Ngồn ngộn những câu chuyện Miền Nam xưa ngái

LÊ TRÂM 21/08/2022 10:09

“Viết Miền Nam xưa ngái, tôi đặt cược tâm hồn vào câu chữ chính mình…”, lẽ đó, nhà văn Thu Trân như vét cạn cùng từng con chữ để bày biện một vùng đất yêu quý của chính mình đến bạn đọc, không thể thật hơn…

Nhà văn Thu Trân và bìa tập sách “Miền Nam xưa ngái”..
Nhà văn Thu Trân và bìa tập sách “Miền Nam xưa ngái”..

Chuyện của một thời

“Miền Nam xưa ngái” (NXB Đà Nẵng 2022) là tập truyện ký viết về vùng đất tác giả một đời gắn bó. Ngái xa và xưa, xưa tới tận đâu? Có lẽ là: “Xưa cứ như là xưa ấy/ cha mẹ qua cầu cởi áo mê nhau”. Và thênh thang một xứ sở: “Xe đò lục tỉnh thênh thang/ quen hơi nhớ tiếng quá giang tìm dìa”.

Ở đó, ngổn ngang những câu chuyện. Riêng cái chuyện phương ngữ đã thấy… ngợp rồi. Chao ơi là những “chèn đéc ơi, mèn đéc ơi, dữ thần ôn, tởn thần, ba xạo, ba đía, bậu, cưng, qua...”.

Đậm đặc qua câu nói quanh mỗi một từ “ấy” nghe đến ù cả tai: “Mày đừng có ấy con ấy của tao nha, lúc này tao thấy nó ấy ấy làm sao á, in như nó cũng ấy mày thì phải”.

Ấy ấy đa tầng đa nghĩa là như vậy, gặp từ nào không tiện nói ra thì người Nam Bộ xưa dùng “ấy”. “Ấy” rất thần thánh, “ấy” có thể là đại từ, danh từ, tính từ, động từ… tuốt luốt. Tùy theo ngữ cảnh và tâm trạng, chỉ cần “ấy” là người nói và người nghe đều hiểu (Má mình xài phương ngữ).

Về vùng đất yêu quý, lời Thu Trân: “Tôi có đề cập cụm từ “sầu mộng giăng giăng”. Vậy người Nam Bộ “sầu mộng giăng giăng” chỗ nào? Chỗ nuôi dưỡng nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử làm nên “cái chất máu” của tâm hồn... Tôi thương người Nam Bộ tôi là như vậy... (Viết Miền Nam xưa ngái, tôi đặt cược tâm hồn vào câu chữ chính mình…).

Đậm đặc những câu chuyện đi kèm theo phương ngữ “độc, lạ” ít nơi nào có. “Tuổi gì mà dám “líp ba ga”?”, “Đồ cái thằng ôn hoàng dịch lệ”, “Quớ Tèo dìa ăn cơm”.

Những câu chuyện từng thịnh hành một thời nay dần vắng bóng: Anh Hai Nam Bộ với thói quen chải đầu láng mướt bằng dầu bi dăng tin, Làm dâu nhà giàu thì phải mặc áo dài quanh năm suốt tháng… Ở đó còn có hoài niệm về những cũ xưa trên vùng đất này mà Thu Trân gọi thành tên là “Lối xưa xe ngựa hồn Nam Bộ”.

Giếng làng Nam Bộ, mùi khói tết, vườn xưa, chuyến tàu đêm năm cũ, xe lôi thương nhớ, cà ràng và heo đất… Cả những câu chuyện mưu sinh dọc dài một vùng đất rộng lớn: mía ghim và khoai lang ghim, chuyện Bà Tàu “chí mà phù” và “ông bánh pía”…

Dấu lặng ở xóm sở Mỹ

Những câu chuyện xoay quanh một xóm nội đô có những người làm ở sở Mỹ và tất nhiên có cả những lính Mỹ. Những người khác sống phụ thuộc nhiều người khác với bao nhiêu nỗi bất an và đầy biến động trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Một cái xóm buồn, vô cùng buồn bã, lắm ngày tang thương.

Lính Mỹ lẫn lính Việt ngồi trên xe tăng ôm súng buồn thiu. Người lớn bảo buồn là phải, họ đang trên đường ra trận. Trận ở đâu đó, xa lắc xa lơ từ hướng bắc. Mà tôi biết, ít hôm nữa, họ sẽ quay về te tướp, trong số họ sẽ có nhiều người không bao giờ về nữa” (Dưới vết xích xe tăng Mỹ).

Rồi những đứa trẻ lớn lên trong thân phận bọt bèo. Những thằng Dẹo lai đen, con Kim lai trắng, con Gái chị, thằng Cu em, con Linh kều. Cái chết thê thảm của thằng Dẹo ám ảnh mọi người suốt bao nhiêu ngày. Những chị gái trôi thân vào đủ thứ nghề gọi chung là “làm sở Mỹ”.

“Những me Mỹ trí thức, mặc áo dài đi làm “bàn giấy” trong sở Mỹ thuộc hạng sang. Các me Mỹ này có trình độ, nói tiếng Anh ngon lành, làm ăn nghiêm túc, không lấy chồng Mỹ theo kiểu bất chợt hay một đêm, mà khi lấy chồng thì phải đám cưới đàng hoàng.

Hầu hết số me Mỹ dạng này đều theo chồng sang Mỹ định cư trước hoặc trong tháng 4.1975. Dạng thứ hai là trung bình, các bà các cô làm nhiệm vụ nấu ăn, giặt giũ cho lính Mỹ và bán hàng trong câu lạc bộ ở căn cứ Mỹ. Me Mỹ dạng này chuyên nói tiếng Anh “bồi” và yêu xả láng. Dạng thứ ba là các bà các cô làm lao công; chuyên dọn lau sàn nhà, khu doanh trại và chùi rửa toilet.

Các bà các cô dạng này thường ít học, “speak English by hand” (“nói” tiếng Anh bằng tay) nhiều hơn là nói tiếng Anh “bồi” như các bà các cô ở dạng 2. Họ không được lính Mỹ yêu một cách đàng hoàng, thường bị “quấy rối tình dục”… rồi mang bầu, đẻ con” (Hành trình “Me Mỹ”).

Chị Sương, cô Xí, cô Xuân, cô Láng… ở dạng thứ hai, thứ ba… Rồi đến chuyện bà Được “thầu rác Mỹ”. Và những con người, sống bám vào đó. “Rác Mỹ di động và không di động đã làm nên một “diện mạo” rất đặc biệt cho xóm sở Mỹ tôi. Xóm nội đô nghèo không ra nghèo, giàu không ra giàu, nhưng sẵn sàng ăn chơi thừa mứa đến khi không còn một xu dính túi!” (Rác Mỹ). Rồi những đứa con lai ra đời với bao nhiêu số phận bi thảm kéo dài đến mãi tận sau này và có vẻ sẽ không bao giờ chấm dứt…

LÊ TRÂM