Cảm thức văn hóa từ cuộc lữ hành của Lê Tiền Tuyến

ANH QUÂN 24/07/2022 09:20

Hai tập sách “Dấu ấn lữ hành” và “Nhìn ra thế giới” (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, tháng 6.2022), ghi dấu 40 năm làm báo của nhà báo Lê Tiền Tuyến với những cuộc lữ hành đầy cảm thức văn hóa.

“Dấu ấn lữ hành” và “Nhìn ra thế giới” của nhà báo Lê Tiền Tuyến.
“Dấu ấn lữ hành” và “Nhìn ra thế giới” của nhà báo Lê Tiền Tuyến.

Với quan niệm của một người làm báo “có đi, nghe thấy, mới viết”, trong 40 năm hành nghề cùng những chuyến đi thực tế - vì công việc hay riêng tư - nhà báo Lê Tiền Tuyến quan sát và chiêm nghiệm để có những bài viết đầy ắp thông tin, hình ảnh và suy tưởng.

Những bài viết đó thể hiện rõ cảm thức văn hóa - dù đặt rải rác trong các chương “Quê hương - Đất nước”, “Du lịch - Khám phá”, “Trong mắt chúng tôi”… hay đậm đặc trong “Văn hóa - Sáng tạo”, “Di sản - Nghệ thuật”. Những thông tin đó gợi mở nhiều suy tư về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử… của mỗi địa phương, quốc gia, dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển.

Nhìn ra thế giới

Với việc ghi lại hình ảnh những tượng đài trên nhiều quốc gia nơi mình đi qua, nhà báo Lê Tiền Tuyến nhận xét: “Ở Việt Nam có thừa những tượng đài các vị danh nhân, anh hùng lịch sử nhưng rất thiếu vắng các tượng mô tả cuộc sống đời thường, sinh hoạt dân gian. Điều này có vẻ ngược với xu hướng điêu khắc quốc tế” (Sinh động ý tưởng sáng tạo - Báo Sài Gòn Giải phóng - Đầu tư tài chính, số 5.10.2017). Những tượng đài đó được đặt trên phố hay trong công viên, vườn dạo...

Không gian đó lưu giữ nét di sản văn hóa và tạo cảm hứng cho con người chiêm nghiệm về cuộc sống: “có thể nói khi bạn đến một điểm nào đó hoặc vào công viên không hẳn chỉ là đi dạo, mà người ta còn muốn ngắm nhìn quá khứ, suy nghĩ về nhân gian.

Tìm chỗ vắng nào đó, hay vào một tiệm cà phê bên trong các di sản trong chuyến đi, bạn sẽ tìm được sự yên tĩnh của riêng mình để suy tưởng về cuộc sống, thấu hiểu các tầng nấc văn hóa đã làm hình thành văn minh loài người, mới thấy sức mạnh văn hóa là tuyệt đối và bất diệt” (Chinh phục bằng đẳng cấp văn hóa - 18.9.2017).

Trong các bài viết của nhà báo Lê Tiền Tuyến, yếu tố bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được coi trọng, như khi anh tham quan các lâu đài vùng sông Loire của nước Pháp: “Khách lữ hành phải mất… nhiều tuần để đi và chiêm ngưỡng hết các lâu đài cổ, cũng như các vật dụng, tranh ảnh, di bút của các bậc vua chúa trưng bày bên trong, như một di sản sống vùng thung lũng sông Loire” (Thung lũng sông Loire, miền cổ tích - 6.11.2014).

Hay như khi nói về quy hoạch và kiến trúc thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ) của kiến trúc sư người Pháp Pierre Charles l’Enfant từ năm 1790: “…Và đến nay, đồ án quy hoạch này vẫn biểu hiện sức sống mạnh mẽ, không lạc hậu bất chấp thời gian. Hiện nay tại thủ đô vẫn không có tòa nhà nào được phép xây cao hơn tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vì vậy tại Washington DC người ta vẫn thấy đường chân trời với những tòa nhà “thấp và tiện lợi”; những đường phố “sáng sủa và thoáng khí”, chứ không phải là những khối bê tông xám xịt và sự ngột ngạt của các đại đô thị” (Dấu ấn Washington DC - 4.11.2012).

Và về con kênh đào nối liền hồ Washington với vùng vịnh Puget Sound bờ Thái Bình Dương (Hoa Kỳ), lớn thứ hai châu Mỹ: “Mặc dù công trình có từ trăm năm nhưng du khách đến đây có thể cảm nhận trí tuệ ưu việt của con người và khuynh hướng con người sống hài hòa với thiên nhiên” (Độc đáo con kênh đào - 28.6.2018)…

Suy nghiệm và trăn trở

Cảm thức văn hóa ấy không chỉ là sự ghi lại những thông tin, hình ảnh để giới thiệu, quảng bá…, mà còn là sự trăn trở trước nỗi đau giá trị văn hóa đang bị xói mòn, có nguy cơ biến mất.

Nhiền lần đến nước Pháp - quốc gia nổi tiếng thế giới với truyền thống sản xuất rượu vang, nhà báo Lê Tiền Tuyến ghi nhận và chia sẻ: Ông Richard, chủ hầm rượu vang và chủ trang trại gia đình, đã hành nghề 32 năm nay tại vùng đất này nói với chúng tôi: “Lúc khác anh có qua, uống với chúng tôi, mới là rượu vang Pháp chính tông. Hàng nhập về Việt Nam có khi là rượu vang Pháp làm với công thức Chinois đó, không phải chúng tôi làm đâu nhé”.

Lý do được tác giả Lê Tiền Tuyến nêu ra, đó là: “Chỉ trong 3 năm qua, tại thủ phủ của ngành rượu vang Pháp đã có 30 lâu đài được sang tay cho các đại gia Trung Quốc và còn hàng chục thương vụ nữa đang chuyển giao…

Nhiều thương hiệu rượu vang Pháp nổi tiếng nay đã lọt vào tay người Trung Quốc… Họ cho rằng nước Pháp đang bán linh hồn của mình và yêu cầu các chính trị gia phải có động thái bảo vệ thương hiệu sản phẩm và nền văn hóa Pháp” (Điệu buồn phương Nam - 25.4.2013).

Với quan điểm “sức mạnh văn hóa là tuyệt đối và bất diệt”, qua 2 tập sách dày dặn, nhà báo Lê Tiền Tuyến như nhắn nhủ rằng, cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, cần chăm lo nhiều hơn đến việc xây dựng một nền văn hóa có bản sắc và đủ mạnh, góp phần bảo vệ quốc gia, dân tộc trước những cuộc xâm lăng vô hình trong giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay…

ANH QUÂN