Huỳnh Hà - Người săn ảnh phố

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 10/07/2022 08:41

Dân phố Hội bây giờ chẳng ai còn xa lạ gì với dáng người thấp thấp, chắc đậm, cộng thêm cái đầu bạc trắng trước tuổi, nắng cũng như mưa, vác máy la cà quanh phố, hết con đường này lại đến góc phố kia, miệt mài đi săn từng tấm ảnh của tay máy Huỳnh Hà.

Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Hà.
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Hà.

Cơ duyên từ cuộc quay về

Sinh năm 1975 tại Hội An, Huỳnh Hà thuộc thế hệ cầm máy đời thứ 5 của nhiếp ảnh Hội An. Anh bước chân vào làng nhiếp ảnh Hội An như một sự tình cờ đẩy đưa của số phận, rồi trở thành nghiệp dĩ.

Năm 2000, sau thời gian bôn ba kiếm sống tại Sài Gòn, Huỳnh Hà trở về Hội An băn khoăn tìm cách lập nghiệp tại quê nhà. Anh chơi thân với Đặng Kế Cường - em ruột của nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông. Lúc đó, Đặng Kế Đông làm chủ một hiệu ảnh phục vụ nhu cầu của người dân tại địa phương, thường giao cửa hiệu cho Đặng Kế Cường chăm sóc.

Hàng ngày đến chơi với bạn, Huỳnh Hà mê nghề tự lúc nào không rõ. Anh cũng nhận ra rằng nhiếp ảnh là nghề giúp anh kiếm sống một cách tự do, ít bị ràng buộc hợp với tính cách của mình, nên xin theo Đặng Kế Đông để phụ việc và học nghề.

Dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình của Đặng Kế Đông, dần dà cả anh và Đặng Kế Cường nắm bắt được những kỹ thuật căn bản về nhiếp ảnh dịch vụ, tạo nền tảng căn bản cho nhiếp ảnh nghệ thuật về sau này.

Huỳnh Hà tâm sự: “Thời đó, nhiếp ảnh còn chụp bằng phim nhựa. Mà phim thì mắc kinh khủng so với thu nhập bình thường, đâu dễ có tiền mua. Mọi người phải chắt chiu đến từng lá phim, chứ đâu có dám bấm ào ào như máy ảnh số bây giờ. Thường thì sau khi đi chụp dịch vụ, may ra còn lại vài lá phim chưa chụp hết, tôi tranh thủ vác máy đi chụp phong cảnh để rút kinh nghiệm, dần dần nâng cao tay nghề.

Đến cái thời công nghệ phát triển, nghệ sĩ các nơi chụp bằng máy ảnh số, dùng photoshop can thiệp để nâng chất lượng của ảnh nghệ thuật, thì tại Hội An mình chưa biết chi trơn.

Nhiều anh chị trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hội An cuối tuần phải chạy ra Đà Nẵng học sử dụng photoshop để chỉnh sửa ảnh, chủ yếu là sửa ảnh chân dung cho khách hàng, tốn kém lắm. Riêng tôi, vì không đủ khả năng theo học nên phải tự học từ internet và nhờ các anh chị đi học về hướng dẫn thêm.

Dần dà rồi cũng xử lý được vài tác phẩm, tất nhiên là không thể bằng được với các nghệ sĩ ở thành phố lớn. Họ có điều kiện hơn nên trước đây tác phẩm của họ trông vẫn đẹp hơn của anh em Hội An. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, máy móc, công nghệ chỉ là phương tiện, quan trọng nhất là tư duy, kỹ năng và cảm xúc cá nhân của từng tay máy.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đời trước như Nguyễn An Ninh, Huỳnh Sỏ, Trương Trừng, Hứa Văn Bân… chỉ có mỗi một cái máy chụp ảnh đen trắng, không có công nghệ sửa ảnh mà tác phẩm của họ vẫn có giá trị xuyên thời gian đấy thôi”.

Bởi yêu phố mà thành nghệ sĩ

Theo Huỳnh Hà, ngoài những kỹ năng nhiếp ảnh được học và tôi luyện, còn nhờ anh được sinh ra tại Hội An, nơi đây có những dãy phố cổ mang vẻ đẹp liêu trai bất tận, không thể nào khai thác hết được. Đây cũng là lợi thế có thể giúp anh và các đồng nghiệp như các nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông, Dương Phú Tâm, Đặng Kế Cường… gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá từ các cuộc thi ảnh trong nước và nước ngoài.

Tác phẩm “Cái nhìn” của Huỳnh Hà.
Tác phẩm “Cái nhìn” của Huỳnh Hà.

Riêng với Huỳnh Hà, ngoài những giải thưởng nhiếp ảnh chuyên đề, anh cũng gặt hái được những giải thưởng như Huy chương Vàng triển lãm nhiếp ảnh khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên 2006.

Đây là tác phẩm anh sử dụng công nghệ photoshop can thiệp vào ảnh, nó cũng là tác phẩm có sử dụng công nghệ đạt giải lần đầu tiên của nhiếp ảnh Hội An. Giải thưởng này cũng khiến Huỳnh Hà tự tin và có động lực đi sâu hơn vào con đường sáng tác ảnh nghệ thuật.

