Sách Quảng lên kệ

BẢO ANH 22/01/2022 21:46

(QNO) - Đưa tác phẩm của mình đến với người đọc thông qua phát hành thương mại trên cả nước và được thực hiện bởi các nhà phát hành chuyên nghiệp là mơ ước của hầu hết những người viết sách. Ước mơ ấy, tưởng là rất xa vời, nhưng giờ đây đã và đang được một số tác giả Quảng Nam nỗ lực biến thành hiện thực...

Sách của các tác giả Quảng Nam được bày bán trên hệ thống các nhà phát hành sách chuyên nghiệp. Ảnh: B.A
Sách của các tác giả Quảng Nam được bày bán trên hệ thống các nhà phát hành sách chuyên nghiệp. Ảnh: B.A

Nỗi niềm phát hành kiểu "bốn triệu"

Suốt thời gian dài, hàng chục người cầm bút Quảng Nam đã quen và gần như "mặc nhiên" bằng lòng với việc tác phẩm của mình, sau khi được xuất bản thì... tự mình tổ chức phát hành bằng cách... biếu tặng bạn bè, người thân.

Người trong giới vẫn thường nói đùa với nhau, rằng đây là kiểu phát hành... "bốn triệu" - tức là biếu trọn, không bán. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là họ không muốn bán mà thực ra là không biết bán cho ai, không biết bán ở đâu.

Một cây bút thơ khá nổi tiếng của Quảng Nam cho biết anh đã xuất bản 3 tập thơ riêng và lần nào cũng chỉ bán được vài chục bản, chủ yếu do bạn bè "mua giùm". Số tiền thu được do vậy "chỉ đủ để uống cà phê dăm bữa", không thể đủ để bù vào chi phí xin giấy phép xuất bản, in ấn... Dù vậy, anh (cũng như nhiều tác giả khác) vẫn cứ sáng tác và in sách, vì... đam mê.

Theo thống kê của Chi hội Văn học Quảng Nam, trong số hơn 250 đầu sách của các tác giả là hội viên của chi hội xuất bản trong 25 năm qua, có chưa tới 20 đầu sách "bán được" - thông qua sự bao tiêu của các đơn vị phát hành hoặc tác giả tự bán thông qua các mối quan hệ cá nhân. Và đây cũng là những trường hợp thuộc diện... cơ bản "thu hồi được vốn".

Sách Quảng "lên kệ"

Năm 2016, với việc tập truyện ngắn "Phía gió biển không còn ai" được NXB Trẻ  "bao trọn gói" tư in ấn đến phát hành, nhà văn Lê Trâm trở thành cây bút đầu tiên của Chi hội Văn học Quảng Nam có sách được "đưa lên kệ" trong hệ thống nhà sách của các nhà phát hành sách chuyên nghiệp trên cả nước, như Tiki, Fahasa, VinaBook...

Cuốn sách này được bán khá chạy và có lúc lọt vào top 10 cuốn sách bán chạy nhất trong tuần. Sau bước khởi đầu khá ấn tượng và suôn sẻ này, nhà văn Lê Trâm có thêm hai tác phẩm khác được chọn in và phát hành thương mại thông qua các kênh phát hành chuyên nghiệp, gồm "Mơ về phía chân trời" (NXB Kim Đồng 2017) và "Đêm nguyệt bạch" (NXB Trẻ 2018).

 

"Với một người cầm bút ở tỉnh lẻ như tôi, chưa cần nói đến sự hay - dở và mức độ ăn khách, chỉ cần sách của mình được bán rộng rãi trên hệ thống nhà sách của các nhà phát hành chuyên nghiệp đã là một niềm vui, một sự động viên rất lớn rồi" - nhà văn Lê Trâm nói.

Sau Lê Trâm, năm 2017, Quảng Nam có hai tác giả khác có sách được các đơn vị xuất bản, phát hành bán rộng rãi trong cả nước. Đó là nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, với tiểu thuyết "Dưới tán rừng thốt nốt" (NXB Đà Nẵng 2017) và tập truyện dài thiếu nhi "Trong và ngoài rào gai" (NXB Kim Đồng; từng có lúc lọt vào top 100 tác phẩm bán chạy nhất của tháng trên kênh phát hành Fahasa. Một tác giả khác là Mạc Ly, với tập truyện dài "Trận thư hùng" (NXB Kim Đồng), được phát hành đồng thời trên các nhà sách VinaBook và Netabooks.

