Niềm vui tuổi già

CHÂU NỮ 12/04/2022 17:36

1. Đang làm việc lặt vặt, nhưng nhận được tập sách “Mai kia” của bác Điền Linh - người bạn cao tuổi ở Tiên Phước tặng, cha tôi mừng lắm, vội dừng tay xem sơ một lượt, rồi rửa ráy thay áo quần tươm tất mới thong thả đọc.

Người cao tuổi đọc sách báo ở Thư viện tỉnh. Ảnh: C.N
Người cao tuổi đọc sách báo ở Thư viện tỉnh. Ảnh: C.N

Đơn giản là chuyện cha tôi lặng lẽ rửa ráy thay quần áo tươm tất, nhưng tôi hiểu, đó là sự trân trọng của cha tôi dành cho người tặng sách.

Cùng tuổi già lại có nhiều nét tương đồng về gia đình, về cuộc đời nên người sáng tác - bác Điền Linh, và độc giả - cha tôi, gặp nhau ở tâm hồn đồng điệu, ở niềm tri cảm và sự chân thành.

Giờ có thể sử dụng điện thoại thông minh để đọc báo, xem clip, chat với con cháu nhưng cha tôi vẫn giữ thói quen đọc và nắn nót chép vào sổ những câu thơ, bài thơ, danh ngôn, đoạn trích trong sách tâm đắc như trước đây, để rồi lâu lâu giở ra xem, dù tôi biết cha tôi đã thuộc lòng những ghi chép ấy.

Ở tuổi tám lăm, bác Điền Linh mới xuất bản tập thơ đầu tay, mà theo lời bác thì đó chỉ là “ghi lại những gì còn lại qua suốt chặng đường đầy nhiêu khê và tất bật của một đời người”.

Tác giả chỉ xem tập thơ như là “chút tâm tư của một người bình thường, sống giữa đời thường” và mong sau này con cháu có chuyện để nói với nhau về cha ông ngày xưa; nhưng tôi nghĩ, với con cháu, với những người trẻ nói chung, niềm tự hào không phải chuyện cha ông mình từng làm thơ, mà là niềm vui khi cây đại thụ của gia đình vẫn còn minh mẫn về tinh thần và niềm vui của tuổi già cũng là niềm vui của người trẻ.

2. Dù internet đã rất phổ biến, nhưng thỉnh thoảng các tòa soạn báo vẫn còn nhận được những bản thảo cộng tác của người cao tuổi viết tay cẩn thận, chỉn chu, gửi qua đường bưu điện, có người gửi bản thảo theo 2 cách: vừa gửi qua email vừa gửi qua bưu điện.

Chưa nói là có được chọn đăng hay không, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần được trải lòng mình với cái gọi là “đứa con tinh thần" của mình, hoặc được người có trách nhiệm ở tòa soạn báo hay ai đó đọc tác phẩm đã là niềm vui của tuổi già.

Và, nếu có đôi dòng hồi đáp từ các tòa soạn, niềm vui càng lớn hơn… Như con gái của bác Điền Linh chép trong “Lời bạt” của tập “Mai kia”: “Mai kia là tâm sự, là tiếng nói tâm hồn sâu thẳm của ba tôi, rất có thể nó chưa đạt đến độ hoàn hảo theo yêu cầu khắt khe của nghệ thuật thơ ca. Những ý thơ mộc mạc, lời thơ dân dã, giọng điệu tâm tình mà ba tôi đã gửi gắm vào “Mai kia”, ấy vốn đã là “thơ” vậy".

Có thể đó là những câu thơ hoài niệm những ngày xưa cũ, về cõi nhân sinh, rung cảm trước cảnh đẹp yên bình của quê hương hay có khi uống cà phê với bạn “Riêng chung một tách cà phê/ Gẫm trong giọt đắng tràn trề buồn vui/… Tình càng ít, nghĩa càng sâu/ Chông chênh theo mãi giọt sầu rơi rơi”; hoặc cũng có khi nhớ lại “Vần thơ cũ”: “Bài thơ viết giữa chiến hào/ Có ngôi sao rụng rơi vào trong thơ”.

3. Thơ là món ăn tinh thần của nhiều người cao tuổi nước mình. Những cuộc gặp mặt hay chuyện trò của người cao tuổi, thường có tiết mục đọc hoặc ngâm thơ.

Đọc sách báo - niềm vui tuổi già. Ảnh: C.N
Đọc sách báo - niềm vui tuổi già. Ảnh: C.N

Trong những lần “trà dư tửu hậu” ở gia đình tôi, thỉnh thoảng tôi nghe ai đó trong nhóm nhóm bạn già của cha tôi ngâm nga mấy câu thơ tự sáng tác, thường là về quê hương, thế sự, nhân sinh... Có khi đó là những câu thơ rất thời sự về dịch Covid, có khi là tâm tư về chuyện thời tiết bất thường, cũng có khi là tâm tình chuyện gia đình.

4. Trong cuộc thi thơ người cao tuổi Quảng Nam lần thứ nhất (tổ chức năm 2020 - 2021) có đến gần 5.000 bài thơ của hơn 1.800 tác giả dự thi. Như vậy là, theo Ban tổ chức cuộc thi "giữa bộn bề lo toan cuộc sống, người cao tuổi Quảng Nam làm thơ để sống vui - khỏe - hạnh phúc - có ích cho đời" .

Rưng rưng xúc cảm là khi ban tổ chức tuyển chọn 100 bài thơ lọt vào vòng chung khảo để tin trong tập “Khoảnh khắc thời gian”, thì có người cao tuổi không còn “kịp” để nhận giải thưởng hay xem tác phẩm của mình trong tập thơ.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Ái, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, thành viên Ban giám khảo cuộc thi thơ người cao tuổi cho rằng, thơ chưa bao giờ là phương tiện sống của con người, song chất lượng sống của người sẽ hao khuyết đi nhiều nếu thiếu vắng thơ. Và anh đánh giá: “Nhìn ở phương diện đó, “Khoảnh khắc thời gian” là công trình của sức sống, bởi là tiếng thơ của người cao tuổi”.

Tôi không rành về thơ, nhất là thơ hiện đại, hậu hiện đại nhưng tôi luôn có sự đồng cảm sâu sắc và trân trọng với những người người cao tuổi sáng tác nói chung, làm thơ nói riêng.

Những câu thơ, trang viết về Tổ quốc, về quê hương, về gia đình, cả những ưu tư thời cuộc luôn khiến tôi xúc động, tỷ như Minh Vũ viết trong bài “Tình quê”: “Rưng rưng nhặt bóng chiều lên/ Thâm sâu nỗi nhớ gọi tên quê nhà” (tập “Khoảnh khắc thời gian”).

CHÂU NỮ