Bên cửa sổ, lắng nghe mùa đi qua
(QNO) - Trong tất bật của những ngày cuối năm, “cùng đọc sách” tuần này giới thiệu bài viết của cô giáo dạy Văn - Nguyễn Thị Thu Thủy. Chúng ta hãy lần giở từng trang thơ “Bên cửa sổ” của tác giả Nguyễn Nho Khiêm với con chữ đằm thắm, dịu nhẹ và giàu sức lan tỏa để cùng lắng nghe mùa đi qua.
“Một ngày biển sẽ đi xa/ Sóng xanh còn vọng thiên hà về nhau”. Mỗi đời người rồi sẽ qua đi chỉ còn những câu thơ ở lại, bởi sự tồn tại của sáng tác nghệ thuật là bất diệt với thời gian.
Nguyễn Nho Khiêm từng ước vọng mỗi con chữ của mình sẽ là ngọn “sóng xanh” ngân vọng tiếng hát cùng đất trời dù mai này “biển sẽ đi xa”. Đọc tiếng lòng anh gửi vào ngôn từ, ta càng cảm mến một người thơ giản dị, chân chất như dòng sông Thu Bồn bốn mùa miên man chảy.
Người đọc biết đến anh qua các tập thơ: “Khói tỏa về trời” (1994), “Bên ngoài cánh đồng” (2003), “Nắng trên đồi” (2011). Bên cửa sổ (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2021) là tập thơ thứ tư của anh, vừa trình làng sau mười năm “im lặng”.
Ấn tượng đầu tiên Nguyễn Nho Khiêm gợi cho độc giả là cách đặt nhan đề; từ cửa sổ cuộc đời, người thơ ấy lặng thầm quan sát mọi biến chuyển thời gian, suy nghiệm về quy luật chảy trôi, biến hóa của vạn vật xung quanh. Mỗi sự việc đi qua tầm ngắm của anh đều được ghi lại bằng con chữ đằm thắm, dịu nhẹ nhưng lắng sâu và giàu sức lan tỏa.
1. Tập thơ Bên cửa sổ kết đọng tình cảm của Nguyễn Nho Khiêm về quê hương xứ sở và đằng sau bóng dáng của ý tứ là những gửi gắm về lẽ đời vần xoay, về sự tồn tại của nghệ thuật đích thực.
Dòng cảm xúc của anh trong tập sách tạm rẽ thành ba phần; phần đầu “tĩnh, lắng, vọng, vang” ghi lại những khoảnh khắc bất chợt qua những chuyến công tác trên mọi miền đất nước.
Đó là thủ đô nghìn năm văn hiến mà mỗi lần gặp lại, “Với Hà Nội là hương, là ánh mắt/ Mỗi nhớ thương là một mối tình đầu” (Nhớ Hà Nội). Tây Bắc xa xôi với ruộng lúa bậc thang vào thơ anh đẹp như một bức họa: “Ruộng quanh thân núi, người quanh núi/ Thổ cẩm hừng lên ánh chiều về” (Mù Cang Chải).
Dừng chân cố đô Huế giữa chiều mưa, vườn An Hiên xanh đằm thắm gọi hồn cho từng câu chữ ngân rung: “Chiều mưa tưới nhớ, gieo thương/ Thướt tha xiêm áo một vườn xuân hoa” (Thăm vườn An Hiên).
Đặc biệt, thơ Nguyễn Nho Khiêm dành nhiều ưu ái cho mảnh đất quê hương, nơi anh sinh ra, sống và yêu thương, nơi ấy có dãy núi Sơn Trà, dòng Cổ Cò chảy qua cụm núi Ngũ Hành Sơn linh thiêng, thăng trầm cùng lịch sử: “Dòng sông Cổ Cò bể dâu khuất lấp/ Ngồi Vọng Giang đài kí ức hóa dòng sông” (Thăm Ngũ Hành Sơn).
2. Phần hai của Bên cửa sổ là những ý thơ dịu nhẹ như làn hương thanh khiết của đóa Sen, dâng tặng cho những nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước đã khuất núi như nhà văn Nguyễn Văn Xuân, nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Phó Đức Phương…
Tất cả hiện lên với chân dung thơ thật sống động cùng những cống hiến hết mình cho nghệ thuật như con tằm rút ruột nhả sợi tơ vàng óng: “Trái tim ngâm gió mưa xứ Quảng/ Vắt lòng ra thành chữ sống trong đời” (Nhà văn Nguyễn Văn Xuân).
Viết về những người bạn văn chương nghệ thuật đương thời ở mọi lứa tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Tần Hoài Dạ Vũ, Lương Hoàng Hạc, Nguyễn Kim Huy… thi sĩ Nguyễn Nho Khiêm dành cho họ những vần thơ hóm hỉnh, ý vị: “Đời cộng cho ta ngày mưa tháng nắng/ Thời gian trừ tất tật trở về không/ Thân tàn mục đốt thành tro khói/ Thơ còn chăng? Gió thoảng phiêu bồng” (Cộng).
Bên cạnh những bài thơ viết tặng bạn bè là những thi phẩm đầy ắp hồi ức về tuổi thơ nơi mái nhà xưa có cha mẹ, với khói đốt đồng vương vít buổi hoàng hôn cùng tiếng võng ru à ơi thời thơ bé….
3. Với những con người đã từng qua bao dông gió, trải đời như Nguyễn Nho Khiêm, tình yêu đôi khi chỉ là hong ấm buồn xưa, là chút ngậm ngùi mỗi lúc hoài niệm.
Mảng thơ viết về tình yêu của anh trong tập sách đầy mênh mang, hư ảo; vì vậy thi ảnh "mây trắng” xuất hiện khá nhiều, là hình ảnh ẩn dụ để anh gửi vào đó niềm thương nỗi nhớ về những cuộc “tình đã hóa giọt sương”.
Mặc dù nhà thơ tự ý thức “bây giờ tóc bạc ngồi thương nhớ”, “và em nữa bên dòng sông tưởng tượng”; song giữa cõi mênh mông mơ hồ ấy, Nguyễn Nho Khiêm lại nhận ra: “Còn lại tình yêu là gương mặt cuối cùng”.
Đời người vô thường quá, không ai có thể biết trước được điều gì sẽ đến, có còn lại chăng một chút tình? Vậy nên, mỗi người cần phải biết trân trọng, nâng niu những tình nghĩa đáng quý mình nhận được trong cuộc phù du này.
“Bên cửa sổ” là tập thơ sâu đậm tình yêu thật thà dành cho quê hương, dành cho những vẻ đẹp tạo hóa ban cho thiên nhiên và nhan sắc con người. Độc giả nhận ra gương mặt thơ bình dị, chân thành, hồn hậu nhưng lắng sâu những chiêm nghiệm.
Nguyễn Nho Khiêm thử sức ở nhiều thể loại thơ, giọng điệu trữ tình, thi ảnh giàu chất nhạc chất họa; thơ lục bát của anh, không chuộng hình thức vắt dòng hay đổi nhịp mà vẫn mềm mại, nhuần nhuyễn.
Tâm hồn nhạy cảm tràn đầy yêu thương của Nguyễn Nho Khiêm hòa quyện trên từng con chữ tạo thành những ý thơ lung linh, kỳ ảo như chính tác giả từng tâm sự: “Vẻ đẹp của thơ nằm ở chữ. Mỗi nhà thơ hãy là một người phu chữ mới có thể đem chữ lấp lánh cho thơ”.