Bản hòa âm về vùng quê xứ Quảng

LÊ THỊ HỒNG NHUNG 24/04/2022 06:34

Trong lịch sử văn học, đã có những nhà thơ được trìu mến gọi là “người viết sử bằng thơ”. Cũng có thể gọi như thế về nhà thơ Mỹ An khi viết về xứ Tiên với trường ca “Người của đất”.

Bìa tập thơ “Người của Đất”.
Bìa tập thơ “Người của Đất”.

Ngược thời gian, tác giả đưa người đọc trở về thuở lập làng, khai khẩn. Giữa thăm thẳm thung sâu, giữa trập trùng đồi núi, người nối người lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ, đất trời: “ăn mớ rau rừng, uống nước trên sông” mà “tiếng hò khoan vang vọng”; không có đường, người ta đi mãi thành đường… để rồi sừng sững, uy nghi: “Dáng người đứng cuối sông cao như sườn núi”...

Nhà thơ Mỹ An tên thật Nguyễn Khánh, hội viên Hội VHNT Quảng Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: “Thị trấn ven sông” - tự truyện, NXB Văn học; “Chiều nghiêng” - thơ, NXB Văn học; “Khúc ru về phía mặt trời” - thơ, NXB Văn học; “Trăng của rạ rơm” - thơ, NXB Hội nhà văn.

Người và đất xứ Tiên cũng nếm trải bao đắng cay khi đất quê rơi vào buổi sương mù: những cuộc thảm sát Cây Cốc, Gò Vàng, Tiên Sơn, Tiên Cẩm mà những câu trường ca không khỏi khiến người đọc buốt nhói: “Đất và Người rên xiết những chiều quê/ Máu của cha anh trộn hòa thắm đẫm”…

Trải bao dông tố, đất ngấn lệ oan hồn, người thấm đẫm nỗi đau. Để rồi vùng đất ấy đã sản sinh ra những bậc đại khoa, những chí sĩ yêu nước mà tên tuổi ngàn năm bất tử như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Lê Vĩnh Khanh, Trần Huỳnh… Đau thương mất mát nhưng đau thương nuôi chí căm hờn, làm “ngời lên nét mặt quê hương”.

Tấm gương anh hùng hơn mọi lời ca của những người mẹ, người con bám đất giữ làng rồi mãi mãi nằm lại đâu đó bên bờ sông sườn núi, từng đoàn quân nối dài ra trận, những nẻo đường dồn dập bước chân để làm nên những chiến thắng lẫy lừng.

Những ngày tháng đầu hòa bình còn khó khổ quá thôi: “lau lách ruộng đồng hoang hóa/ nhà lá vẹo xiêu/ hố bom hằn sâu bờ ngõ/ bom mìn sót lại trên những ngọn đồi/ những nồi cơm khoai sắn chưa đầy…”. Người lại bước vào cuộc chiến mới, cũng đầy cam go không kém cuộc chiến sống còn đã qua nhưng với lòng quyết tâm, ý chí vững bền, hứa hẹn những mùa vàng trĩu trịt.

Thanh bình xứ Tiên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thanh bình xứ Tiên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhà thơ Mỹ An đã viết tất cả những điều đó về xứ Tiên trong một trường ca dài hơn 400 câu với 11 phần. Tôi nghĩ, viết trường ca không dễ, mà trường ca về một vùng đất lại càng khó bởi dung lượng thông tin, tri thức ngồn ngộn chứa đựng trong đó.

Nếu quá chú trọng vào sự kiện, sẽ dễ sa vào kể lể; nếu chú trọng vào cảm xúc, sẽ mờ đi cái mạch truyện, thiếu đi cái chất chính luận cần có của một bản trường ca. “Người của đất” đã dung hòa được hai địa hạt ấy. Tập trường ca gần như biểu đạt trọn vẹn quá trình khai khẩn lập làng, bảo vệ, phát triển của quê hương Tiên Phước hàng trăm năm.

Đất xứ Tiên hiền hòa, thơ mộng. Người xứ Tiên chất phác, cần cù. Mỹ An đã thể hiện rõ đặc tính xứ Tiên qua ngôn ngữ dung dị, mộc mạc. Người đọc bị cuốn vào nó bởi sự linh hoạt của giọng điệu. Là có giọng tâm tình tha thiết: “Ơi những con người sống giữa làng quê/ Xứ sở này thương tích quá em ơi”, có giọng triết lý sâu sắc: “Quê hương là cội nguồn, là bờ cõi linh thiêng/ Là nơi ông bà mẹ cha ta sinh sống/ Nơi có cánh cò tuổi thơ ta bay bổng/ Khi đi xa ai cũng nhớ về”.

Và có khi trĩu nặng suy tư: “Ta đã đi qua những tháng năm dài/ Mà chưa hiểu hết về quê hương thăng trầm trong từng thớ đất/ Nơi có mẹ cha ta nằm gai nếm mật/ Có bước chân trần đất nước chưa yên”. Đặc biệt, càng đọc, càng thấm giọng ngân của ca dao xứ Quảng phảng phất: “Dẫu đi cuối đất cùng miền/ Nhớ người cốt cách xứ Tiên thì về”...

Đọc trường ca “Người của đất” (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Mỹ An, tôi thấy hiển hiện một Tiên Phước trọn vẹn, rất riêng, không thể hòa lẫn. Cái khí chất riêng đó, nhà thơ trân trọng mà gọi “miền văn hóa sông Tiên”.

Tình cờ, tôi đọc “Người của đất” nhân kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam. Và quả thực, đã lâu lắm mới có một trường ca viết về quê hương cuốn hút tôi từ trang đầu đến trang cuối: “Người của đất” đẹp như miền cổ tích/ Sức mạnh nào nâng nổi bước ta đi/... Ta gọi đó là miền văn hóa sông Tiên”.

LÊ THỊ HỒNG NHUNG