Hoàng Ngọc Thạch và những tự tình xa xứ…
(QNO) - Tác giả Hoàng Ngọc Thạch, sinh năm 1969, là người con của Đại Lộc đang sinh sống và làm việc tại Canada. Từng có thời gian dài công tác tại Viện KSND TP.Đà Nẵng nhưng tâm hồn anh luôn say mê trước cái đẹp của thế giới văn học nghệ thuật. Viết báo, làm thơ và sáng tác nhạc,…đã giúp Hoàng Ngọc Thạch hồn nhiên “rong chơi” giữa cuộc đời.
"Biết đến bao giờ, tôi về thăm xứ Quảng/ Mười năm tôi đi xa, xa cách biệt quê nhà/ Ôi lòng thương nhớ lắm, một khoảng trời kỷ niệm/ Chảy mãi trong tim tôi, lênh láng nước Thu Bồn…". Đó là những ca từ trong ca khúc “Tình Quảng Nam thương” của tác giả Hoàng Ngọc Thạch, được viết trong tâm trạng của người viễn xứ, về quê hương Quảng Nam yêu dấu bằng ký ức nhớ thương da diết của mình…
Hoàng Ngọc Thạch đến với báo chí, văn học nghệ thuật từ khá lâu, lúc còn công tác tại Viện KSND TP.Đà Nẵng, là cây bút không chuyên, cộng tác thường xuyên và đắc lực với các tờ báo ngành như: Báo Thanh Tra, Tạp chí Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm tra, Báo Công an Đà Nẵng, Tạp chí Hạnh Phúc hay Mực tím của tuổi thần tiên.
Cảm nhận được sự vận động của hiện thực xung quanh mình và để lòng lắng đọng cùng bao buồn vui trên dòng đời xuôi ngược rồi cả những ngọt ngào yêu thương, khổ đau của hẹn ước tình yêu không thành lời,… đã đưa anh đến với giai điệu âm nhạc như một cách để trải lòng. Hơn mười năm xa quê đến định cư ở đất nước Canada, ban ngày Hoàng Ngọc Thạch bận rộn với công việc mưu sinh, chỉ có đêm về thao thức với ký ức, nhung nhớ quê xứ, anh tìm đến âm nhạc.
Tự học nhạc lý, giai điệu và phương pháp sáng tác âm nhạc, nhưng Hoàng Ngọc Thạch viết khá nhiều, đặc biệt ở mảng tình khúc. Những bài hát về hương sắc bốn mùa của thiên nhiên, về tình yêu đôi lứa và về những nỗi niềm riêng tư,… của anh thường mang tính tự sự, đi vào lòng người nhẹ nhàng rồi đọng lại như một chút thương, chút nhớ giữa vô thường. Chính vì vậy, nhiều ca khúc của Hoàng Ngọc Thạch được đánh giá đẹp mà buồn man mác nhưng không hề vướng bụi trần.
Nhạc sĩ Trần Thu Hường - Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một người bạn tâm giao của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Thạch nhận xét: “Tôi theo dõi Thạch viết ngay từ những năm đầu tiên anh đến với âm nhạc, gần đây tôi thấy anh viết "lên tay" rất nhiều. Những bài hát về quê hương, đất nước và tình yêu đôi lứa là mảng ca khúc nổi bật lên trong sáng tác của anh. Giai điệu không cầu kỳ phức tạp ở những dấu hóa mà đơn giản, nhẹ nhàng và tràn đầy cảm xúc. Tôi nghĩ, Hoàng Ngọc Thạch từng một thời lặn ngụp với sông Vu Gia, Thu Bồn nên ca từ mang đậm hương sắc và nỗi nhớ quê nhà. Những bài như “Tình Quảng Nam thương” hay “Bolero trên sông Hàn”… đều lột tả tấm chân tình một người con xa xứ".
Chắc hẳn nhiều người yêu giai điệu âm nhạc của Hoàng Ngọc Thạch sẽ nhớ mãi “Bolero bên sông Hàn”, “Tình yêu mùa xuân”, “Ru em lời của dòng sông”, “Mùa thu qua phố”… Nhưng có lẽ tình khúc da diết nhất vẫn là “Lời ru hoa cải”. Mượn hình ảnh ngọt ngào của hoa cải để gửi gắm tâm tình. Và thật trớ trêu ru người mình yêu đến giây phút cuối để ngày mai lên xe hoa về nhà chồng. Thế nên, lời ru ấy càng mênh mang buồn. Giai điệu không gào thét, kịch tính mà dội vào tim… nhoi nhói.
