Sự giao thoa trong tranh Lê Văn Sơn

ĐẶNG TRƯƠNG 12/02/2022 20:05

Hoạt động nghệ thuật tại CHLB Đức, họa sĩ Lê Văn Sơn tìm cách “về quê” trong từng tác phẩm, quay về nguồn cội để tìm chỗ đứng riêng, tạo nét độc đáo chinh phục người yêu tranh.

Họa sĩ Lê Văn Sơn.
Họa sĩ Lê Văn Sơn.

Cách đây một tháng, tại Gartner hous-Bonn, CHLB Đức diễn ra cuộc triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Văn Sơn với chủ đề “Gió và Nước”. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của anh tại châu Âu. Trước đó, Lê Văn Sơn đã tham gia hơn 10 cuộc triển lãm mỹ thuật nhóm trong và ngoài nước.

Triết lý gió và nước

Tiến sĩ Holger Nielen - nhà nghiên cứu Tôn giáo học, Đại học Bonn, CHLB Đức, đánh giá những tác phẩm trong “Gió và Nước” của họa sĩ Lê Văn Sơn như sau: Nếu nhìn vào những tác phẩm này, người xem có cảm giác như những tầng không gian, những đám mây… Làm sao để mọi người nghĩ được những bức tranh này thú vị. Có lẽ bởi nó được kết hợp giữa ý tưởng, chất liệu trong sáng tạo của người họa sĩ để đạt được một cấu trúc mới. Cấu trúc của mỗi tác phẩm luôn luôn có một sợi dây kết nối, như là sự kết nối giữa văn hóa nghệ thuật phương Đông và phương Tây”.

Dự án “Gió và Nước” đã được Lê Văn Sơn  tập trung sáng tác trong vài năm trở lại đây. Sê-ri tranh này xoay quanh mối liên hệ mật thiết giữa thế giới tự nhiên và triết học phương Đông. Trong cuộc khảo cứu này, anh đặc biệt quan tâm đến quy luật vận hành của thiên nhiên hay những vấn đề liên quan đến môi trường.

Người Á Đông tin rằng, sự hài hòa luân chuyển của gió và nước mang lại cho mọi người sự bình yên, thịnh vượng, sức khỏe và niềm hạnh phúc.

Và những tác phẩm này theo như cách suy luận của Lê Văn Sơn là sự thay đổi lớn trong suy nghĩ về văn hóa, triết học phương Đông được xây dựng trên mô hình, bố cục hiện đại theo phong cách phương Tây, cũng như gia đình anh là một sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây…

Họa sĩ Lê Văn Sơn cho biết: “Trong dự án “Gió và Nước”, mình đã tạo cho bản thân sự thay đổi trong suy nghĩ về văn hóa, triết học phương Đông, được xây dựng trên mô hình cấu trúc bố cục hiện đại theo phong cách phương Tây hoàn toàn.

Câu chuyện tranh là nguồn gốc nghệ thuật phương Đông được kể theo phong cách hiện đại phương Tây. Vì vậy, các tác phẩm trong “Gió và Nước” luôn đứng giữa biên giới phương Đông và phương Tây nên khá phù hợp trong thị hiếu của người thưởng lãm”.

Một tác phẩm trong “Gió và Nước”.
Một tác phẩm trong “Gió và Nước”.

Điều khá đặc biệt, vợ Lê Văn Sơn - chị Kerstin Schiele (người Đức) từng có những năm tháng học tập và nghiên cứu tại Việt Nam với chuyên ngành phương Đông học. Hiện chị là tiến sĩ phương Đông học. Chính vì thế, khi Lê Văn Sơn bắt đầu thay đổi phương pháp mỹ thuật, chuyển hướng tìm tòi, sáng tạo nên một lối đi riêng, chị Kerstin Schiele đã hỗ trợ chồng rất nhiều.

