Hơn cả một câu chuyện tình
Lâu lắm mới gặp một cuốn sách thú vị. Thú vị ở đề tài miền núi lạ lẫm cuốn hút, thú vị ở lối viết nhẹ nhàng kiệm chữ đến mức tối giản nhưng đầy triết lý.Sau bao năm viết về Hà Nội, lần này nhà văn Đỗ Bích Thúy trở về miền núi quen thuộc của chị với tiểu thuyết “Người yêu ơi”.
Những lát cắt đan xen
Có thể tóm tắt cốt truyện như sau: Cô Hờ xinh đẹp đã làm lễ hỏi với Quả, chưa kịp cưới thì bị nước cuốn mất tích. Say, em gái song sinh với Hờ, đem lòng yêu Quả không thua gì người chị của mình. Thương tiếc Hờ, Quả tựa người mất trí.
Một hôm say rượu, Quả làm “chuyện ấy” cùng Say trong vô thức vào một chiều mưa gió bịt bùng ở lều canh ngô. Giữa lúc làm tình, Say thấy bóng (hoặc là ảo ảnh) của chị gái bên cửa nhìn mình, Say hoảng loạn bỏ chạy theo bóng Hờ giữa màn mưa, tụt mất cả giày chẳng hay.
Say lấy chồng là Sò. Giữ gìn hạnh phúc cho Say, Quả bỏ làng ra đi. Quả có vợ cũng rất tình cờ, khi vợ có bầu mới dắt nhau về nhà. Vợ Quả xấu, dở hơi và hay ghen càng làm Quả không thể quên hình bóng Say.
Quả gặp Say, tình xưa trỗi dậy, họ hẹn nhau đi chợ tình Khau Vai. Mẹ ruột Say ngăn cản còn mẹ chồng thì khuyến khích con dâu đi chợ tình. Sò lấn bấn, sợ mất Say nhưng luôn tôn trọng để vợ làm những gì cô thích.
Thật oái oăm, đúng cái ngày hai người dậy từ khuya để đi chợ tình thì vợ Quả trở dạ, Say phải đến đỡ đẻ cho vợ Quả. Hò hẹn lỡ, tan vỡ một cuộc tình.
Với cái móc là ngày hẹn đi Khau Vai, phiên chợ cho những đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã treo lên một câu chuyện tình yêu thật buồn.
Chuyện tình tay ba Quả - Say - Sò đầy trắc trở, như búi tơ càng gỡ càng rối, nhiều lúc tưởng chừng đi vào bế tắc. Ấy là bởi người con gái Mông khao khát tình yêu, không cam chịu số phận mà vượt lên được sống được yêu được là chính mình để không phải hối tiếc.
Câu chuyện tình buồn như thước phim quay chậm, ta tưởng như nghe được tiếng thở dài của từng nhân vật. Ông trời như thử thách trêu ngươi Say. Say đã lấy được chồng tốt, nhưng không sao quên được hình bóng người cũ, vốn là anh rể hụt mà cô đã nếm mùi tình yêu đầu đời.
Người trong mộng của Say nào có gì đặc biệt: bỏ học khi hết cấp hai, lười, không nghề ngỗng, chỉ thích ở nhà. Nếu Say không lấy chồng, Quả không bỏ làng đi chẳng biết anh ta sẽ làm được nghề gì nữa.
Quả thua xa chồng của Say về mọi mặt nhưng Say cứ yêu mù quáng. Chuyện tréo ngoe là ở chỗ đó. Ta vừa thương vừa giận, tò mò dõi theo từng con chữ. Rồi ta cảm thông cho Say, bởi chị em song sinh cùng khúc ruột của nhau sẽ chung sở thích, chị yêu ai em cũng dễ yêu cùng. Có lần Say quàng khăn của chị giả làm chị gái gặp Quả là vậy.
Phận đời buồn như núi
Tác giả đặt tên nhân vật đầy chủ ý. Hờ là cái cớ cái bóng, chỉ hờ thôi. Hờ như một nhân vật giả định để Quả, Say, Sò sống, yêu làm nên tiểu thuyết. Say như say nắng say tình. Say biết đúng biết sai, điều nên và không nên đó nhưng không làm được; vì tình yêu đầu óc mụ đi, tâm can lúc nào cũng giằng xé giày vò.
Như chiếc đòn gánh, một bên là chồng nhưng không có tình yêu, sống hờ hững với nhau vì nghĩa chứ chẳng có cảm xúc. Sò, thanh niên tốt yêu thương vợ, tháo vát (chỉ mỗi cái nốt ruồi trên chót vai đủ nói lên điều đó) nặng gánh gia đình (với mẹ, với em gái) như con sò mang cả chiếc vỏ không hề dễ dàng chút nào.
Còn Quả, kết quả của người bắt cá hai tay, cảm xúc át lý trí. Anh ta trốn vợ sắp tới ngày sinh nở đi chợ tình từ lúc nửa đêm. Bị leo cây ở chợ tình, anh có ngộ được gì chăng?
Chừng hai trăm trang sách không nhiều nhân vật, ngoài câu chuyện tình ngang trái, tác giả còn vẽ lên bức tranh sinh động về cuộc sống của người miền cao với những buồn vui, lo toan thường nhật; từ các nghề truyền thống thợ bạc, rèn dao đến những phong tục tập quán ma chay cưới xin sinh con đẻ cái…
Tục quấn người chết bằng vải lanh trắng để người chết về với ông bà tổ tiên, làm ma khô cho tội lỗi của người đã gây ra trong suốt cuộc đời được gỡ bỏ. Nhiều lúc nhân vật chỉ được nhắc đến một hai lần, chưa kịp có tên (cuối cùng cũng không có tên) và thân phận nhưng ám ảnh người đọc.
Nếu không có hình ảnh chiếc xe máy và điện thoại, ta sẽ nghĩ tác giả viết về một thời xa lắm ở một nơi xa lắm. Người vùng cao nhưng lời nói bóng bẩy dí dỏm: “Khóc thì đỡ thèm (sữa) à”; “mồm đi vắng à”; “Ghen với người chết hóa ra mình chẳng hơn gì ma à”. “Không uống thuốc… chỉ hai ba ngày nữa là thầy kèn đến cửa”. “Ôi cái con gà mái, đẻ một quả trứng mà làm như đẻ ra được một con bò”. Mẹ Say thấy Quả yêu cả hai chị em bèn trách: “anh ăn ngô lại muốn ăn cả bí”…
Các nhân vật trong “Người yêu ơi” (NXB Văn học) đều hồn hậu đáng thương, mỗi người một vẻ. Tác giả khéo miêu tả và phát triển tâm lý nhân vật và tạo ra bất ngờ. Có cảm giác rằng, tác giả không cần hư cấu bởi các nhân vật cứ tự nhiên đan thành câu chuyện. Đó là cái tài của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ngòi bút của Đỗ Bích Thúy càng sâu sắc hơn khi trở về với miền núi vốn là sở trường của chị.
“Người yêu ơi” có kết mở để khoảng lặng mênh mông cho bạn đọc suy tưởng. Gấp trang sách cuối cùng, bồi hồi như vừa gặp được một người bạn, cũng bần thần như vừa mất đi một thứ gì đó quý giá không gọi được tên.