa xa.
“Mưa trên đồng À na cút” sẽ hấp dẫn hơn, nếu tác giả chịu khó “cắt dán” một số đoạn từ chuyện kể này sang chuyện kể kia một cách hợp lý sẽ tránh được sự trùng lặp không cần thiết.
Và nữa, tác giả đang kể một số sự kiện diễn ra ở Preah Vihear bất ngờ quay về kể chuyện xảy ra ở Rattanakiri, khiến người đọc am hiểu về chiến trường K ở vùng đông bắc Campuchia cảm thấy… không hợp lý! Giá như tác giả sắp xếp những câu chuyện kể theo trình tự thời gian trong “Mưa trên đồng À na cút”, người đọc lần theo “dấu chân người lính” Trần Ngọc Phương để hiểu cặn kẽ về Mặt trận 579, về Sư đoàn 307 anh hùng thì thật tuyệt vời biết bao!
Hình như tác giả cũng đã nhận ra điều đó, trong “Lời ngỏ”, anh viết: “Tôi viết, trước tiên là để cho chính mình, như một cách giải tỏa những ám ảnh của cuộc chiến mà mình từng tham dự. Sau nữa là cho đồng đội để cùng nhớ lại quãng đời trong quân ngũ, một thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời mà ảnh hưởng của nó với rất nhiều người là mãi mãi”.