Lặng nghe con chữ tự tình
Cuốn sách “Tự tình cùng Cái Đẹp” (NXB Hội Nhà văn, 2019) của nhà giáo, nhà văn Chu Văn Sơn mang đến hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc. Sách đẹp ngay từ trang bìa do tác giả tự họa đến nội dung, cả những phần trích lời bình ở bìa cuối.
Với Chu Văn Sơn, hành trình đi tìm cái đẹp, phát hiện và chuyên chở nó đến với người đọc của ông thật kỳ công. Thú thật, đọc kỹ 11 tùy bút trong “Tự tình cùng cái đẹp”, tôi nghe từng con chữ như có độ nảy mầm. Cách dẫn dắt đã hay, đã thú vị, lại gợi ra những liên tưởng miên man về cái đẹp.
Từ “Angkor - những đối cực của cái đẹp” kỳ bí, tác giả dẫn dụ người đọc về Tây Nguyên, băng qua quê hương của tháp nghiêng Pisa, quay về Việt Nam lên miền Tây Bắc, sau đó, tiếp tục khám phá quần thể hang động mang tên Sơn Đòong huyền diệu.
Tình yêu cái đẹp và tài năng ngôn ngữ đặc biệt của Chu Văn Sơn không chỉ tạo nên những trang văn hay từ vẻ đẹp kỳ vĩ, bí ẩn muôn đời của thiên nhiên và những kỳ quan.
Tác giả còn đem đến cho chúng ta những bất ngờ về vẻ đẹp giản dị mà sâu lắng hiện diện xung quanh ta: một đóa bằng lăng hồn nhiên hào phóng; một bông lau hảo tâm và bí ẩn; một sắc chè Thanh An hiền lành, thơm thảo…
Đắm say để dẫn dắt độc giả thưởng thức cái đẹp bất tận của thiên nhiên và cảnh quan văn hóa, nhưng tác giả cũng rất tỉnh táo gởi gắm những thông điệp “cảnh giác với những nhân danh trong một thời tao loạn bởi nhân danh” (Phan Huy Dũng).
Bởi lòng tham và sự vô minh của con người muôn đời là kẻ thù của cái đẹp. Làm thế nào để giữ gìn nguyên trạng vẻ đẹp ấy cho hôm nay và mai sau? Những lời tự tình của Chu Văn Sơn nhắc nhở con người về văn hóa thưởng thức và bảo tồn di sản vô giá của nhân loại.
“Với những người viết có tài, tùy bút luôn được triển nở, biến hóa, mang những sắc hương khác lạ”. “Tự tình cùng cái đẹp” với miền hương sắc lạ khiến bao người mê đắm vì trữ lượng chữ dồi dào, vì tấm lòng nâng niu cái đẹp.
Cảm xúc của tôi, dù đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn sách này là không bao giờ quên những dao động của sự thích thú và trăn trở. Bởi cái đẹp và tài hoa thường yểu mệnh. Nhưng vẻ đẹp của “Tự tình cùng cái đẹp” thì không như vậy.