Nhà văn Nguyễn Bảo: "Nơi tôi muốn đến nhất vẫn là Thượng Đức"
Trở lại Quảng Nam cùng đồng đội mới đây, nhà văn Nguyễn Bảo vẫn đằm sâu như những lần đi - về trước đó. Nhưng ký ức luôn trỗi dậy bởi từng câu chuyện kể của những người đồng hành trên chiến khu xưa.
Trong số những nhà văn gắn cuộc đời cầm bút với mảng đề tài chiến tranh cách mạng, hẳn Nguyễn Bảo là tên gọi được nhiều người biết tới. Nhất là với những người dân Quảng Nam - Đà Nẵng, bởi như ông nói, vùng đất và con người Quảng Đà chính là “mạch máu” trong tác phẩm của ông.
* Vừa là người lính, vừa làm báo Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ những năm Khu 5 là chiến trường ác liệt, cùng tiếng bom rơi là khoảnh khắc của đồng đội bạn bè, hồ như tất cả những “chuyển động” này ông đã “ghi chép miệt mài” trên từng tác phẩm của mình?
- Nhà văn Nguyễn Bảo: Là nhà văn mặc áo lính nên việc tôi viết về đề tài chiến tranh, người lính là điều đương nhiên. Tôi phải làm vậy để “trả nợ cuộc sống”, với đồng đội và vì tôi là một trong những người may mắn được làm lính Cụ Hồ, may mắn được những trải nghiệm từ trong chiến tranh. Với chiến tranh, với đời lính, rõ ràng là tôi có nhiều trải nghiệm. Mà với người cầm bút, viết từ những trải nghiệm của chính mình thì bao giờ cũng nhiều thuận lợi hơn…
Nhà văn Trần Thị Thắng cho rằng, Nguyễn Bảo là người có duyên viết về chiến tranh: “Anh lại sống cùng Thượng Đức. Vì thế, tạo được sự nhuần nhuyễn trong truyện, tạo được sự hấp dẫn cho câu chuyện. Tác giả cảm ơn những gì đã diễn ra của trận đánh. Những thực tế sinh động đó góp phần cùng với anh tạo dựng một tiểu thuyết hay, tập trung được nhiều loại nhân vật điển hình của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Thượng Đức cũng cảm ơn tác giả đã dựng lại trận đánh trung thực, đa dạng, hấp dẫn, tạo nên giá trị của tiểu thuyết”. Vì những giá trị đặc biệt, Thượng Đức là tác phẩm văn học được trao giải thưởng danh giá của Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021.
Thực tế cuộc sống là bộn bề, là gian nan khốc liệt, nghề viết cũng là nghề lắm thác nhiều ghềnh. Trừ những người có năng khiếu đặc biệt, nghề văn đòi hỏi sự kiên trì, khổ hạnh. Để không bị đứt gánh giữa đường, tôi tự nhủ, phải luôn bám lấy đời sống.
Đời sống sẽ cho người viết những trang sách chân thực. Để sáng tác ấy là chân thực, người viết ra nó nhất định đã trải qua những trạng huống, những hoàn cảnh, những miền đất được miêu tả trong tác phẩm.
Thời gian đi và sống của tôi nhiều, song cái đọng lại cùng sự thôi thúc mạnh mẽ nhất đó là người lính trong chiến tranh. Bởi, mỗi người lính sống qua một trận đánh giá trị tương đương với sống mười năm trong thời bình và những ngày tháng đó đã phải trả cái giá quá đắt - phải đánh đổi bằng xương, bằng máu...
Đối với chiến tranh, giữa sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào và để có được nền độc lập của dân tộc, biết bao nhiêu người lính phải đổi bằng xương, bằng máu của mình - đó là một sự thật nghiệt ngã... Tuổi trẻ của tôi là ở Khu 5. Từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, tôi chỉ duy viết về người lính. Từ bom đạn ác liệt đến ngày hòa bình, tôi sống với tâm tư của một người lính.
* “Thượng Đức” là tác phẩm ghi dấu rõ nhất tên tuổi Nguyễn Bảo. Với cách kể chuyện chương hồi, ông đã cuốn người đọc vào ngồn ngộn chi tiết, nhân vật... Có thể nói nôm na, ông đã sống 2 lần cùng Thượng Đức, là một lần tham gia trực tiếp chiến dịch đánh Thượng Đức và lần nữa, là lúc ông gói ghém tư liệu để viết nên tiểu thuyết cùng tên?
- Nhà văn Nguyễn Bảo: Đúng vậy, từng chi tiết trong chiến dịch rúng động năm ấy, tôi đã viết lại bằng ký ức của mình, ký ức của từng người lính sau này tôi tìm gặp lại. Máu xương của nhân dân cùng bao đồng đội tham gia đánh trận Thượng Đức, “đỉnh 1062 chìm trong máu”, “máu nhuộm đỏ sông Vu Gia” tan hòa vào dòng sông và thấm vào lòng đất Quảng.
