Xuân trong tác phẩm của nhạc sĩ xứ Quảng
Đêm xuân, đâu đó làn hương trầm thoảng lại; bên ấm trà ngon, không gì bằng là cùng gia đình thưởng thức giai điệu của đất trời, của tình thâm.
Xuân của người xa xứ
Có lẽ, “Xuân và tuổi trẻ” quá nổi tiếng, đến độ giới mộ điệu âm nhạc dường như lãng quên nhạc phẩm “Xuân sắc quê hương” không kém phần đặc sắc của nhạc sĩ La Hối.
Nhạc phẩm này được La Hối sáng tác mùa xuân năm 1942, lúc ông bị mật thám Nhật truy lùng. Ông phải tạm lánh sang Lào sống lưu vong một thời gian.
Bình thường, nỗi nhớ quê đã luôn vương vấn trong tâm hồn khách ly hương viễn xứ. Xuân sang, nỗi lòng đau đáu tìm về lại càng giục giã hơn, khiến viễn khách phải tự trải lòng mình qua những dòng nhạc.
Nhạc phẩm không lời “Xuân sắc quê hương” được La Hối viết với một giai điệu đằm thắm, tiết tấu chậm rãi giãi bày nỗi lòng của một người đi xa, chợt vọng tưởng về miền quê xưa, đất cũ.
Nỗi lòng của La Hối rồi cũng tìm được khách tri âm, khi Lê Chương tình cờ nghe được bản nhạc này. Sự đồng điệu trong âm nhạc, cộng với sự cảm thông tấm lòng một người xa xứ đã khiến Lê Chương viết lời cho bản nhạc.
“Hương quê thấm men xuân tràn nhạc thơ/ Đón tri âm hòa tiếng tơ/ Tiếp thi nhân họa tiếng lòng”, ca từ đã giúp cho nhạc phẩm càng thêm giá trị.
Sống tại TP.Hồ Chí Minh, một thành phố luôn luôn sôi động nên tâm trạng trong đêm giao thừa của nhạc sĩ Từ Huy cũng khác với sự trầm tư của nhạc sĩ Phan Văn Minh.
“Lời chúc đêm giao thừa” được Từ Huy viết bằng một giai điệu trữ tình, trên nền tiết tấu pha chất nôn nao, rộn rã. Nhạc phẩm mang đầy tính cách phóng khoáng của người phương Nam: “Một năm qua bao nhiêu nước mắt bao nhiêu nụ cười/ Giờ phôi phai khi nghe tiếng pháo đêm xuân vừa sang”.
Tuy nhiên, Từ Huy cũng như bao người Việt nói chung và người xứ Quảng nói riêng, đều mong muốn tìm về trong mái ấm gia đình, bên bàn thờ tổ tiên trong giờ phút linh thiêng đón chào năm mới.
Và phải chăng, qua “Lời chúc đêm giao thừa” ông cũng đồng thời gởi gắm tấm lòng của người ở quê đến với những người viễn xứ, đang tha phương nơi đất khách quê người: “Đêm nay bao gia đình/ Bên bàn thờ thành kính tổ tiên/ Người xa xứ có biết đất nước đêm nay đợi chờ/ Chờ cho vơi bao nhiêu nỗi nhớ quê hương người ơi”. Có lẽ vậy.
Không chỉ có vậy, ở Từ Huy dường như mùa xuân là mùa của yêu thương, mùa để tỏ tình, khi ông sáng tác nhạc phẩm “Mùa xuân tình yêu”.
Ở nhạc phẩm này sự trẻ trung không hề mất đi mà dường như còn rộn rã hơn với tiết tấu nhanh, nhộn nhịp. Tuy vậy, điều này không lấn át đi giai điệu lãng mạn, trữ tình của bản nhạc.
