Vườn tâm tưởng trong tranh Trần Văn Binh
Vừa qua, 26 tác phẩm khổ lớn với chất liệu sơn dầu và acrylic, được Trần Văn Binh trình làng trong triển lãm mang tên “Vườn tâm tưởng”, đánh dấu một chặng đường 26 năm chiêm nghiệm, thay đổi và định hình phong cách sáng tác kể từ lần triển lãm tại TP.Hội An.
Triển lãm diễn ra từ ngày 8 đến 17.7 tại Huyen Art House, số 8A Đặng Tất, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của họa sĩ Trần Văn Binh, sau hai triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng - 1993 và Hội An - 1996.
Chọn một lối đi
Từ những năm cuối thế kỷ 20, khi sự kết nối giữa mỹ thuật trong nước và thế giới bên ngoài được mở rộng, khiến tầm nhìn của người nghệ sĩ cũng được khai phóng.
Từ trong tâm tưởng tôi yêu những bình dị đời thường, tự bao giờ đã lắng sâu trong huyết mạch, tưởng chừng như hơi thở của mình. Và chính ở đó, tôi nghĩ, những tác phẩm hội họa của tôi mới biết trở mình.
(Họa sĩ Trần Văn Binh)
Sự tìm tòi, khám phá muốn thay đổi phong cách sáng tác cá nhân trong vai trò của một người nghệ sĩ, khiến Trần Văn Binh tạm biệt “kinh viện” với phong cách “hiện thực”, chọn cho mình hướng đi chông gai hơn, nhưng lại phù hợp với tâm thức sáng tạo cá nhân, có thể tạo nên một thế giới riêng biệt trong tác phẩm của mình.
Kể từ đó, Trần Văn Binh chọn sáng tác theo phong cách “trừu tượng”. Một phong cách mà anh cho rằng nó có thể giúp mình thăng hoa hơn trong sáng tác, thoát khỏi sự gò bó bởi những “bài bản” của dòng hiện thực. Tất nhiên, hành trình đó không hề đơn giản.
Phải mất nhiều năm thử nghiệm và chuyển hướng sáng tác, những tác phẩm trừu tượng của anh mới được giới thưởng ngoạn công nhận bằng hai tác phẩm “Mùa khô” và “Hoa nắng”, được tuyển chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc Hà Nội - 2005. Tiếp sau đó là “Giao mùa” tại Triển lãm tranh sơn dầu toàn quốc Hà Nội - 2008.
Sự quan tâm yêu thích của giới thưởng ngoạn nghệ thuật và những giấy khen liên tục của Hội Mỹ thuật Việt Nam sau các kỳ Triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên là động lực khiến Trần Văn Binh tự tin giãi bày, khai thác sâu hơn những cảm xúc, chiêm nghiệm, trăn trở tự thân về biến động của thiên nhiên, con người, văn hóa xã hội và môi trường.
Bằng thủ pháp cá nhân điêu luyện thông qua ngôn ngữ trừu tượng để tương tác với công chúng thưởng ngoạn, Trần Văn Binh dần đã đặt định được một phong cách cá nhân riêng biệt, không thể pha lẫn bằng bút hiệu “Văn Bi”.
Chiều sâu tâm tưởng qua gam màu đối lập
Trở lại với triển lãm cá nhân “Vườn tâm tưởng”, sau 26 năm âm thầm chiêm nghiệm, miệt mài sáng tác, trong chuyến “hành phương Nam” lần này, Trần Văn Binh mang đến với giới thưởng ngoạn nhiều cảm xúc khác biệt, lạ lẫm hòa lẫn vào nhau.
Thoạt trông, bên trên mặt tranh ở “Vườn tâm tưởng”, “Chớp bể mưa ngàn”, “Đầu ghềnh cuối bãi”, “Cánh chim báo bão”, “Phù sa qua phố”… là những đường nét bạo liệt, những gam màu nóng rát, dữ dội, muốn bùng thoát luồng năng lượng bị đè nén trước những đổi thay của thực tại.
Nhưng thật sự, phía sau của sự bạo liệt ấy lại được níu kéo lại bằng những gam màu lạnh, cảm giác về sự bình lặng được tác giả khéo léo gài sẵn đâu đó, bàng bạc bên trong chiều sâu của từng tác phẩm.
Tranh là người, tranh của Trần Văn Binh cũng như con người thật của anh, thoạt nhìn hình tướng bên ngoài trông rất dữ dội, nhưng thực chất bên trong lại chứa đựng bản tính của một người hiền hòa, suy ngẫm nhiều hơn thổ lộ.
Qua triển lãm lần này, giới thưởng ngoạn cũng nhận ra nguồn mạch cảm xúc chính trong sáng tác hơn hai mươi năm của Trần Văn Binh, trải dài từ tác phẩm “Hoa nắng - 2001” đến tác phẩm gần đây nhất “Nơi chốn yên bình - 2021”.
Qua thời gian, ngoài phong cách “trừu tượng” Trần Văn Binh cũng sử dụng phong cách “biểu hiện - trừu tượng”, chuyển tải ý tưởng một cách gần gũi hơn, cụ thể hơn qua các tác phẩm “Nhịp phách bài chòi”, “Phố gần đồng xa”, “Trăng lu phố cũ”, “Phố huyện”…
Ở đó, những biến đổi thực thể của thiên nhiên, môi trường, văn hóa xã hội trước dòng chảy khắc nghiệt của cuộc sống, của thời gian, được nhìn nhận bằng cảm xúc phiêu du, chừng như lắng đọng, chừng như tiếc nuối về những khoảng trời xưa cũ.
Nhà báo Lý Đợi, giám tuyển mỹ thuật trong triển lãm lần này cho biết: “Về mặt ý niệm, tranh của Trần Văn Binh có hai thực tại, chúng hòa quyện và khuất lấp vào nhau. Đó là cái miền quê mà anh gắn bó máu thịt, suốt bao nhiêu đời, chẳng thể rời xa. Đó là chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, ở giữa quê mà như xa quê, mà nhớ quê đến da diết.
Về mặt sáng tạo, Trần Văn Binh cho thấy kỹ thuật tuyệt vời và cảm xúc dạt dào, được hun đúc dài lâu. Dường như anh tạo dựng nên một thực tại hiện thực trước, sau đó tìm cách tẩy xóa nó bằng những đường chéo đan xen, dàn trải khắp mặt tranh.
Chúng tạo ra không gian đa chiều, tiếp nối, dịch chuyển, như từ miền hiện thực tìm về miền tâm tưởng, và từ miền tâm tưởng vọng về miền hiện thực. Chính điều này đã làm cho bút pháp biểu hiện-trừu tượng (abstract-expressionism) chỉ còn là cái cớ, là phương tiện của người sáng tạo”.