Thượng Đức là cánh cửa mở cho ta đánh vào Đà Nẵng, đánh thắng Thượng Đức là đánh đúng vào yết hầu của địch. Cả 3 lần tấn công của bộ đội ta tại chiến dịch Thượng Đức, gặp không ít khó khăn. Để tới đích cuối cùng, máu xương còn đổ, khó khăn còn chồng chất nhưng làm sao cuộc chiến ở đây chịu thất bại.
Khi pháo hiệu xanh bung lên báo hiệu quân ta toàn thắng, thì đồn Thượng Đức đã bước sang một trạng thái khác. Bộ đội đã di chuyển ra vòng ngoài đào công sự chuẩn bị đánh địch phản kích.
Phía ấp Hà Tân rộn rạo hơn, tôi lui xuống đó và bắt gặp từng đoàn người mồ hôi nhễ nhại gồng gánh đi sơ tán. Có tiếng máy bay và cả những tiếng léo nhéo trên đó của một thằng tâm lý chiến dụ người dân ra nhanh khỏi khu chiến: “để máy bay và pháo binh Quân lực Việt Nam cộng hòa san bằng Thượng Đức tiêu diệt cộng quân”.
Thi thoảng từ đâu đó một quả ca nông bắn tới, bụi bay mù, khét lẹt. Bộ đội từ công sự nhoai lên, mặt nhăn nhó nói rất gắt. Họ bảo tôi là người ngu ngơ, coi thường cái chết. Tôi cũng cảm thấy mạo hiểm, mong manh, nhưng không biết bám vào ai?
Cái nghề viết đôi khi là vậy. Đã thế cứ đi, cứ nghe ngóng, dòm ngó. Có làm sao thì cũng giống hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống đó thôi! Vả lại, tôi sợ địch sẽ tái chiếm Thượng Đức và không còn dịp chứng kiến những gì đã xảy ra sau trận đánh dữ dội, nhiều tâm trạng, nhiều cảm xúc này.
Tôi tham gia chiến dịch Thượng Đức năm 1974 mà mãi tới gần 40 năm sau, tôi mới bắt tay viết “Thượng Đức”, đủ biết những sự kiện, những con người và sự khốc liệt của các trận đánh ở đây đeo bám tôi biết chừng nào...
Mỗi lần về Quảng Nam, nơi tôi muốn đến nhất vẫn là Thượng Đức. Sư trưởng Sư 304 đã mất. Nhân vật trong Thượng Đức người còn người mất. Và tôi thì vẫn nhớ thương các anh, mỗi ngày khi lật lại từng trang sách này.
* Quảng Đà có thể nói là “mạch máu” của nhà văn chiến trường Nguyễn Bảo?
- Nhà văn Nguyễn Bảo: Tôi tham gia cuộc chiến tranh ở Quảng Đà không dài lắm, nhưng những trận đánh, đồng đội đã hy sinh khiến tôi thấy mình nợ mảnh đất này. Là Nguyễn Hồng - bạn cùng khóa, đồng đội. Anh hy sinh khi trên đường về lại cơ quan sau trận càn địch, mà lũ chúng tôi hẹn nhau ngày đó.
Rồi các trận đánh Thượng Đức, Bình Long, những đồng đội, bạn bè hy sinh. Những kỷ niệm với các anh thành ký ức không bao giờ nguôi. Đó là những điều thôi thúc tôi phải về Quảng Nam nhiều hơn.
Mỗi lần về, lại đi thăm những nơi mình từng tham gia chiến đấu... Tiểu thuyết “Đỉnh máu” tôi viết tiếp sau “Thượng Đức”, như là cách tôi trở về Quảng Nam, với ký ức mình, luôn luôn...
* Xin cảm ơn nhà văn đã dành cho báo Quảng Nam cuộc trò chuyện này!
Nhà văn Nguyễn Bảo tên thật là Nguyễn Ngọc Bảo, sinh ngày 2.4.1950 tại Thanh Hóa. Sau khi học xong Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, ông nhập ngũ, làm phóng viên chiến trường tại mặt trận Trung Trung Bộ.
Sau ngày giải phóng, ông làm việc tại Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu 5, sau đó được điều về làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội và lần lượt được cử làm Trưởng ban văn xuôi, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập tạp chí này. Năm 2010, nhà văn Nguyễn Bảo nghỉ hưu với cấp hàm đại tá.
Đến nay, nhà văn Nguyễn Bảo đã xuất bản hơn 10 đầu sách. Trong đó, đáng chú ý là các tác phẩm: “Biển đêm” (tập truyện ngắn - 1981), “Người ở thượng nguồn” (tiểu thuyết - 1983), “Giám định của đất” (tiểu thuyết - 1989), “Khoảng sáng không mất” (tiểu thuyết - 1992), “Những người sẽ vào thành phố” (tập truyện ngắn - 1996), “Ảo ảnh” (tập truyện ngắn - 2004), “Thượng Đức” (tiểu thuyết - 2005), “Phía sau người lính” (tập truyện ngắn - 2009), “Đỉnh máu” (tiểu thuyết - 2012).
Ngoài các tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội, bằng khen và giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng (1994 - 1999 và 1999 - 2004), nhà văn Nguyễn Bảo cũng đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ nhất cho tiểu thuyết “Thượng Đức”.