Qua miền mây trắng
Nhà thơ Vạn Lộc thong dong tiễn bạn đời qua “Miền mây trắng” theo cách của riêng chị, mà không phải bất cứ ai cũng chạm đến chữ “ngộ” tưởng nhẹ bẫng mà mênh mông...
“Miền mây trắng” (NXB Hội nhà văn) là tập thơ Vạn Lộc dành cho bạn đời vừa tung cánh hạc của mình, một cách thanh thoát: “Anh qua mấy sông rồi anh nhỉ/ Vạn đò bến lở mấy dòng trôi.../ Anh là mây hay là chim viễn xứ?/ Là gió bay đi bốn hướng trời?”.
Những được - mất, có - không trong cõi đời qua cách nhìn của Vạn Lộc cứ tự nhiên như nhiên: “Tàn đêm ngồi ngắm bình minh/ Nghe hư vô hát thấy mình hư vô...”. Thế nên, với người ở lại, còn sống ở cõi đời này vẫn ấm áp, nồng hậu với đời: “Ngày ta còn với Ta Bà/ Dẫu tim thoi thóp vẫn là trăm năm/ Vẫn yêu thương ánh trăng rằm/ Nghe bâng quơ những xa xăm vui buồn!”.
Với tuổi đủ trải nghiệm cuộc đời, Vạn Lộc nhẹ nhõm coi “cõi tạm” này chẳng qua cũng chỉ chóng vánh như một ván cờ. Thế nhưng, dù tĩnh tâm chấp nhận quy luật nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng trong sâu thẳm, không giấu được tiếng thở dài: “Trái tim đau phía chiều tà/ Mình em ngồi với bao la một mình!”.
Đọc “Miền mây trắng”, dễ nhận ra tâm thế an nhiên của Vạn Lộc trước quy luật của tạo hóa. Trong các bài thơ khóc chồng của Vạn Lộc đều có ý tiềm ẩn một chữ “ngộ”, nên ngay cả khi đi tới tâm trạng bi thương và đau buồn nhất, chị vẫn giữ được cốt cách ấm áp, bình tĩnh trong cách thể hiện cân bằng và hài hòa giữa cảm xúc bi quan và lạc quan, biết phân định liều lượng cần và đủ giữa các hiện tượng ngẫu nhiên và tất nhiên, tạm bợ và vĩnh cửu.
“Ngộ” ra những gì có thể có ở tận “Miền mây trắng” kia rồi, Vạn Lộc trở lại “ngộ” với mặt cỏ yên bình, ngọn cỏ gần gũi, vừa là hiện thực lại vừa là biểu tượng muôn đời cho sự nằm xuống thanh tĩnh của mọi đời người, như những câu thơ của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, mà ai cũng thuộc đã gần ba trăm năm nay: “Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy/ Kiếp phù sinh trông thấy mà đau/ Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”.
Vạn Lộc gọi những áng cỏ vĩnh cửu gắn với một đời người này là “niềm cỏ”: “Anh giờ là niềm cỏ/ Rưng rưng trên đồi xa/ ... Em lắng nghe niềm cỏ/ Xôn xao cõi sương mù” hay như “Anh đã cỏ. Mai rồi em cũng cỏ/ Sẽ lại bên nhau, xanh mộng trùng phùng!”. Những chuyển ý, luân hồi trong thơ Vạn Lộc mở ra sự hồi sinh, hạnh ngộ. Càng có tuổi, Vạn Lộc càng gắn với Phật pháp. Có lẽ vì ở đấy, chị tìm thấy bình yên thực sự trong tâm hồn.
Và trong tập “Miền mây trắng” cũng vậy, sau những sẻ chia, cầu nguyện điều tốt đẹp nhất cho người đã khuất, thì cuối cùng, Vạn Lộc lại mời bạn đời trở về mái nhà xưa, theo cách thật đặc biệt: “Mình làm giọt sương trên hoa ưu đàm anh nhé/ Miền an lạc tất thảy đều thanh nhẹ/ Đều thanh cao quyện ngát hương rằm!”.
Biết đưa nỗi đau từ mọi “miền nhớ, miền thương” trở về với “cõi thanh cao”, biết đưa tâm hồn người thân đã khuất từ mọi “miền mây, miền cỏ” xa xôi quay trở về “cõi Phật”, Vạn Lộc đã khép lại tập thơ với ý thức hoàn tất một chu trình nhân văn cao đẹp, khi chị đã kết hợp được hài hòa cảm xúc trực giác trong thơ với nhận thức của mình về khái niệm sắc - không.
Vì thế, tuy tập thơ là cảm xúc và ý nghĩ tưởng chừng rất riêng tư, nhưng lại vẫn vươn tới cái chung, trong tâm trạng bao quát của nghĩa tình nhân thế và số phận của con người.