Niềm tin trong "Quân khu Nam Đồng"

NGỌC HUY KHIÊM 21/01/2022 17:51

(QNO) - “Quân khu Nam Đồng” kể câu chuyện về tình bạn, hoàn cảnh những gia đình quân đội trong chiến tranh, câu chuyện của thời hoa niên, của tình yêu đầu đời “vô cùng non nớt mà sâu nặng thuở học trò” của một thời gian khổ nhưng đầy thương nhớ: thời bao cấp.

Bìa tập sách “Quân khu Nam Đồng“. Ảnh: NGỌC HUY KHIÊM
Bìa tập sách “Quân khu Nam Đồng“. Ảnh: NGỌC HUY KHIÊM
Một chút tò mò khi tôi tìm đọc “Quân khu Nam Đồng”, bởi tác giả tự giới thiệu là nhà văn không chuyên và hành tung có vẻ… bí ẩn. Không một lời giới thiệu về tác giả, ngoài bút danh mới toanh trên các kệ sách: “Bình Ca”.

Tìm hiểu, tôi mới biết rằng, sách được độc giả nồng nhiệt đón nhận bởi sự lôi cuốn. Sau này, tác giả mới lộ diện là nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - Trần Hữu Bình.

Quân khu Nam Đồng” kể câu chuyện về tình bạn, hoàn cảnh những gia đình quân đội trong chiến tranh, câu chuyện của thời hoa niên, của tình yêu đầu đời “vô cùng non nớt mà sâu nặng thuở học trò” của một thời gian khổ nhưng đầy thương nhớ: thời bao cấp.

Cái thời mà khi nhìn lại, nhiều người vẫn có chút khiếp hãi vì cơ cực; nhưng sau tất cả, vẫn mãi là thời hoài niệm mà ai từng sống và đã trải qua đều nhung nhớ. Thành ra, ai muốn hiểu về cuộc sống của những thế hệ trước hoặc tò mò thôi, xem một lãnh đạo tỉnh… viết sách như thế nào, thì đây là một cuốn sách hay, rất đáng đọc.

Tên gọi “Quân khu Nam Đồng” không có thực với hoàn cảnh thời chiến lúc đó, vì đây chỉ là tên của đám trẻ sống trong khu tập thể Nam Đồng ngày đó đặt nên.

Trích giới thiệu về “Quân khu Nam Đồng” của NXB Trẻ.
Trích giới thiệu về “Quân khu Nam Đồng” của NXB Trẻ.

Và câu chuyện của những chàng trai, cô gái nghịch ngợm: Việt, Hòa, Hoàng, Khanh, Giang Cận, Ngọc, Quang Anh, Mai Hương, Liên… của Quân khu Nam Đồng - “khu gia binh với 8 dãy nhà 4 tầng, lừng lững và kiêu hãnh một thời tại thủ đô Hà Nội” đã cùng học, cùng chơi, cùng tranh một chỗ xếp hàng mua gạo, lấy nước, cùng nhau “đánh trận” và lớn lên, yêu nhau ắt hẳn sẽ làm bao thế hệ trẻ hôm nay phải luôn… thầm ghen tỵ. Vì sự tự do. Vì được chạy ngoài đường mà không phải dè chừng kẻ xấu. Vì “sức đề kháng tốt hơn” do… toàn chơi những trò chơi vận động như lời của tác giả. Và phải chăng vì vậy, dù nghèo khó nhưng họ luôn giàu có về ký ức?  

Đọc “Quân khu Nam Đồng” để cùng xem sự đoàn kết, đùm bọc nhau, bảo vệ nhau qua những trận đánh nhau của trẻ con ngày xưa. Những trận đánh mà khi đọc, tôi thoáng băn khoăn, nên chăng khi trong ký ức ấy lại  quá nhiều “trận chiến máu lửa” thế?

Nhưng rồi ngẫm nghĩ, tôi mới thấm thía rằng những trận đánh đó, suy cho cùng cũng là chuyện tự nhiên của một xã hội mà trộm cắp, cướp giật, trấn lột xuất hiện ngày càng nhiều, bởi quá nhiều thiếu thốn vì chiến tranh kéo dài; vì sự thiếu trật tự của những ngày mới chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, khi cả dòng người ồ ạt trở lại Thủ đô, các loại băng nhóm mọc ra. Và sẵn tố chất con nhà lính: mạnh mẽ, dũng cảm, tính cộng đồng cao, thì những trận đánh suy cho cùng là lẽ đương nhiên: để tự vệ, để tiêu diệt “bọn xấu”, để bảo vệ bạn bè.

Đọc "Quân khu Nam Đồng" để biết tình yêu thời bao cấp cũng rất đẹp, rất riêng và rất… ngố. Những đôi trai gái yêu nhau, họ hẹn hò nhau bằng những lá thư tình viết tay rất mùi mẫn, những pha tỏ tình lãng mạn nhưng không kém phần ngây ngô, những trái tim yêu với “tâm  hồn  văn chương lai  láng”; cả mối tình thời chiến có xa cách chia ly, cho dù có khó khăn, tội lỗi, nhưng cũng giàu đức hy sinh, lòng vị tha.

Và đọc “Quân khu Nam Đồng” để hiểu truyện không phải chỉ là câu chuyện hồi ức về “thời bao cấp”.

 
Khi xót xa thời kỳ cơ cực ấy, truyện còn nổi bật lên ý nghĩa: càng khó khăn, con người ta sẽ càng được luyện rèn, được “lớn hơn trong suy nghĩ”. Trẻ con thời ấy đã biết làm việc phụ giúp gia đình, đã tự trưởng thành, tự học kỹ năng sống, tự giải quyết những chuyện rất riêng tư. Nhưng đây cũng là lứa tuổi có rất nhiều khao khát mà nếu thiếu sự định hướng đúng đắn của các bậc cha mẹ thì con trẻ nhiều khi sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Độc giả có thể cảm nhận sự máu lửa, nhiệt huyết, khẳng khái của tuổi trẻ, sự quyết đoán, quả cảm và nghĩa hiệp của một thế hệ. Và càng cảm nhận được nỗi đau chiến tranh, những hy vọng về một tương lai mới tốt đẹp hơn của những con người sống ở thời kỳ này.

Và như vậy, kể về một thời thương nhớ, thông điệp của cuốn sách còn nhắn nhủ đến bao thế hệ Việt Nam trong thời bình: Mỗi người có một điều kiện riêng, một hoàn cảnh khác nhau để trưởng thành, và… già đi.

 

Có những cuộc - chiến - trong - thời - bình cũng rất gay go (như cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 chẳng hạn); nhưng chắc chắn rồi cũng phải qua đi, như cách từng nó đến và hiện hữu trong cuộc sống mỗi người. Để rồi chúng ta có niềm tin: rằng sau tất cả, niềm vui và nước mắt, hạnh phúc và khổ đau, niềm tin về sự sống, về hy sinh, về lý tưởng sẽ còn đọng lại mãi mãi.

NGỌC HUY KHIÊM