Góp sắc hương cho mùa lễ hội
Nằm trong chuỗi hoạt động của lễ hội hoa sưa Tam Kỳ năm 2022, chương trình gặp gỡ, giao lưu tác giả, tác phẩm, giới thiệu một số ca khúc mới về TP.Tam Kỳ (dự kiến tổ chức vào ngày 15.4 tới) hy vọng góp thêm sắc hương cho mùa lễ hội.
Ông Phạm Thông - Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật (VH-NT) TP.Tam Kỳ cho hay, để góp mặt vào lễ hội hoa sưa năm nay, UBND thành phố giao Hội VH-NT tổ chức một chương trình gặp gỡ, giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu một số ca khúc mới của hội viên trong chuỗi hoạt động lễ hội.
Hoạt động này đồng thời hướng đến chào mừng Ngày sách Việt Nam (24.4) với chủ đề “Chấn hưng văn hóa & phát triển văn hóa đọc”. Dịp này, bạn đọc sẽ được giao lưu với các tác giả Phạm Thông, Nguyễn Bá Hòa, Huỳnh Thu Hậu, Nguyễn Tấn Sĩ.
Ông Phạm Thông xuất bản 2 tập thơ “Lời của cát” và “Xin giữ chút tình” cùng 8 tập bút ký, truyện ký văn học.
Nhà thơ Phan Chín - Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, nhận định: “Thơ Phạm Thông có những bài đọng lại trong lòng người đọc; và chừng đó đã là thành công rồi”. Với thể loại bút ký, truyện ký về đề tài chiến tranh cách mạng, Phạm Thông viết rất đều và chắc tay.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài viết và xuất bản cuốn “Đất nước và gia tộc” vào tháng 3 vừa qua. Tác phẩm mới này là một trong những nội dung hấp dẫn để bạn đọc giao lưu với ông Phạm Thông.
Trước khi biết đến là một nhà văn, Nguyễn Bá Hòa là thầy giáo dạy toán, tham gia viết sách giáo khoa toán học ở bậc THCS, từng kinh qua công tác quản lý giáo dục ở cấp trường.
Dù bận rộn nhưng Nguyễn Bá Hòa vẫn dành tình yêu sâu đậm cho văn chương; để rồi liên tục 5 ấn phẩm thơ như “Thuyền hạnh”, “Lục bát 60” hay mới đây là “Quá xuân” ra đời, cùng với đó là gần 10 tập truyện ngắn, truyện dài được xuất bản trong mấy năm qua.
Ngoài ra, anh còn là một tác giả có thể nói rất hiếm ở Quảng Nam chuyên tâm cho những sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn in và giới thiệu.
Nữ nhà thơ, nhà phê bình văn học Huỳnh Thu Hậu cũng là một hội viên có nhiều đóng góp cho Hội VH-NT Tam Kỳ, để lại ấn tượng với bạn đọc qua tập thơ “Cánh đồng mật ngữ”.
Trong chương trình tới đây, Thu Hậu sẽ bộc bạch với người đọc câu chuyện làm phê bình văn học của mình, giúp người đọc hiểu thêm phê bình văn học là khoa học đồng thời cũng là nghệ thuật. Phê bình văn học đòi hỏi người làm phê bình vừa tỉnh táo lại vừa say mê, có lửa.
Với nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, kể từ những bài thơ đăng trên các báo thiếu nhi trước năm 1975 như “Thằng Bờm”, “Tuổi Ngọc”, đến nay anh đã có hơn 50 năm làm thơ.
Anh đã in riêng “Mặt trời và cơn khát”, “Lời hát khẽ”, “Màu rêu lục bát” và “Gió ba sông”… Trong chương trình lần này, người xem sẽ được lắng lòng cùng Nguyễn Tấn Sĩ với trường ca về thành phố quê hương dạt dào cảm xúc: “Bỗng nghe nắng gọi lưng đồi/ Thành phố thì trẻ mà tôi thì già”…
Sự ra đời hàng chục ấn phẩm của các nhà văn, nhà thơ cùng với 33 số tập san Văn nghệ Tam Kỳ trong hơn 10 năm qua, quy tụ nhiều sáng tác ở các lĩnh vực văn học - nghệ thuật của hội viên và cộng tác viên là những cây bút tên tuổi trong và ngoài tỉnh, tạo nên diện mạo đầy bản sắc cho một ấn phẩm văn nghệ của địa phương. Tất cả sẽ được chọn lọc, giới thiệu, trình làng trong chương trình gặp gỡ, giao lưu tác giả, tác phẩm trong lễ hội hoa sưa lần này.
Điểm xuyết cho chương trình là những ca khúc mới viết về TP.Tam Kỳ của hội viên Hội VH-NT thành phố như: “Tam Kỳ thành phố tình yêu” của nhạc sĩ Huỳnh Đức Long, “Yêu sao Tam Kỳ quê hương” của nhạc sĩ Lê Xuân Bá hay “Tam Kỳ thành phố hoa sưa” của tác giả Hoàng Phương.
Điều đặc biệt nữa, tại cuộc gặp gỡ, giao lưu văn nghệ trong mùa hoa sưa năm nay, ban tổ chức sẽ có cuộc thi thơ nhanh về hoa sưa dành cho tất cả khán giả có mặt tại không gian Vườn Cừa và chương trình thả thơ như một thông điệp về tình yêu, sức sống, sự trẻ trung của thành phố ngã ba sông…
Hy vọng đây sẽ là một điểm nhấn, góp chút sắc hương làm lung linh hơn cho mùa lễ hội sưa vàng.