Thơ xuân của Hà Đình
(Xuân Nhâm Dần) - Chỉ với nét chấm phá, Hà Đình đã tài tình đưa bạn đọc du xuân qua những cung đường đẹp nổi danh của xứ sở.
Đúng như trong câu thơ Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911) khai bút ngày đầu xuân 1886 “Xuân triêu thí bút, bút hoa thư” (Sớm xuân thử bút, bút sinh hoa), những câu thơ về mùa xuân của nhà thơ tài hoa xứ Quảng thời phong kiến được thể hiện một cách đa dạng.
Những bức tranh xuân
Đầu năm Đinh Hợi 1887, trong bài “Đinh Hợi nguyên nhật nguyên vận”, ông viết: “Văn minh phù tuế trực/ Tình áo nhập xuân sơ/ Thục khí doanh đan ỷ/ Tường vân lê bích dư” (Văn minh cùng xuân đến/ Tạnh ráo đến đầu mùa/ Hơi ấm tràn qua cửa/ Mây sáng chiếu tường hoa).
Mùa xuân được ông phác họa theo không gian ba chiều làm người đọc không chỉ nhìn thấy được sắc thái của cảnh mà còn cảm nhận được diễn biến cùng hơi thở của mùa.
Phong cách ấy cũng được ông thể hiện trong bài “Cung hòa ngự chế quan hòa” trân trọng họa lại bài thơ của nhà vua nói về cảnh được mùa: “Thập lý giang lưu tống họa bồng/ Đào hoa xuân lãng mạch hoa phong” (Mười dặm sông trôi như bức họa/ Hoa đào sóng lúa lượn theo xuân). Có thể xem hai câu này là “trong thơ có họa”.
Thơ xuân của Hà Đình gắn liền với cảnh thôn dã yên bình: “Địa cận niên thường hạnh/ Xuân thâm cảnh tối gia/ Nguyên do phùng cốc vũ/ Giang thủy trướng đào hoa/ Âu lộ thôn tiền phố/ Mao ti trúc lý gia/ Vật hòa kiêm tuế mỹ/ Sanh ý tự vô nhai”(Gặp năm nhiều may mắn/ Cảnh xuân thật đậm đà/ Cơn mưa rào thấm nhuận/ Sông dài thắm đào hoa/ Chim về trên bãi trước/ Trúc che ruộng trước nhà/ Vui cùng năm tháng đẹp/ Sức sống tỏa lan xa).
Là người xuất thân từ nông thôn (làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam), Hà Đình tỏ ra rất tinh tế khi nói về cảnh nông tang: “Xuân phong kiều mộc thính oanh ngữ/ Hạ vũ thâm điền sất độc thanh” (Cây cao nghe oanh hót/ Trong gió xuân mượt mà/ Trâu cày theo tiếng giục/ Mưa hạ thấm ruộng sâu). “Hạ vũ” là cơn mưa rào đầu hạ, khi ấy nông dân miền Trung bắt đầu cày bệ đợt đầu để chuẩn bị cho mùa lúa gieo sắp tới; tiếng hô “thá, ví” (sất thanh) giục trâu bò (độc) tiến nhanh vang khắp cánh đồng.
Tất cả cảnh tình ngày xuân ấy được Hà Đình tổng kết: “Thanh nhu xuân khí phùng xuân hảo/ Tỉ hiệp nhân tình tự lạc đa” (Hơi xuân êm ả dịu dàng gặp mùa xuân thắm; giống như lòng người đang vui sướng biết bao khi gặp cảnh xuân tươi).
Du xuân qua những vần thơ cũ
Cảnh xuân ở một số địa phương miền Trung cũng được Hà Đình phác họa trong chuyến du xuân đầu năm 1889 (Thành Thái nguyên niên).
Đến vùng Thanh Hóa - nơi có cố cung vua Lê và dòng sông Mã - xúc cảm dâng trào, ông viết: “Oanh hoa ngâm biến Đế thành xuân/ Dư vận dao truyền Mã thủy tân”(Xuân về hoa nở, oanh hót khắp thành vua xưa/ Âm sắc vọng miên man đến bờ sông Mã).
