Sự lặng yên Hồ Dzếnh

TRƯƠNG VŨ QUỲNH 16/01/2022 04:15

Những ngày cuối năm, tôi ngồi đọc Hồ Dzếnh và nhận ra rằng những trang văn của ông sở dĩ từ lâu ta yêu quý bởi vì nó chính là cuộc đời thân thuộc ngoài kia.

Cách kể chuyện rất đời

Chân dung nhà thơ Hồ Dzếnh. Ảnh: T.L
Chân dung nhà thơ Hồ Dzếnh. Ảnh: T.L

Những năm tháng còn dạy học ở nông thôn, tôi có thói quen vào những ngày cuối năm thường ngồi đọc lại những trang sách cũ. Giữa tháng Chạp mưa phùn, trên các con đường làng lầy lội, những người mẹ, người chị… bao năm vẫn thế, tảo tần dầu dãi, để chuẩn bị cho cái tết gia đình. Hình ảnh ấy, không khí ấy thân thuộc vô cùng với tâm hồn ta từ tấm bé.

Có một ngày mưa tôi ngồi đọc Hồ Dzếnh và nhận ra rằng những trang văn của ông sở dĩ từ lâu ta yêu quý bởi vì nó chính là cuộc đời thân thuộc ngoài kia. Và đã nhiều lần tôi tự hỏi tại sao sau “Dĩ vãng”, “Quê ngoại”, “Chân trời cũ”, “Hoa xuân đất Việt”… Hồ Dzếnh ít viết dần và sau đó thì vắng bóng trên văn đàn cả mấy chục năm trời.

Sự băn khoăn ấy là vô lý và không đáng có. Bởi sự yên lặng, thực ra, cũng là một cách nói? Khi không còn gì để nói, không có gì đáng nói hoặc thấy lòng mình cần sự tĩnh lặng, tránh những xáo động không cần thiết thì cố thủ ở góc riêng mình, đấy cũng là một cách lựa chọn.

“Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời”, có lần, nhà thơ Bằng Việt từng băn khoăn như thế. Mà đúng thật. Chúng ta đã từng sống một thời thích xưng hô náo nhiệt, thích tưng bừng hình sắc, tưởng như đấy mới đích thực là cuộc sống, đấy mới là thứ ngôn ngữ duy nhất của cuộc sống.

Độc giả và cả những nhà phê bình, nghiên cứu thường chỉ lưu ý những gì hiển hiện trên bề mặt ngôn ngữ tác phẩm, cho đó là căn cứ duy nhất của tư duy nghệ thuật. Thực ra, cái nằm dưới ngôn ngữ tác phẩm, thậm chí cả những dư ba bên ngoài do tác phẩm mang lại mới thật là bao la, vang vọng.

Hồ Dzếnh viết ít, nhưng khi phải kể tên những nhà văn yêu quý thì thường trong danh sách của người đọc lại ít bao giờ thấy thiếu vắng tên ông. Cái mà ông làm được đáng kể nhất là giữ gìn sự im lặng, một sự bền bỉ ít lời, trong tác phẩm và trong đời sống.

Cả một đời văn Hồ Dzếnh chỉ viết về những con người thân thuộc của đời ông. Đó là những tác phẩm nhỏ bé của đời sống gần gũi nhưng bí mật của cõi người. Văn ông bình an, trân trọng, chăm chút cho từng chi tiết, từng nhân vật vì đấy chính là kỷ niệm của riêng ông, của gia đình ông.

Ở đấy, giữa bao nhiêu dào dạt cảm xúc, trời đất, cỏ cây, con người… hiểu theo một nghĩa nào đó đã sống trọn vẹn đời mình, nhắn nhủ những điều bình yên và giác ngộ chứ không to tiếng, xưng hô. Giữ tác phẩm lại bên bờ sự thật, ông không cố hư cấu, tưởng tượng để cầu mong những biểu đạt xa lạ với những gì ông yêu quý, tác phẩm của ông, vì thế, là sự sống trong thâm tâm mãi mãi của ông dành cho cuộc đời thân thuộc.

Một tình yêu lặng lẽ, sâu bền

Cha chạy loạn từ Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam, mẹ là người chèo đò trên bến sông Ghép - Thanh Hóa. Từ nhỏ, do lênh đênh sông nước và sống nhiều với mẹ, với làng quê, văn của ông thiệt thà và chuộng cảm xúc.

Lặng lẽ. (Ảnh minh họa). Ảnh: HUỲNH HÀ
Lặng lẽ. (Ảnh minh họa). Ảnh: HUỲNH HÀ

Ông nhắc nhiều đến đất nước Trung Hoa xa xôi, xưa cũ của ông, nhưng hình tượng đậm nét và gợi cảm trong tác phẩm của ông chính là những người mẹ, người chị Việt Nam cần cù, nhẫn nại, giàu đức hy sinh… tiêu biểu cho linh hồn Việt Nam, cho tinh thần Việt Nam cao quý (Chị Yên).

Ông yêu đất nước Việt Nam, quê mẹ của ông, bằng chính sự trải nghiệm của ông, bằng chính tình yêu với mẹ, với những người thân thuộc, nhọc nhằn quanh ông bằng một tình yêu lặng lẽ nhưng sâu bền.

Với ông, đất nước Việt Nam là dải đất cần lao, cái dải đất thoát được ra ngoài sự lọc lừa, phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không biết bạc đãi ai bao giờ (Sáng trăng suông). Yêu con người và yêu đất Việt, ta nhận ra tình cảm ấy của ông bằng chính sự kín tiếng, nhỏ nhẹ và sâu lắng theo kiểu trầm mặc, đức độ của riêng ông.

Chúng ta từng biết thơ Đường cũng như quốc họa Trung Hoa do mong muốn chiếm lĩnh hiện thực bằng khả năng đồng nhất hóa vì thế mà đầy những khoảng trống. Đọc “Tiếng nói của im lặng” của Andre Malraux, tiếp xúc với hai-ku Nhật Bản, với thơ thiền, trà đạo… ta biết còn có những điều mà các giác quan thông thường không nhận biết được.

Đấy là những khoảng chân không dào dạt sự sống (chữ của Nhật Chiêu), là tiếng nói nhiều nghĩa và xa xôi ẩn chứa vẻ đẹp của sự yên lặng. Đạo Phật có khái niệm Chính ngữ - nghĩa là không nói dối, không gây tội lỗi, không ác độc và ngu xuẩn trong lời nói. Nếu không nói được điều gì tốt đẹp, thì tốt hơn là giữ sự yên lặng.

Nhiều người nói, Hồ Dzếnh chỉ quanh đi quẩn lại những hình bóng cũ kỹ, có gì để viết? Họ thích một thứ văn cập nhật hợp thời chăng? Hay họ nghĩ nhà văn là người có thể dễ dàng viết, dễ dàng bày tỏ cả những điều mà người viết không mấy nặng lòng? Mỗi nhà văn thực sự là một cõi riêng. Không ai có thể mách bảo, chỉ vẽ. Không ai thay đổi được bản chất của mình cả. Đơn giản, Hồ Dzếnh chỉ là chính ông.

TRƯƠNG VŨ QUỲNH