Một tác phẩm “vô cùng yêu thương”
(QNO) - Rèn luyện thói quen đọc sách và nỗ lực gìn giữ thói quen đó trong thời đại nhiều sự hấp dẫn từ các thiết bị công nghệ chính là một trong những ưu điểm của Đức Mạnh - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước.
Tham gia cuộc thi "Cùng đọc sách", Đức Mạnh chia sẻ những thông điệp mình đã tìm thấy từ một tác phẩm khá phổ biến với bạn đọc Việt Nam “Con mèo dạy hải âu bay”.
---------------------
Luis Sepúlveda, tác giả của “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” vừa là nhà văn, vừa là phóng viên người Chi Lê. Ông đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm hay như “Sổ tay du lịch”, “Nỗi sợ hãi”…
Với tâm hồn nhạy cảm, sự chắp bút tinh tế cùng những ngôn từ dễ thương, Luis Sepúlveda đã viết tác phẩm “Câu chuyện về một con mòng biển và con mèo đã dạy nó bay” vào năm 1996. Sau đó, đứa con tinh thần ấy đã được đổi tên thành “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”.
Xuyên suốt 144 trang sách, tác giả kể lại cuộc hành trình đầy gian nan và thử thách của chú mèo Zorba. Đó là việc thực hiện ba lời hứa mà chú đã hứa khi cô hải âu chỉ còn những hơi thở cuối cùng.
Mọi điều tưởng chừng như không thể, nhưng với tình yêu thương vô hạn, chú mèo Zorba đã thực hiện thành công lời hứa và chiến thắng chính mình. Cuối tác phẩm, người đọc không khỏi rưng rưng khi nhìn đôi cánh nhỏ của chú hải âu con bay lượn trên bầu trời.
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Chi tiết cô hải âu dùng hết sức lực còn lại để gửi gắm đứa con chưa kịp chào đời cho chú mèo Zorba đã nói lên tất cả. Quả thực, trái tim người mẹ luôn là kỳ quan rực rỡ nhất, bên bờ vực của cái chết, họ vẫn luôn nỗ lực để bảo vệ con mình.
Điểm đặc biệt trong tác phẩm này là hải âu mẹ trao quả trứng cho một loài vật không phải đồng loại của mình (chú mèo Zorba) trước khi lìa đời. Ngược với thực tại, ta thường bắt gặp những chú mèo ăn cắp trứng; chất nhân văn lấp lánh toát lên toàn bộ tác phẩm bởi “sự chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó khác mình” của chú mèo Zorba. Mặc dù tác phẩm được viết dành cho thiếu nhi, người lớn vẫn có thể giật mình trước những bài học sâu sắc về tình yêu thương, chấp nhận sự khác biệt và nỗ lực để hoàn thành lời hứa.
Câu nói tôi cực kỳ tâm đắc của chú mèo Zorba: “Chỉ những kẻ thực sự dám mới có thể bay”. Bản năng thiên phú đã cho loài chim hải âu đôi cánh. Nhưng nếu chú không có sự dũng cảm thì mọi nỗ lực của chú mèo Zorba đều trở nên vô nghĩa.
Dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn không chỉ giúp ta khai phá sức mạnh bản thân mà rất nhiều khung trời tươi đẹp khác cũng được mở ra từ đó. Mỗi chúng ta, ai cũng có “đôi cánh” của mình. Nếu kiên trì luyện tập và dũng cảm bước qua nỗi sợ hãi, một lúc nào đó, chính bạn sẽ là người lái đôi cánh của mình chạm đến thành công.
Với bối cảnh vùng biển Caribê và những lớp váng dầu loang trên biển, tác giả đã khéo léo bày tỏ nỗi day dứt về sự ô nhiễm môi trường do con người gây nên, mặc cho những sinh vật vô tội đang nức nở. Phải chăng, nhà văn muốn gửi gắm thông điệp: Hãy bảo vệ môi trường vì nó là “căn nhà xanh” của chúng ta.
Mỗi trang sách đi qua đã để lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cùng với những cảm xúc đó là những bài học quý giá. Thi thoảng, nhìn những cánh chim tự do trên bầu trời, tôi tha thiết nhớ những bài học về yêu thương, chấp nhận, lòng dũng cảm và cả tình mẫu tử thiêng liêng cao quý. Cảm ơn tác giả Luis Sepúlveda đã để lại một tác phẩm thật đẹp cho cuộc đời.
Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html