Hoàng Thụy Anh và sự nghiêm cẩn trong phê bình

TỐNG PHƯỚC BẢO 12/06/2022 05:24

Tập tiểu luận và phê bình “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy” của nhà thơ - nhà phê bình Hoàng Thụy Anh là tập sách thứ 8 của chị, được phát hành vào đầu tháng 5.2022. Vẫn là một Hoàng Thụy Anh rút hết lòng mình cho văn chương.

Chân dung Hoàng Thụy Anh.
Chân dung Hoàng Thụy Anh.

Một "bạn đọc đặc biệt"

Lần giở từng trang sách trong tập tiểu luận và phê bình “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy” (NXB Hội nhà văn), độc giả sẽ cảm nhận một Hoàng Thụy Anh rất nghiêm cẩn với câu chữ.

Ở mỗi bài viết về một tác giả hay tác phẩm nào đó, Hoàng Thụy Anh luôn đem đến cái nhìn chân thật nhất, luôn thể hiện sự tìm tòi và chắt lọc tinh tường để ngỏ hầu bạn đọc sẽ được thưởng thức bài viết của chị một cách hứng thú.

Tiểu luận và phê bình của Hoàng Thụy Anh không khô khan, hay trưng trổ tính hàn lâm, hoặc sính dùng ngôn ngữ học thuật, ngược lại rất dễ dàng tiếp nhận, thấu cảm và thích thú.

Có được điều này, có lẽ ở chính việc sử dụng ngôn ngữ gần gũi, chân phương nhất, cùng với sự dẫn chứng rất thuyết phục bằng chính tác phẩm của tác giả mà chị viết, hoặc những câu chuyện đời thường của tác giả đó. Tất cả đem đến cho tập tiểu luận và phê bình sự mượt mà, sâu sắc nhưng vẫn đủ “lộng lẫy” để níu bạn đọc lật đến trang cuối cùng.

Hay như bài viết “Ván cờ lảo đảo giữa nhân gian”, Hoàng Thụy Anh viết về tập “Lảo đảo nhân gian” của tiến sĩ ngôn ngữ - nhà phê bình Đỗ Anh Vũ một cách sắc nét. Đọc bài viết ấy mới thấy sự dụng công tìm tòi cũng như soi chiếu từ tập “Vẻ đẹp của yêu tinh” đến “Lảo đảo giữa nhân gian” mới đúc kết được bài viết hay đến thế.

Ở Hoàng Thụy Anh là một cái nhìn liên kết, đa chiều, và sâu thẳm vấn đề rồi mới trải ra trang viết. Tựa hồ chị đã nghiền ngẫm đến thuộc lòng từng câu chữ, hiểu từng phương pháp phê bình của Đỗ Anh Vũ, cảm được từng tập sách của anh. Đây có thể nói là một trong những bài viết “đinh” của tập tiểu luận và phê bình “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy”.

Bằng sự thấu hiểu và chắt lọc những tinh túy nhất của tác giả và tác phẩm, mỗi bài viết của Hoàng Thụy Anh cuốn hút độc giả không phải chỉ bởi sự chuẩn chỉnh của kiến văn sâu rộng, lời “bình” chuyên nghiệp, sự “phê” khẳng khái mà còn thấy đâu đó cái tình của chị đặt vào bài viết.

“Khoái cảm và sự cô độc” viết về nhà văn Uông Triều với tiểu thuyết “Cô độc” nhưng có sự liên đới các tiểu thuyết khác như “Tưởng tượng và dấu vết”, “Sương mù tháng Giêng”, “Người mê”, cho thấy một nhà phê bình dụng tâm sức cho bài viết ở mức độ cao nhất.

Thể như một người bạn tri kỷ bóc tách từng lớp vỏ xù xì, ẩn ức và khuất giấu của người bạn văn mình. Qua “Đa thanh cái tôi bản thể” và “Những dạng thức quán chiếu chấn thương tình dục”, Hoàng Thụy Anh đã khiến độc giả thêm hiểu một Uông Triều bề ngoài thâm trầm, kín kẽ, độc bước, nhưng với văn chương lại là một con người giàu năng lượng tích cực, dám khai phá cái mới, sẵn sàng đi vào những điều gai góc, trưng ra những hỉ nộ ái ố nhục dục một cách khoáng đạt nhất...

Những ngân rung của cảm xúc

Có cảm giác Hoàng Thụy Anh viết phê bình bằng trái tim của một người đàn bà tỉ mỉ, rung cảm và khoáng đạt. Tự khắc những điều viết ra từ trái tim, có sự lay động vào người đọc, chạm đến trái tim độc giả.

Bìa tập sách “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy”.
Bìa tập sách “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy”.

Từ đó, độc giả hạnh ngộ được mối lương duyên thảo thơm của nhà phê bình và người sáng tác. Giản đơn của văn chương chính là cảm xúc. Thứ cảm xúc được ủ và chưng cất từ việc đọc tác phẩm đủ để làm say bạn đọc.

Nhưng càng nồng nàn và da diết là sự thấu cảm thông qua bài phê bình của nhà phê bình chuyên nghiệp, chính trực và khẳng khái thì men say đó như quấn quít, gieo vào lòng độc giả thứ cảm xúc đồng nhất với tâm hồn họ.

Đôi khi bạn đọc vẫn thường lừng khừng giữa việc chọn lựa một tập truyện, tập thơ với một tập phê bình. Bởi chính ngay từ suy nghĩ của độc giả thường cho rằng phê bình luôn là những tập khó đọc, khô khan và chỉ dành cho những người có chuyên môn.

Thế nhưng với Hoàng Thụy Anh, phê bình luôn là một câu chuyện mà phương cách tiếp cận của chị rất hiện đại, cân nhắc chọn lựa câu chữ, cách viết để gần gũi hơn với công chúng.

Cả tập tiểu luận và phê bình “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy” chứng tỏ Hoàng Thụy Anh luôn hướng đến sự phổ quát trong phê bình. Đưa phê bình gần với công chúng thưởng thức kỳ thực cũng là điều cần thiết để văn chương lan tỏa trên bình diện sâu và rộng trong xã hội.

TỐNG PHƯỚC BẢO