Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Thời gian qua đi, cơn gió tình yêu của Lưu Quang Vũ vẫn mãi xạc xào trên bao vần thơ, bắt rễ bền sâu vào cuộc sống. Để hôm nay, đọc lại “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, độc giả vẫn được ru hồn cùng “Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu”.
Nhiều người nhớ đến Lưu Quang Vũ với tư cách một tác giả gây chấn động trên sân khấu kịch Việt Nam những năm tám mươi của thế kỷ trước với những vở: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Bệnh sĩ”, “Tôi và chúng ta”, “Tin ở hoa hồng”… Nhưng thơ mới là niềm đam mê, là lẽ sống của Lưu Quang Vũ: “Anh viết thâu đêm, đánh vật với từng trang/ Rồi thao thức không sao ngủ được”.
Đời thơ Lưu Quang Vũ, bạn đọc có thể cảm nhận được qua tuyển tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, Nhà xuất bản Hội nhà văn in lần đầu năm 2010 và nhiều lần tái bản. Tập thơ gồm năm phần: Hương cây, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Mắt của trời xanh và Những đám mây ban sớm.
Thiên hướng năng khiếu thơ ca từ nhỏ cùng với ám ảnh về nỗi buồn chiến tranh trong thời gian nhập ngũ đã cộng hưởng thành dòng chảy da diết mà trữ lượng phù sa dồi dào của cảm xúc là tình yêu đất nước. Những vần thơ nồng nàn tình yêu đất yêu quê, yêu đến từng ngọn cỏ hơi mưa, yêu cháy bỏng trong niềm vui, yêu xa xót cả trong nỗi buồn: “Đất nước tôi ơi/ Những dòng sông đã cho tôi gương mặt/ Những
chân trời đã cho tôi tiếng hát/… Những trái tim đập dồn trong lồng ngực/ Là của người - lẽ sống của đời tôi” (Người cùng tôi).Đất nước trong từng nét thơ trên đường hành quân, ngang thôn Chu Hưng, qua sông Thương rồi phố huyện mắt còn in nắng năm cửa ô… Là “Khâm Thiên” với tang thương chiến tranh đau đớn đến rợn người: “Tôi đi như mù lòa/ đỡ em gái đập đầu ngã ngất/ Bà cụ phát điên vật mình ôm mặt/ Người mất tích đang tìm, người chết chẳng kịp chôn...”.
Là gương mặt đất nước đầy xao xuyến trong hương đất hương cỏ cây hoa lá, trong tiếng sênh tiền gõ nhịp, tiếng đàn bầu nức nở; từ những chữ trong mấy đoạn thơ, trong sự diệu kỳ của tiếng Việt. Người thi sĩ chọn đất nước làm lẽ sống cuốn người đọc vào thế giới ngôn từ tài hoa, da diết đến bỏng cháy mà tự nhiên như hơi thở.
Một nguồn cảm hứng khác trong tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” là tình yêu. Thơ viết cho Hiền, cho Quỳnh, cho người đàn bà không tên… đã trở thành quen thuộc trong sổ tay thơ hoặc trí nhớ nhiều người. Lưu Quang Vũ yêu là như chạm đến miền hạnh phúc mênh mông: “Anh hôn lên đôi mắt/ Môi chạm vào bao la, rồi thảng thốt vì tình yêu vốn dĩ rất mong manh/ Em có là mãi mãi để tôi yêu”.
Một cuộc đời đa đoan, một tâm hồn đầy khao khát dâng hiến, yêu hết mình, đã tìm được bến đỗ tình yêu nơi Xuân Quỳnh, để rồi thật thà thú nhận: “Trái tim anh trong ngực em rồi đó/ Hãy giữ gìn cho anh…./ Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh”… Lưu Quang Vũ viết về tình yêu với giọng thơ đắm đuối, ngây ngất, mê say, yêu thương biết mấy cho vừa.
Lưu Quang Vũ tâm sự “làm thơ tưởng chừng như rất dễ”, nhưng thơ ông thật sự không dễ tiếp nhận. Đó là hệ thống thi ảnh đầy siêu thực mà vẫn đậm chất liệu dân gian. Nhiều câu thơ dùng phép so sánh độc đáo kiểu: “Dãy bàng lên búp nhỏ/ Xanh như là thương nhau”, “Lòng anh hồi hộp như con suối/ Thao thức mùa xuân giữa đất trời”, “Tóc em dài như một ngày mỏi mệt”…
Chính vì thế, thơ ông khơi gợi miền liên tưởng phong phú, thôi thúc đối thoại, phản biện để mở rộng biên độ tiếp nhận thi ca. Và nếu cho rằng “Thơ là hạnh phúc ngôn từ” (Đặng Tiến) thì tôi dám quả quyết rằng Lưu Quang Vũ đã chạm được đến niềm hạnh phúc đặc biệt đó.