Thế giới sắc màu trong điêu khắc của Đàm Đăng Lại

PHAN NGUYÊN 10/07/2022 08:46

Cuộc chơi với màu sắc của nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại trong triển lãm cá nhân “Điêu khắc Đàm Đăng Lại” mang đến cảm xúc tích cực cho người xem.

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại (trái) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại (trái) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Từ ngày 2 - 20.7, triển lãm “Điêu khắc Đàm Đăng Lại” được giới thiệu đến công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Tại triển lãm, 25 tác phẩm với gam màu rực rỡ tạo dấu ấn đặc biệt đối với người thưởng lãm. Tuổi thơ và thời niên thiếu gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, nên cảm hứng màu sắc chủ đạo của Đàm Đăng Lại xuất phát từ ký ức về cội nguồn, dân tộc. Chính những năm tháng xa quê hương, ký ức lại trỗi dậy, đeo đuổi, để rồi được tác giả dồn nén trong từng nét chạm trổ, phối màu.

Một số tác phẩm của Đàm Đăng Lại...
Một số tác phẩm của Đàm Đăng Lại...

Nói về sự lạ và mới trong điêu khắc Đàm Đăng Lại, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận xét: “Với màu sắc của vẻ ngoài phảng phất không khí cây nêu Tây Nguyên và lễ hội cá chép Nhật, Đàm Đăng Lại dịch chuyển thị giác ra khỏi các ấn định màu quen thuộc của điêu khắc Việt. Mà không chỉ có thị giác, việc khoác lên màu sắc sặc sỡ cũng là cách đánh lừa rằng các tác phẩm này đơn giản.

Thực ra, chúng cực kỳ phức tạp và nặng nhọc. Đúc và mài inox là một khía cạnh cho thấy độ khó cao của các tác phẩm. Về tạo hình và dựng không gian, Đàm Đăng Lại cũng giấu chất hàn lâm, học thuật vào vẻ ngoài thơ ngây, vui tươi đó.

Thế nhưng, để đạt đến độ đơn giản, phải trải qua hành trình phức tạp. Ngoài ra, chất thơ, chất trữ tình dân gian cũng là một nét rất lôi cuốn. Nó như trả lại cho đời sống chút trang sức, chút sắc màu mà sự lạnh lùng công nghiệp, kỹ nghệ lấn lướt lâu nay...”.

 

Đà Nẵng là nơi là triển lãm đầu tiên Đàm Đăng Lại trình bày các tác phẩm được sáng tác ở cả hai nơi: Nhật Bản - nơi nuôi dưỡng và có tầm ảnh hưởng lớn trong tư duy sáng tạo và Việt Nam - nơi ươm mầm và là gốc rễ trong hành trình sáng tác của anh.

Nói về việc chọn Đà Nẵng làm nơi trưng bày tác phẩm, Đàm Đăng Lại cho biết: “Đà Nẵng là thành phố rất đẹp. Trong thời gian ở Nhật tôi thường xuyên đến Đà Nẵng nên bạn bè ở đây cũng rất nhiều. Được đi nhiều nơi, nhưng tôi rất thích nguồn năng lượng ở thành phố này nên quyết định chọn là địa điểm tổ chức triển lãm.

Thông qua việc trưng bày, hy vọng người xem có thể hiểu được phần nào cách làm việc cũng như cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực tôi gửi gắm trong từng tác phẩm. Thêm vui vì có được sự hỗ trợ của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đồng thời những tác phẩm trong triển lãm lần này cũng đã có chủ nhân”.

 

“Có tác phẩm của Đàm Đăng Lại như một hạt mầm đâm chồi, mọc rễ; có tác phẩm như cái nhụy phơi phấn hương trong nắng; có tác phẩm như làn gió mát; có tác phẩm như lời tạm biệt tình nhân.

Dùng gỗ, inox, đá, đồng… để diễn đạt những cấu tứ trữ tình và cả trừu tượng một cách mượt mà như Đàm Đăng Lại, quả là không dễ dàng chút nào. Và cuối cùng, thật ghen tị với công chúng Đà Nẵng, khi họ có được một triển lãm điêu khắc mà không phải nơi nào ở Việt Nam cũng may mắn sở hữu” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi chia sẻ.

 

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại sinh tại Phú Thọ, trưởng thành tại Buôn Mê Thuột, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Điêu khắc năm 2000 tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Anh có 20 năm sinh sống và sáng tác không ngừng nghỉ ở Nhật Bản.

Đàm Đăng Lại đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân và nhóm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo Đại Lải. Ở nước ngoài, anh đã tham gia nhiều cuộc triển lãm ở Nhật, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc.

Các tác phẩm điêu khắc của anh đã được sưu tập tại thành phố Saiyo, Nhật; công viên nghệ thuật Taoyuan, Đài Loan; Trường trung học miền Nam Sapporo, Nhật; làng Otoineppu, Nhật và các nhà sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

PHAN NGUYÊN