Nhạc phẩm này được giới trẻ những năm 1980 xem như tụng ca tình yêu, khi ông thay họ trải lòng bằng âm nhạc: “Em ơi qua bao ngày đông/ Xuân nay lại về nhắc nhở/ Bao nhiêu là điều để nhớ để thương”, và người ta hạnh phúc khi đôi tim hòa cùng nhịp đập “Và hôm nay bước trên phố này/ Dường như nghe tiếng trái tim cùng hát ca”.
Ở quê nhà vẫn nhớ xuân xưa
“Chờ đón giao thừa trong ngôi nhà xưa/ Những đứa con xa từ chân trời sóng gió bao la nay đã về/ Trong mái ấm gia đình đã nghe mùa xuân đến bên hiên nhà”. May mắn hơn La Hối, Phan Văn Minh được đón xuân sum vầy như những đứa con xa, trở về bên mái ấm gia đình.
Nhạc phẩm “Khúc trầm hương giao thừa” được viết với sự trải nghiệm gần một đời của người nhạc sĩ. Phải nghe ông hát mộc, phải nghe ông tự sự mới nhận ra được những xúc cảm trào dâng lên từ từng nốt nhạc, từng lời ca da diết, như một sự trải lòng của Phan Văn Minh đến với tha nhân.
Đốt lên một nén trầm hương đêm giao thừa, Phan Văn Minh tự lắng lòng để tìm về những mùa xuân nằm sâu trong tiềm thức: “Để được yêu thương được ngây thơ/ Thèm được khóc dỗi bên vai cha/ Thèm được bi bô như lên ba/ Như bé thơ trong vòng tay mẹ…”.
Được viết từ sự chiêm nghiệm của một nhạc sĩ tài năng từng trải, với giai điệu trầm ấm nhẹ nhàng, ca từ đơn giản, mộc mạc nhưng sâu lắng, nhạc phẩm đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của giới mộ điệu âm nhạc.
Qua nhạc phẩm “Khúc trầm hương giao thừa”, Phan Văn Minh thực sự đã mang được nỗi lòng của những tha nhân trở về dưới mái ấm gia đình. Để rồi, ông cùng khách ly hương tìm về cội nguồn thiêng liêng, nơi quê cha đất tổ “Hương trầm giao thừa/ Hòa vào tim con đi bốn phương/ Đêm nào xứ người chợt dừng chân trên đường bôn ba/ Bồi hồi nghe rưng rưng trong ta/ Cội nguồn thiêng liêng nơi quê xa/ Như khói hương giữa đêm giao thừa”.
Giai điệu mùa xuân
Trong âm nhạc nếu điệu tango được gọi là ông hoàng bởi sự sang trọng, thì ngôi nữ hoàng được dành cho điệu valse bởi sự đài các và quý phái. Với nghệ sĩ dương cầm La Gia Quảng, chừng như chỉ có những giai điệu trữ tình trên nền nhạc valse thì mới có thể lột tả được không gian ngây ngất, phiêu bồng của mùa xuân.
Với một tâm trạng phơi phới, những giai điệu bay bổng của “Mùa xuân và mơ ước” ra đời, ngây ngất hồn xuân đúng như cái chất lãng mạn của người nghệ sĩ. “Kìa làn nắng tươi vàng/ Hòa làn gió ngát hương…/ Xuân làm say lòng người” (lời Lê Chương).
Mùa xuân còn là mùa của yêu thương và những nguyện cầu qua nhạc phẩm “Xuân ước vọng” của nhạc sĩ Thái Chi Sơn, lời Thái Chi Hải. “Ước có tiếng hát tha thiết vui thanh bình/ Ai nơi xa quê đi về thăm thôn xóm/ Lòng thầm thầm chờ chờ ngày mùa xuân sáng tươi”.
Trên nền điệu valse lãng mạn, lời của bài hát cũng là lời nguyện ước tự tâm của bao người, chờ mong xuân đến trong khung cảnh hòa bình, yên ấm cho muôn nhà.