Hoa cỏ ven đường

BẢO ANH 21/08/2022 06:49

Những vần thơ trong trẻo của thầy giáo già ngày giã từ bảng đen phấn trắng trong “Hoa cỏ ven đường” khiến bạn đọc không khỏi bồi hồi xúc động…

Bìa tập thơ “Hoa cỏ ven đường“.
Bìa tập thơ “Hoa cỏ ven đường“.

Mỗi khi có được một tập thơ mới, tôi thường có thói quen đọc... hai lần. Lần đầu, đọc để hình dung ra dáng vẻ, hình hài của tập thơ. Lần thứ hai, đọc để tìm ra những câu thơ hay, tâm đắc, phù hợp với tâm trạng, cảm xúc của riêng mình. Nhưng nhiều khi, có những tập thơ tôi chỉ đọc một lần đã có thể tìm thấy những câu thơ mình yêu thích, cần tìm.

Tập thơ “Hoa cỏ ven đường” (NXB Hội Nhà văn 2022) của tác giả Trần Công Quảng nằm trong trường hợp thứ hai này. Ngay sau lần đọc đầu tiên, tôi đã chọn được 4 câu thơ tâm đắc để chép vào sổ tay: “Bông trang mẹ trổ hoa vàng/ Mẹ trồng từ thuở tóc nàng đương xanh/ Bây chừ tóc mẹ trắng hanh/ Đâu hay mẹ đã hóa thành quê hương” (Mẹ là quê hương).

Mà không chỉ 4 câu ấy, trong tập thơ “Hoa cỏ ven đường” còn có thể “nhặt” ra nhiều câu thơ hay khác, mang nặng tình quê hương, ơn cha mẹ, nghĩa vợ chồng và cả những tự sự về cuộc đời. Với anh, miền quê là “miền xanh”; trong anh, nẻo quê luôn thao thức: “Quê hương xanh màu chung thủy/ Chuyến về một vé này thôi/ Đặt mua khi còn có thể/ Miền xanh xanh đến bồi hồi” (Miền xanh)…

Những nếm trải cuộc người đã cho anh nhiều thứ, giúp anh nhận ra cả ngọt ngào và đắng đót. Như khi anh nhìn thấy nơi cỏ dại, không chỉ là cỏ mà là cả một cuộc hóa thân: “Cỏ dại ngàn đời hoang dại/ Lấm láp bụi đường tình trải miên xanh/ Người đi giẫm đạp cũng đành/ Ngẩng đầu cỏ nở hóa thành màu quê...” (Cỏ).

Tác giả Trần Công Quảng là thầy giáo dạy Văn THCS ở Quế Phú (Quế Sơn), vừa chính thức nghỉ hưu từ đầu tháng 8.2022. Anh xuất bản tập thơ riêng đầu tay này như một cách để lưu dấu ngày mình về hưu, ngày giã từ bảng đen phấn trắng. Do vậy, cũng không lạ khi trong tập thơ này của anh có nhiều bài thơ giàu tình cảm, đầy yêu thương về nghề dạy học, về mái trường, về tình thầy trò...

Đó là một “khung trời” khác được anh phát hiện ra đằng sau cái tất yếu của thời gian và tuổi tác: “Tóc thầy ngày mỗi bạc thêm/ Thời gian ngày mỗi dịu êm tình thầy/ Tóc thầy nhuộm cả trời mây/ Tình thầy nhuộm cả tháng ngày yêu thương” (Tình thầy).

Đó là một nhắn nhủ, một gởi gắm, một nhớ nhung cho ngày xa trường xa lớp: “đò trí, chừ, cập bờ bến trí/ gác chèo, thương sóng trí mong manh/ em về, vườn cũ chiều xanh/ trường xa trống vọng... rồi thành... cũ xưa” (Miền về)...

Thơ trong tập “Hoa cỏ ven đường” của tác giả Trần Công Quảng hầu hết hiền lành, chừng mực và không hề “làm dáng”. Nhưng điều này chẳng sao cả, vì bấy nhiêu đối với anh đã là một cuộc du ngoạn đẹp bằng tất cả sự chân thành với cuộc đời, với người, với thơ, như anh bộc bạch trong bài thơ được chọn làm tên chung cho cả tập: “Chỉ là/ hoa cỏ ven đường/ Sắc hương/ mờ nhạt.../ khiêm nhường vậy thôi/ Nắng mưa/ vùi dập/ tàn phôi.../ Nhựa tình/ đất dưỡng.../ dưới trời cảo thơm...”.

BẢO ANH