Truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trước 1945: Đậm chất nhân văn của người Việt
Tập sách “Nguyễn Văn Xuân - 22 truyện ngắn trước 1945” (NXB Đà Nẵng) do nhà nghiên cứu Vũ Đình Anh sưu tầm đã khơi gợi nhiều suy tư, khiến lòng ta tự soi rọi lại những việc mình làm, những lối ứng xử với con người chung quanh để sống cho phải lối hơn.
Nhà nghiên cứu Vũ Đình Anh nhìn nhận: “Nguyễn Văn Xuân là nhà văn, học giả có tình yêu quê hương tha thiết, đề cao những giá trị đạo đức truyền thống, nhất là lối sống trọng nghĩa tình của người Việt Nam (…) Vì vậy, ông cố gắng lưu giữ lại trong trang văn của mình những hình ảnh tốt đẹp, để người đọc hiểu và cảm mà gìn giữ, nâng niu, trân trọng. (…) Đó là những dấu ấn độc đáo, những đóng góp của Nguyễn Văn Xuân cho văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945”.
Khắc họa hình ảnh người phụ nữ
Trong những truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân in trên báo, tạp chí giai đoạn trước 1945, có một số truyện được “Tiểu thuyết thứ Bảy” ưu ái dành cho chuyên mục “Truyện quanh bếp lửa - một loại truyện mới của Nguyễn Văn Xuân”. Về điều này, nhà nghiên cứu Vũ Đình Anh nhận định: “Nếu xem hình ảnh bếp lửa như là nơi trao truyền yêu thương, gìn giữ mái ấm gia đình, hồn cốt văn hóa dân tộc thì chúng ta có thể bắt gặp điều đó trong nhiều truyện ngắn giai đoạn này của ông”.
Chính vì vậy, trong 22 truyện ngắn trước năm 1945 mới được sưu tầm này, người đọc cảm nhận rõ cốt cách, tình cảm của người Việt trong mối quan hệ gia đình và xã hội. Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống nhưng ở họ nổi bật với các phẩm chất chịu thương chịu khó, đức hy sinh.
Những điều đó được thể hiện qua cái nhìn chan chứa yêu thương và cảm thông của nhân vật “tôi”: “Tôi lại ngắm cử chỉ của mẹ tôi, lại ngắm hai bàn tay khô héo như những lá vàng mà bà đang nhặt và tôi thấy một sự xót thương lẫn kính trọng dâng lên trong lòng như sóng bể tràn vào bãi cát lúc triều lên. Tôi nghĩ đến bao nhiêu người đàn bà thầm lặng sống trong cuộc đời mà tưởng như sống theo bên cạnh, hết theo cha, theo chồng lại đến theo con, cuộc đời tưởng như sinh ra để mà hy sinh, cho đến ngày tàn cuộc” (Người đàn bà Tàu).
“Bà nhắm mắt lại, ơ thờ ngả tấm thân ẻo lả trên chiếc sập bằng gỗ cũ kỹ suốt ngày có mắc một tấm màn nâu đã sắp ngả ra màu không tên và đã rách nhiều chỗ. Cái sập ấy, với bốn cái chân cong mình tôm, với những chấm trắng trắng mỗi lúc trông thấy, tôi lại có cảm tưởng nó đã nằm ở đó hàng trăm hàng ngàn năm rồi; đã có bao nhiêu tấm thân như tấm thân bà tôi lớn lên trong lòng nó và chết đi trong lòng nó. Những tối mà bên ngoài mưa gió, bà tôi lại tỉ tê khóc. Bà sợ chúng tôi phải đói và lạnh” (Tuổi già hạt lệ như sương).
Tự vấn để thức tỉnh
Nội dung nổi bật nữa trong “Nguyễn Văn Xuân, 22 truyện ngắn trước 1945” là sự tự vấn lương tâm trong những truyện ngắn nhân vật xưng “tôi”. Đó là sự suy tư, dằn vặt trước những mối quan hệ, ứng xử trong cuộc sống, xã hội lúc bấy giờ; qua đó nhà văn mong muốn trao truyền cảm hứng thức tỉnh phẩm hạnh, lương tâm của mỗi con người.
Đó là “tôi” vì thương xót mà diễn vở kịch yêu đương một cô gái trong cơn bệnh hiểm nghèo, để rồi sau phút giây hạnh phúc bất ngờ, cô gái ấy từ giã cõi đời. “Tôi” đã hối hận về điều ấy.
“Nhưng có những buổi chiều đầy hương vị tha thứ như buổi chiều nay tôi lại thấy tôi đã làm một điều hay. Vì tôi đã làm cho người con gái kia, Diễn đau khổ và suốt đời chưa hề được một tình thương nhỏ mọn kia, đã chết với nụ cười, tuy khô héo, nhưng dịu dàng nhất, êm đềm nhất mà dù là thiếu nữ nào, ở hạng nào cũng chỉ mong được có thế mà thôi.” (Lá bạc thau).
Hay đó là lúc “tôi” cư xử hàm hồ với hai người đàn bà Tàu nghèo khó, sau đó nghĩ lại: “Theo một cơn gió lạnh lọt vào phòng, tôi vòng hai cánh tay lại và như một tội nhân đang hối hận, tôi nhìn tôi rồi lại nhìn qua cửa sổ, ngạc nhiên tự hỏi: - Tôi, có phải tôi, người thanh niên rất sáng suốt bây giờ, tôi đã xử sự như thế được?” (Người đàn bà Tàu).
Hoặc “tôi” tự đắc vì kinh nghiệm đối phó với những trò lừa đảo trong xã hội, để rồi mất niềm tin vào con người dẫn đến cái chết tức tưởi của một cô gái mà mình quen biết: “Tôi ân hận quá. Đã mấy lần, tôi một mình ngồi ôm mặt khóc trước bàn viết của mình. Không hiểu tại sao tôi lại tin rằng những lúc mà tôi cô độc quá, tôi cần phải nhớ Hòa, nhớ và rỏ thực nhiều nước mắt khóc Hòa. Như thế may ra linh hồn Hòa có được an ủi đôi chút chăng? Và cũng từ đó, tôi đâm ra nghi ngờ tất cả kinh nghiệm của tôi” (Kinh nghiệm)…