Anh tiếp tục gặt hái được Huy chương Bạc IFS tại triển lãm nhiếp ảnh được tổ chức tại Pháp - 2009. Và gần đây nhất chiếc Huy chương Vàng danh giá của hạng mục ảnh “Chân dung” tại cuộc thi ảnh quốc tế VN-2021 tại Hà Nội, đã được trao cho nhiếp ảnh gia Huỳnh Hà với tác phẩm “Cái nhìn”.

Về mặt nghệ thuật, hạng mục ảnh “Chân dung” là khó nhằn nhất tại các kỳ thi ảnh nghệ thuật, trước đây hiếm có những tác giả trong nước đoạt huy chương vàng. Chiếc huy chương vàng lần này xem như một sự ghi nhận xứng đáng cho một quá trình miệt mài tác nghiệp và sáng tác ảnh nghệ thuật của Huỳnh Hà. Một điều đáng được ghi nhận khác là các tác phẩm đoạt giải của anh đều là những tấm ảnh chụp về thiên nhiên, con người và phong cảnh Hội An.

Huỳnh Hà cho biết thêm, để có được tác phẩm “Cái nhìn” là do trước đây anh và các đồng nghiệp thường hay nhờ đôi vợ chồng già sống tại làng rau Trà Quế làm mẫu ảnh. Trong một lần ra chụp ảnh, tình cờ anh gặp được ông Lê Văn Sẻ là con của cặp vợ chồng này. Ngay lúc đó anh đã bắt đầu lên ý tưởng chụp ảnh chân dung về ông.

Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản, bởi ông Lê Văn Sẻ rất rụt rè và khó tính nên khó có thể thuyết phục ông cho phép chụp ảnh chân dung. Phải mất rất nhiều thời gian ra vào tiếp xúc, trò chuyện để làm thân Huỳnh Hà mới tiếp cận được ông Lê Văn Sẻ. Phần đông, những người ít được chụp ảnh thường hay bị đơ trước ống kính, nên khi ra ảnh trông rất vô hồn.

Để có được tấm ảnh chân dung của Lê Văn Sẻ, anh buộc phải dùng những kinh nghiệm và kỹ thuật cá nhân để thực hiện một tấm chân dung mà anh gọi là “ngó phải có hồn”, rồi sau đó dùng kỹ thuật photoshop dựng hậu cảnh và chỉnh sửa màu phù hợp để tạo nên câu chuyện trong tác phẩm. Quả thật, để có một tấm ảnh nghệ thuật thực chất là cả quá trình kiên trì làm việc. Tất nhiên, không hề đơn giản và không thể thiếu tư duy sáng tác nghệ thuật.

Gìn giữ cho mai sau

Nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Quảng Nam chia sẻ: “Gọi tôi là thầy của Huỳnh Hà thì cũng hơi quá. Thực ra, Hà chơi với Cường em của tôi rồi đam mê theo nghề luôn.

Phố Hội qua góc máy Huỳnh Hà.
Phố Hội qua góc máy Huỳnh Hà.

Tôi như một người anh đi trước, chỉ hướng dẫn nghề nghiệp và hỗ trợ cho mấy em theo khả năng và theo cái kiểu truyền nghề của ông bà mình ngày trước. Huỳnh Hà rất nhẫn nại, kiên trì và chịu khó học hỏi để nâng cao tay nghề.

Tính tình Hà rụt rè, tuy có nhiều thành tích trong nghề nghiệp nhưng rất khiêm tốn và không mắc bệnh ngôi sao. Đây là một trong những tố chất cần thiết để người nghệ sĩ có thể thành công trên con đường chông gai của nghệ thuật”.

Thực vậy, sau những cảm xúc hân hoan gặt hái được quả ngọt mà anh cho là có phần may mắn, nhiếp ảnh gia Huỳnh Hà vẫn cứ ngại ngùng khi được hỏi về thành tích đạt được.

Đến nay, bộ sưu tập ảnh phố của Huỳnh Hà đã lên đến hàng vạn tấm ảnh số, được lưu giữ cẩn thận trong nhiều ổ cứng. Nhưng hàng ngày, ngoài những thời gian đi làm dịch vụ, Huỳnh Hà vẫn miệt mài vác máy săn tìm vẻ đẹp bất chợt ẩn hiện đâu đó quanh phố. Bởi theo anh, Hội An vẫn luôn tiềm ẩn vẻ đẹp huyền ảo trong từng khoảnh khắc, không chịu khó săn tìm thì khó nắm bắt hết được.

Mặt khác, qua biến thiên của không­ gian, thời gian, những vẻ đẹp cũ sẽ dần mất đi hoặc bị thay thế bởi giá trị mới, trôi theo sự phát triển của nhu cầu sống trong xã hội hiện đại. Và ước muốn của anh chỉ đơn giản là bằng mọi cách ghi giữ lại cho tương lai hình ảnh tươi đẹp một thời của vùng đất này.

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