Chị Kerstin Schiele chia sẻ: “Tôi học Đông phương học nên có chút ít hiểu biết về triết học và văn hóa phương Đông. Vì thế, khi Sơn tiến hành các sê-ri tranh phương Đông hay dự án tranh “Gió và Nước”, chúng tôi đã cùng nhau thảo luận rất nhiều. Tôi nghĩ mình đã có một đóng góp nhất định trong quá trình sáng tạo của chồng…”.

Xuyên suốt quá trình làm việc, Lê Văn Sơn áp dụng không gian hình học để xây dựng nên chuỗi tác phẩm. Bên cạnh đó cách vẽ hình, màu sắc, kỹ thuật và không gian được xử lý đơn giản, để cấu trúc bố cục tác phẩm tương tác trực tiếp với môi trường bên ngoài là điều khá thú vị.

Với độ dày bề mặt hai mươi centimet nhô ra cách mặt tường cùng với kết cấu khung tranh được thiết lập, tác phẩm đứng giữa biên giới ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc. Lê Văn Sơn muốn hướng đến một cấu trúc mới trong hội họa đương đại.

Quay về nguồn cội

Điều căn bản mà Lê Văn Sơn theo đuổi là hình thành phong cách riêng của một họa sĩ người Việt Nam với vốn văn hóa truyền thống của mình nhưng lại được thể hiện bằng mỹ thuật hiện đại của châu Âu.

Gần 10 năm ở rể tại CHLB Đức, Lê Văn Sơn đã bắt đầu hội nhập văn hóa bản địa, dần trở thành một thành viên trong cộng đồng người Đức. Tuy nhiên, ký ức về những ngày tết của Việt Nam vẫn luôn sống động trong anh.

“Tôi nhớ hồi còn ở Việt Nam mỗi năm tết đến, cha con cùng nhau đi mua cây cảnh, sắm sanh đồ dùng trong nhà, thức đêm nấu bánh tét và đón giao thừa. Bây giờ mỗi lúc xuân sang, ngồi bên trời Tây lại thương nhớ quê nhà vô cùng…” - Sơn nói.

Đồng nghiệp và người yêu hội họa xem tranh Lê Văn Sơn. Ảnh: NVCC
Đồng nghiệp và người yêu hội họa xem tranh Lê Văn Sơn. Ảnh: NVCC

Lê Văn Sơn sinh năm 1984 tại TP.Tam Kỳ. Anh bắt đầu mê hội họa từ năm học lớp 9 và tự tìm thầy dạy vẽ để học. Tốt nghiệp THPT, Lê Văn Sơn thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Huế và bắt đầu dấn thân vào hội họa cho đến bây giờ.

Ông Lê Văn Ngộ ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), ba của họa sĩ Lê Văn Sơn, chia sẻ: “Sơn mê vẽ từ nhỏ, ba mẹ cho tiền ăn sáng thì để dành mua bút màu rồi tìm thầy học vẽ. Mình làm cha mẹ chỉ biết động viên tinh thần và lo lắng cho con ăn học…”.

Cũng như rất nhiều họa sĩ khác, Lê Văn Sơn bắt đầu con đường nghệ thuật bằng mỹ thuật truyền thống với những dòng tranh khá phổ biến ở Việt Nam. Nhưng khi sang châu Âu học chuyên ngành nghệ thuật thị giác, Lê Văn Sơn đã bắt đầu thay đổi phong cách sáng tác.

Lê Văn Sơn cắt nghĩa cho sự thay đổi này, rằng: “Khi sang châu Âu học thạc sĩ, đã có một sự thôi thúc lớn trong tình yêu quê hương, văn hóa truyền thống của Việt Nam nơi đất khách. Sơn bắt đầu bắt tay vẽ sê-ri tranh phương Đông và trong quá trình tìm kiếm hướng đi mới. Đó là phong cách vẽ trừu tượng hình học”.

ĐẶNG TRƯƠNG