Lãng du cùng thơ văn xứ Quảng
(QNO) - Tôi may mắn được đọc những áng văn thơ hay về mảnh đất “chưa mưa đà thấm” từ những người con xứ Quảng và như được thả hồn mình theo câu thơ, trang văn, phiêu bạt qua những “núi đồi sông suối văn chương” đượm nồng nghĩa tình đất Quảng.
Tôi yêu xứ Quảng quê mình từ những điều chân phương, dung dị nhất, kiểu như “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Giang Nam). Và tôi lãng du cùng văn chương, “đắm mình” trong văn chương màu mỡ của xứ sở để thấy yêu hơn quê mình.
Tôi may mắn được đọc những áng văn thơ hay về mảnh đất “chưa mưa đà thấm” từ những người con xứ Quảng qua tập sách “Quảng Nam - 15 năm - một vùng văn học” (NXB Hội Nhà văn 2012). Dù sách được xuất bản khá lâu nhưng giờ đây đọc lại, tôi như được thả hồn theo câu thơ, trang văn, phiêu bạt qua những “núi đồi sông suối văn chương” đượm nồng nghĩa tình Quảng Nam.
Những nhà văn, nhà thơ xứ Quảng đã dệt nên những sợi tơ ký ức về những vùng đất mà họ từng đi qua, về những “nơi từng sống và yêu”. Là Đèo Le hùng vĩ, hoang sơ: “Qua đi tìm một mùa sương rơi/ hốt lại một mùa sim chưa kịp tím/ tìm trong đá âm u những dấu chân bịn rịn/ tìm một chân đèo, tìm một chân chim” (Bậu có về Đèo Le - Trương Vũ Thiên An).
Hay về với Hội An “rạo rực nắng đầy/ Hội An như một mưa cây đầu mùa/ Trắng trời áo trắng thu đưa/ Em chưa tan học ta chưa chịu về" (Hội An và em - Thảo Nguyên).
Tình yêu quê xứ còn ăm ắp qua những truyện ngắn như Vườn khách, Kỳ nhân của làng, Hậu duệ xóm chồi,…của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ. Đó là những áng văn được khơi nguồn từ những câu chuyện kể của mẹ, từ tháng năm gắn bó nơi chiến trường K. gian lao, từ chính những hồi ức khó phai về cái đất Quảng “máu mủ ruột thịt” này. Và như thế, nhà văn đã thổi vào trang văn tình Quảng, tình đời và đầy ắp tính nhân văn!
Cứ như là gió miên man, mang tình quê hương đi muôn nơi, tôi thả hồn mình theo cơn gió ấy, tìm về quê xưa, chốn cũ; để rồi nhận ra rằng, tình người xứ Quảng vẫn luôn dang rộng vòng tay ấm áp, chan chứa yêu thương mà câu chuyện mở lòng đón những đứa con phương xa trở về trong đợt dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ!
Nhưng ấn tượng trong tôi hơn cả là tình cảm gia đình thiêng liêng mà các tác giả xứ Quảng gửi gắm. Là vùng ký ức, là nỗi nhớ về người mẹ suốt đời tần tảo vì con: “Bàn chân tróc vẩy trầy vi/ Thương con lặn lội, xuân thì héo non/ Người ta đổ cực lên non/ Mẹ tôi gánh cực nuôi con từng ngày” (Mẹ tôi - Nguyễn Ngọc Chương).
Đó còn là bóng mẹ mãi chờ những đứa con xa chưa biết ngày trở về: “Đã lâu rồi nhà chỉ mở cửa hông/ Vì có ai đâu mà vào ra cửa chính/ Một mình mẹ âm thầm một bóng/ lặng lẽ vào ra…/ đóng - mở đời mình” (Ngôi nhà chỉ mở cửa hông - Hà Văn Đa).
Tôi tự hỏi, phải chăng đó cũng chính là hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ngóng trông những đứa con nơi trận mạc ác liệt trở về đoàn tụ? Nhưng rồi thì: “Rồi một ngày cửa chính mở toang/ đưa mẹ về nơi không cần đóng cửa/ Chỉ lần ấy thôi/ ngôi nhà chìm trong lặng lẽ/ Ngôi nhà bây giờ khép cả cửa hông!”.
Qua lăng kính văn chương, có thể thấy, những phận người chịu khó, chịu thương đã tạc nên dáng hình quê hương và những anh hùng cùng những mất mát, đau thương đã làm tên một Quảng Nam kiên cường, “gánh hai đầu Tổ Quốc”!
Như con sông Thu Bồn chảy trong lòng xứ Quảng, những nhà văn, nhà thơ “xứ rượu hồng đào” gửi tâm hồn và tình cảm mình qua từng con chữ trên dòng - sông - nghệ - thuật, gợn lên những ngọn sóng văn chương dạt dào, để rồi bồi tụ nên bờ “văn hóa Quảng”. Trong đó, Quảng Nam - “Quê hương xứ rượu Hồng Đào” (Lê Trâm) cũng là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tôi.
Tình yêu lứa đôi cũng là đề tài được các “ngòi bút Quảng” hướng đến. Nhưng có lẽ, tình yêu trong trắng, trinh nguyên ấy cũng chớm nở, khơi nguồn từ chính tình quê hương, kiểu như “Yêu quê hương vì nơi đó có bóng hình ta thương: Quê mẹ Hội An - tình biển em ơi!/ Tâm hồn anh trong sáng lượn ra khơi/ Thầm yêu em - thuyền xưa không bến đỗ/ Anh chợt nhớ đêm trăng thơ Hoài phố/ Trông chừng em người đẹp vẫn xa xôi" (Yêu thầm - Vũ Minh).
Và tôi đoan rằng, những tuổi hoa mộng sẽ dễ dàng rung động với sự lãng mạn trong “Nhật ký cho đỉnh bình yên” (Huỳnh Thị Thu Hậu): “Anh là chú ngựa dũng mãnh. Em là cánh đồng cỏ mềm mại nằm dưới vó ngựa kiểu hùng kia. Nóng nàn là em. Đắm say cũng là em. Dịu dàng là em. Mãnh liệt cũng là em. Hãy cùng em thăng hoa với bất tận cao xanh, trong sự hòa hợp của tâm hồn. Bây giờ. Và mãi mãi”.
Một người trẻ như tôi khó có thể tiếp cận đầy đủ sáng tác của những người cầm bút đất Quảng. Nhưng những gì tôi đọc được, có thể xác tín là sáng tác của người Quảng ấp ủ khát vọng phát triển của một Quảng Nam nghĩa nặng tình sâu qua những trang viết về quê hương, xứ sở, con người…