Đọng lại chữ tình trong "Bến thất tình"

LÊ VĂN HUÂN 14/08/2022 09:43

Xuyên suốt tập truyện ngắn “Bến thất tình”, dẫu những thân phận có nhọc nhằn, buồn khổ, nhưng khi khép sách lại, đọng một chữ tình dung dị, nồng ấm…

Bìa tập sách “Bến thất tình”.
Bìa tập sách “Bến thất tình”.

Nhà văn Mai Bá Ấn quê làng Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành hiện sinh sống và làm việc tại TP.Quảng Ngãi. Nhân cuộc hội ngộ với tác giả, đọc lại tập truyện ngắn của anh ấn hành trước đây “Bến thất tình” (Nhà xuất bản Văn học, gồm 13 truyện ngắn) vẫn không hề cũ mà chất chứa nhiều thông điệp rất đời.

Những phận đời

Suốt cả mạch truyện, thân phận nhân vật nào cũng gợi niềm thương cảm. Là “cô gái chung tình”, “chị Bảy góa chồng”, rồi cô Thắm, cô Phượng, Nguyệt, Mây, Hạnh, Ngân, Duyên; hay như thầy Trình, Hiếu - Sư Giác Huyền, chàng Năm Trương Chi, ông Năm thất tình, Bình thương binh…

Có lúc ta lặng người với những mảnh đời thăng trầm, đa truân… nhưng với phẩm tiết trong sáng. Đọc “Bến thất tình”, phần lớn nhân vật của anh giàu lòng trắc ẩn, nội tâm sâu sắc, phảng phất nét u hoài nhưng kết cục đều có hậu.

Những câu chuyện Mai Bá Ấn kể dễ neo lại trong lòng người đọc, dù câu chữ không cầu kỳ. Chính sự đan xen giữa tình tiết gay cấn và êm đềm tạo ra mạch truyện trôi chảy đến cái kết có hậu.

Tác giả Mai Bá Ấn. Ảnh: internet
Tác giả Mai Bá Ấn. Ảnh: internet

Trong “Cỏ hoa vùng cát” nhân vật chính là thầy Trình - một thầy giáo ở miền Nam trước năm 1975. Làm nghề dạy học trong thời buổi chiến tranh trong cơ thể thầy có cả vết thương của hai phía. Vì chiến tranh với cái lệnh quân dịch của địch, thầy giã từ bục giảng.

Một buổi sáng thầy đến trường chia tay học trò: “… Đừng khóc các em! Thời cuộc loạn ly, chia tay là tất yếu. Sau giờ giảng sáng hôm qua lệnh quân dịch đã đến gõ cửa nhà thầy. Nghĩa là thầy phải rời bục giảng hôm nay để đi cầm súng. Thôi các em ở lại…”.

Giã biệt các em, thầy để lại đôi dép ở sân trường, băng qua trảng cát mênh mông với đôi chân trần. Số phận đưa đẩy thầy ở giữa hai chiến tuyến, thế nhưng may mắn cuối cùng thầy cũng được về phía chính nghĩa.

Cảm hứng quê nhà

“Bến thất tình” là truyện được tác giả lấy cảm hứng từ khung cảnh bến sông Trầu ở quê nhà. Trước khi vào truyện anh đã viết: “Gửi bến sông Trầu quê tôi” đầy nhung nhớ. Đó là câu chuyện tình giữa ông Năm thất tình sống trên một chiếc ghe với “cô gái chung tình”, bên cạnh hai nhân vật này còn có chị Bảy góa chồng với căn nhà lá dừa bên bến sông.

Ông Năm đến làng cũng bất ngờ và tương tự như khi rời làng ra đi. Một cơn lốc đã cuốn phăng cả gia đình trên chiếc ghe bầu của cha mẹ ông về biển, còn ông trôi dạt đến bến sông này khi còn là cậu bé lên mười.

Làm thuê, mót lúa, tích cóp dần dần ông mua được chiếc ghe con để dong câu cá. Đêm đêm tiếng hát ly hương đượm buồn cùng nhịp gõ lưới chài của anh chàng đánh cá thôi thúc hoài trái tim một thôn nữ con nhà giàu có. Vì gia đình ngăn cấm mối duyên nên cô gái đã trầm mình xuống dòng sông quê.

Rồi một hôm, ông Năm thất tình cứu bảy học trò qua sông trong cơn bão lũ an toàn, trong đó có con của chị Bảy góa chồng. Thế nhưng ông Năm đã ra đi mãi mà không tìm được thân xác.

Ông Năm thất tình không còn người thân, “cô gái chung tình” cha mẹ buồn lòng nên không thờ cúng. Trong căn nhà lá dừa bên bến sông của chị Bảy góa chồng, vì ơn cứu người mà thờ phượng hai trái tim yêu thương ấy. Từ đó bến sông có tên “Bến thất tình”…

Bến sông ấy mang ơn ông Năm, như cách nhân vật tôi chia sẻ: “... Chị nói đúng, hồn ông Năm, con người ông Năm thì mãi gắn chặt với làng ta và bến sông này. Chẳng ai bây giờ còn nghĩ rằng ông Năm là dân ngụ cư nữa cả. Ông chính là một mảnh của hồn làng”.

Cứ thế trong 13 truyện ngắn Mai Bá Ấn đã đưa bạn đọc đến với những cảnh đời dung dị, chân thành, đầy tình yêu thương, không kém phần gian nan khổ ải nhưng cuối cùng tất cả đều qua đi chỉ còn chữ tình đọng lại.

LÊ VĂN HUÂN