Đến Nghệ An, Hà Tĩnh - nơi có thành Hạc và núi Hồng Lĩnh - ông ghi nhận: “Hạc thành xuân mị hoa triều cận/ Hồng Lĩnh vân tiêu dịch lộ bình” (Thành Hạc xuân đẹp hoa chập chờn chào đón làm mê mẩn lòng người/ Hồng Lĩnh mây lung linh trên cao, phía dưới là đường ngựa trạm yên bình). Đến Quảng Bình, ông ghi nhận cảnh “Xuân phong đào lý nhiễu ngôi sơn” (Đào lý trên núi cao lồng lộng gió xuân).
Vào Quảng Trị ông kể: “Triêu phát Cam Lộ thành/ Mộ đăng Mai Lĩnh điên/ Tiết phùng nhứt dương sinh/ Mai hoa điểm điểm nghiên” (Sáng ra đi từ thành Cam Lộ/ Chiều tới đỉnh Mai Lĩnh/ Gặp tiết đầu xuân/ Hoa mai điểm từng chấm từng chấm xinh đẹp). Cũng trên cung đường mùa xuân ấy, ông thấy cảnh một vùng mai trắng hiện ra trước mắt: “Bán lĩnh lộ hòa mai nhị bạch” (Nửa ngọn núi hiện ra cùng đám mai trắng).
Hà Đình còn ghi nhận cảnh sắc trên đường từ đèo Hải Vân đến Quảng Ngãi: “Hải Vân vạn tụ sáp phù dung/ Trà Khúc xuân ba bích kỷ trùng”(Mây Hải Vân điệp điệp nổi chồng lên nhau/ Sóng xanh mùa xuân trên sông Trà Khúc lớp lớp chập chùng). Không chỉ ghi nhận sắc xuân tươi đẹp ven đường, ông còn phóng tầm mắt ra xa để thấy những nét rất tinh tế: “Mính kỳ lục triển tam xuân vũ/ Tùng lại thanh ngâm vạn hác phong” (Đọt trà chuyển màu xanh đậm dưới cơn mưa tháng ba/ Cây tùng xanh thẫm reo trong vạn ngọn gió thổi qua ao suối).
Có thể nói, bằng sự thẩm âm và cái nhìn nghệ sĩ, Hà Đình đã nghe, ngắm và ghi lại trong thơ những nét xuân tươi thắm, bình dị ở một phần của dải đất miền Trung.
Mùa xuân và thế sự
Nét xuân trong thơ Hà Đình không chỉ gắn với cảnh sắc mà còn liên quan đến thế sự. Tiễn một đồng liêu về hưu, ông viết mấy vần thơ mang nét u hoài: “Trượng lũ an nhàn phản cố lâm/ Mai hoa tiền lộ tuyết hoa thâm/ Thành tài đào lý kinh xuân sắc/ Thượng nghĩ tùng quân vãn tuế tâm” (Chống gậy mang dép an nhàn sau khi về cố hương/ Hoa mai trên đường phía trước trắng xóa như tuyết/ Đào lý trồng bên thành đã khoe sắc với xuân/ Nghĩ đến cụ như cây tùng già có lõi vững bền qua năm tháng).
Đi qua một nhà dịch trạm ở Thanh Hóa (trạm Thanh Thái - còn gọi là Thanh Xuân) từng bị khói lửa chiến tranh, ông viết: “Thanh Xuân xuân sắc cận như hà?/ Liễu dịch mai đình kiếp hỏa dư?” (Sắc xuân ở vùng Thanh Xuân gần đây thế nào?/ Cây liễu ở nhà dịch trạm, cây mai ở chỗ nghỉ chân có còn sau binh lửa?).
Đến Hà Tĩnh vào cuối năm, nhìn cảnh hoang phế của một thành lũy xưa, ông cảm thán: “Xuân phong viễn dịch trì mai tín/ Tàn lạp hoang thành thặng liễu chi” (Phỏng dịch: Tin xuân trạm dịch xa vời/ Gió xuân như níu bước người viễn du/ Thành hoang tháng chạp đìu hiu/ Trơ vài cành liễu như khêu nỗi buồn). Những nét vui buồn lẫn lộn trong những vần thơ xuân ở trên phải chăng đã thể hiện phần nào tâm trạng “vui là vui gượng kẻo là” của một ông quan thi sĩ sống trong hoàn cảnh nước mất; khi triều đình trở thành bù nhìn trong tay giặc Pháp lúc đương thời?