Đạo diễn Andre Van In và lời hẹn với Việt Nam

Trương Vũ Quỳnh 31/08/2022 16:05

(QNO) - “Hẹn gặp lại Việt Nam nhé”. Khi nào cũng vậy, khi chia tay đám học trò của mình sau một khóa học, Andre Van In - đạo diễn người Pháp, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam đều nói như thế với cái bắt tay rất chặt cùng ánh nhìn thân tình và trìu mến….

Lần này thì ông đã thật sự đi xa. Ngày 27.8.2022, những bạn bè làm phim tài liệu tại Việt Nam đã rất đau buồn khi hay tin ông vừa qua đời tại thành phố Paris xa xôi, trong khi vẫn còn đang ấp ủ ý tưởng về việc quay một bộ phim mới.

Adre Van In, đạo diễn người Pháp
Andre Van In, đạo diễn người Pháp

Đến Việt Nam lần đầu vào năm 2004, tổ chức và chủ trì liên tục các khóa đào tạo về làm phim tài liệu theo phong cách điện ảnh trực tiếp Varan, ông có nhiều năm gắn bó đến mức thân thuộc với Việt Nam.

Từ năm 1982, là một trong những người sáng lập trại sáng tác Varan Paris, trực tiếp đứng lớp, sau đó là cố vấn, ông đã mang tinh thần của một lối làm phim tuyệt đối tôn trọng thực tế đến nhiều quốc gia. Varan Việt Nam, với người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông đã đạt được nhiều thành công đáng kể khi đào tạo được nhiều nhà làm phim trẻ với một hướng đi hoàn toàn mới mà trước đó chưa từng biết đến. Có thể nói, ông là người đặt nền móng đầu tiên và kiên trì xây dựng để Varan phát triển và có chỗ đứng quan trọng trong lòng người yêu mến điện ảnh Việt.

Hơn 10 năm ròng rã  bằng các khoá đào tạo say mê và kiên trì, trong đó có hai khóa dành cho các học viên tại miền Trung, chúng tôi đã chịu ơn ông ngay từ buổi ban đầu khi được ông dẫn đến một “miền đất khác”, thứ mà trước đó chúng tôi hoàn toàn không biết. Ông đã mang một thứ ánh sáng lạ vào đêm tối u mê của chúng tôi ngay khi chúng tôi còn cắm đầu lao lực trên cánh đồng chật chội của phim tài liệu truyền hình với cách cày bừa viết lời, đắp hình cũ kỹ và thô vụng...

Cùng học làm phim
Cùng học làm phim

Không chấp nhận cách tiếp cận hiện thực giản đơn, ông luôn nhắc nhở: Con người vốn là một thực thể đa chiều, điện ảnh trực tiếp chấp nhận cuộc đời nhân vật như họ vốn có, hãy giữ sự thành thực, không có con người đen hoàn toàn hoặc trắng hoàn toàn. Những gì xảy ra hôm nay là lịch sử của ngày mai, làm phim tài liệu là ghi chép lại lịch sử, người làm phim tài liệu chỉ là người ghi chép, người làm phim không thay đổi được hiện thực. Với ông, làm phim tài liệu là chấp nhận sự phiêu lưu, đấy là hành trình khám phá nội tâm nhân vật, đồng thời cũng là khám phá nội tâm của chính chúng ta.

Trung thành với phong cách tài liệu thực tế, coi trọng sự dấn thân, ông đã dạy chúng tôi những lưu ý nghề nghiệp thoạt nghe đơn giản nhưng sâu sắc vô cùng:

- Hãy cầm máy lên làm film khi thấy bị thôi thúc phải kể chuyện ấy ra.

- Chỉ bấm máy ghi lời trò chuyện khi người trò chuyện cùng mình tự nguyện, tin cậy và mong muốn giải bày.

- Chỉ ghi chép những thứ mà ta thấy đó là sự thật, và chỉ nói sự thật sâu kín bên trong, không phải cái tưởng như sự thật thường hời hợt bên ngoài.

- Phải trân trọng con người và câu chuyện mình đang theo đuổi. Chỉ cách ấy chúng ta mới tìm thấy bộ phim...

Ông đã đến, bằng công việc và nhân cách đã để lại tình cảm sâu đậm cho nhiều thế hệ học trò chúng tôi... Ông đã từng bước, kiên trì mang những cái phim nhỏ bé của nhiều học trò Việt Nam đến với các bảo tàng và các liên hoan phim ở châu Âu...

Nhiều người làm phim ở miền Trung đã trưởng thành và rất biết ơn ông. Đó là Đoàn Hồng Lê (Đất đai thuộc về ai, Lời cuối của cha…), Dương Mộng Thu (Chiếc chiếu của bà Bứa), Nguyễn Minh Kỳ (Hạnh phúc giản đơn), Trương Vũ Quỳnh (Người đưa linh)…

Cùng học làm phim
Chúng tôi học làm phim theo phương pháp của Andre Van In

Chị Lê Tuyết Nhung, từng là người điều phối ở Varan Việt Nam, cũng là người nhận được thông tin từ gia đình về sự ra đi của ông. Chị Nhung nói: "Chúng tôi không phải là ruột thịt nhưng là những người bạn của ông từ mười mấy, 20 năm nay và rất buồn khi nghe tin ông qua đời".

Ngoài công việc, ông còn có nhiều câu chuyện gần gũi, cảm động với những người dân hàng ngày ông gặp. Có khi đó là chị bán bánh mì, người phụ trách tổ dân phố nơi ông thuê trọ, là cô chủ quán nơi ông hay ngồi uống bia mỗi chiều… Chân thành và tử tế với mọi người, ông trân trọng từng ngày sống của mình.

Cả cuộc đời dành cho phim ảnh. Ngoài phim ảnh là bạn bè và rượu. Vui vẻ và tận hưởng, ông đã đi qua trần gian này như một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng và rất phiêu bồng...

 

Khi nhận được tin ông bị bệnh, chúng tôi bày tỏ chia sẻ, ông cười bảo: "Cuộc đời là thế" - (C'est la vie đúng kiểu Pháp). Những người làm phim tài liệu dành thời gian để nghĩ về ông vào những ngày này. Nghĩ để tưởng nhớ ông và cũng để nghĩ về chính chúng ta!

Dường như ông vẫn ở đâu đây trong chúng ta. Như lời hẹn của ông và sự đợi chờ!

Trương Vũ Quỳnh