Đến năm 2018, thêm một tác giả khác của Quảng Nam là Nguyễn Bá Hòa cũng có sách được các nhà phát hành chuyên nghiệp phát hành rộng rãi, với tập truyện dài thiếu nhi "Mõm đen ngày trở về" (NXB Kim Đồng).

Tiếp đó, Nguyễn Bá Hòa có thêm hai tập sách nữa được "lên kệ" của các nhà sách lớn, gồm tập truyện dài thiếu nhi "Bình minh trên sông Hoài" (NXB Kim Đồng 2019) và mới nhất là tập truyện dài thiếu nhi "Người dưng thương nhau" (NXB Kim Đồng 2021).

Sách của tác giả Quảng Nam xuất bản khá nhiều trong những năm gần đây. Ảnh: B.A
Sách của tác giả Quảng Nam xuất bản khá nhiều trong những năm gần đây. Ảnh: B.A

Ngoài các trường hợp kể trên, ở Quảng Nam còn có một trường hợp khác cũng có sách được bán rộng rãi trên hệ thống nhà sách của một số nhà phát hành chuyên nghiệp trong nước. Đó là Mộc Nhân Lê Đức Thịnh với tập sách "Aubade" (dịch thơ Louise Glück - tác giả đoạt giải Nobel văn chương 2020; NXB Hội Nhà văn 2020).

Tuy nhiên, thay vì được "bao tiêu" như các trường hợp kể trên, "Aubade" được đưa lên kệ sách của các nhà phát hành lớn trong nước được thực hiện qua trung gian: Một người "phát hiện" ra cuốn sách này và "mua sỉ" với số lượng lớn từ tác giả, sau đó bán qua các kênh phát hành chuyên nghiệp.

"Dù với cách thức nào, việc sách của mình được bán rộng rãi tại các nhà sách trên cả nước, với tôi vẫn là một niềm hạnh phúc" - nhà thơ, dịch giả Lê Đức Thịnh nói.

Vẫn "mơ về phía chân trời"

Theo nhà văn Lê Trâm, việc người viết đưa được sách của mình đến với các nhà sách, các kênh phát hành chuyên nghiệp trên cả nước luôn là một ước mơ.

Không chỉ có thể "thu hồi được vốn", khi sách được phát hành bằng phương thức này, cái "lãi" lớn nhất của người viết là có thêm cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với đông đảo bạn đọc hơn, tạo sự kết nối cần thiết giữa tác giả với người đọc, người chơi sách, người sưu tầm sách...

Ngoài ra, khi được dự phần vào cuộc chơi này, người cầm bút sẽ biết được rõ hơn người đọc cần gì, mình cần phải viết như thế nào để đáp ứng được các đòi hỏi đa dạng và khắt khe của thị trường.

"Thông qua việc phát hành sách trên các kênh phát hành lớn, tôi nhận ra rằng mình không thể chỉ viết bằng những gì mình có mà phải viết bằng sự kết hợp giữa cái mình có với cái mà người đọc đang cần, đang đòi hỏi" - nhà văn Lê Trâm đúc kết.

Càng lúc, những nhu cầu, đòi hỏi của thị trường sách, của người đọc càng trở nên đa dạng và khắt khe hơn. Đây vừa là cơ hội, lại vừa là thách thức cho người cầm bút. Bởi lẽ, một khi nhu cầu trở nên đa dạng hơn thì người viết có nhiều lựa chọn hơn.

Tuy nhiên, nếu không khéo trong thể hiện, trong tiếp cận và lựa chọn đối tượng đọc, nỗ lực của người cầm bút trong việc đưa sách ra thị trường thông qua các kênh phát hành chuyên nghiệp... có thể sẽ không thành công.

Đó là chưa kể, nếu mải miết "chạy theo" đòi hỏi của thị trường, nhà văn còn có thể "đánh mất chính mình", làm "biến dạng" phong cách cá nhân.

Nói cách khác, dù đã có những tín hiệu tích cực, song việc đưa sách ra thị trường thông qua các nhà phát hành chuyên nghiệp vẫn không hề đơn giản. Và, mỗi người buộc tiếp tục "mơ về phía chân trời" và phải nỗ lực nhiều hơn...

BẢO ANH