Sau khi ca khúc “Lời ru hoa cải” của Hoàng Ngọc Thạch ra đời, ca sĩ Tuyết Mai - tiếng hát quán quân chương trình “Hãy nghe tôi hát” - Đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức năm 2020 đã chọn để thể hiện bằng chất giọng mượt mà, đằm thắm, khiến ca khúc trở nên thăng hoa và lời ru lại man mác buồn hơn: "Ru anh, anh hãy ngủ đi/ Ngày mai em đã lên xe hoa rồi/ Lời ru hoa cải về trời…".
Ca khúc “Lời ru hoa cải” của Hoàng Ngọc Thạch:
Nhạc sĩ Trần Thu Hường cho rằng, Hoàng Ngọc Thạch đã thấm đẫm câu ca dao: "Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay" để phát triển nên ca khúc "Lời ru hoa cải" với âm hưởng dân ca xứ Quảng rất... ngọt. Bài hát được viết bởi hai đoạn đơn, ngắn gọn và vuông vắn. Âm hình chủ đạo trong bài giản dị, chủ yếu tiết tấu là các móc đơn nhẹ nhàng, thỉnh thoảng thêm vài câu có liên ba đơn làm cho giai điệu mềm mại hẳn…
“Lời ru hoa cải” như một lời thủ thỉ, lời tâm sự đau xót của cô gái thương cho người ở lại. Trong hoàn cảnh này có lẽ những lời nói không có mấy ý nghĩa mà nhường chỗ cho âm nhạc vang lên, trao gửi tâm tình: "Thân em bèo dạt mây trôi/ Thân em bảy nổi ba chìm/ Tháng giêng mưa bụi bên thềm hoa bay/ Tháng giêng mưa bụi về đâu hỡi người…".
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Thạch chia sẻ: “Không biết tự bao giờ, những bông hoa cải nhỏ xinh, mềm mại đong đưa trong gió trải dọc triền sông Vu Gia luôn ám ảnh tôi. Những cánh hoa cải vàng như đang thầm thì điều gì xa ngái về thân phận người phụ nữ, như hát ru một cuộc tình dang dở để rồi bài hát "Lời ru hoa cải" ra đời…”.
Giai điệu, tiết tấu, ca từ trong bài hòa với nhau làm một, nức nỡ cho phận má hồng. Ngày nay, người phụ nữ thường làm chủ cuộc sống hôn nhân của mình, nhưng trong sâu thẳm vẫn ẩn chứa những niềm riêng khi lên xe hoa. "Lời ru hoa cải” không mở ra cảnh tượng có thật ngoài đời mà là một lời ru trong tâm thức của người con gái trước thời khắc quan trọng của đời mình, là chút xuyến xao, cảm thông với người xưa đã từng yêu, đã từng một thời rung động vì tình yêu đó…
Hoàng Ngọc Thạch bảo rằng, nơi đất khách quê người chỉ có âm nhạc mới giúp anh tìm lại những hồi ức xưa cũ về quê hương, về những thời đoạn anh từng đong đầy kỷ niệm. Tìm đến âm nhạc là cách để trải lòng, giúp tâm hồn dịu lại sau những bộn bề mưu sinh. Và, những sáng tác của anh đã góp phần làm cho khu vườn âm nhạc thêm lung linh sắc màu.
Hoàng Ngọc Thạch bộc bạch: “Tôi đến với âm nhạc từ đam mê, chính những năm tháng sống xa quê, tình yêu âm nhạc càng lớn hơn để tôi nuôi dưỡng tâm hồn mình. Có lẽ vì thế nên tôi viết: “Tình yêu ấy chảy trong từng nốt nhạc/ Cho tôi ôm quê hương đất nước vào lòng/ Tôi như thấy cánh cò trắng chao nghiêng, lúa đang thì con gái/ Dòng sông Thu tắm mát tuổi thơ tôi…”.