Hạt cỏ quê hương của Nguyễn Trí Viễn

LÝ ĐỢI 19/12/2021 07:27

Có thể ví tập bút ký “Hạt cỏ” (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Trí Viễn như là các tiểu lịch sử về những nơi chốn ở Quảng Nam mà người viết gắn bó cả đời, có thông tin và hiểu biết đủ nhiều. Học chuyên lý hóa, là thầy giáo hóa học và làm ban giám hiệu gần như cả cuộc đời, nên khi tập bút ký này ra đời ở tuổi cổ lai hy, cũng là một bất ngờ với nhiều người.

Bìa tập bút ký “Hạt cỏ”.
Bìa tập bút ký “Hạt cỏ”.

Quê hương một cõi

Nhìn vào 5 chương ở mục lục “Hạt cỏ”, thấy sách đi xuyên suốt từ quê hương, đất nước, dòng họ cho đến chiến tranh Đông Dương, nghề giáo và những tâm sự lúc nghỉ hưu. Cứ ngỡ nó sẽ dàn trải, nặng nề, giáo điều, nhưng không, y như tựa đề, đây chỉ là những hạt cỏ nhỏ, muốn mang lại chút màu xanh, chút sự sống cho mặt đất quê hương.

“Là đứa con nhỏ nhất của gia đình, tôi vốn lặng lẽ làm việc. Lại có những nhận định riêng rẽ, ít khi hòa nhập, nhưng bù lại có chút kiên nhẫn chịu đựng và nhân ái nên cũng nhận được ít nhiều cảm thông để vượt qua những trở ngại, khó khăn, những khe cửa hẹp của sinh tử, của cuộc sống.

Điều đáng viết ra đây không phải là thành công hay thất bại về danh vọng, tiền tài, mà là những điều bàng bạc trong cuộc đời còn mãi là những tấm lòng đối với gia đình, với bè bạn, với đồng nghiệp, với ngôi trường, với quê hương đất nước” - Nguyễn Trí Viễn viết trong lời nói đầu.

Sinh ra và lớn lên ở làng Câu Nhi (quen gọi là Câu Nhí, Điện Bàn) năm 1950, nên sách đã dành gần 14 trang để viết về ngôi làng này. Sở dĩ ví tập bút ký “Hạt cỏ” là các tiểu lịch sử (little histories) là vì cách viết như vậy.

Chọn một nơi chốn và một vấn đề nhỏ nhất có thể để cố gắng tìm về diện mạo thật sự, để đặt trong tương quan với lịch sử, văn hóa, con người, vùng đất. Nhưng nó không chỉ là số liệu, sự kiện, mà tác giả luôn “có những nhận định riêng rẽ”, biết cách nêu quan điểm, hoặc đưa ra cách nhìn riêng.

Như chương hai, khi viết về đất nước và gia đình, viết về các sĩ phu Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản, Bùi Viện, Nguyễn Đức Hậu, Hoàng Phan Thái, Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch…, tác giả muốn xâu chuỗi để ngẫm về thế thời.

Tác giả Nguyễn Trí Viễn.
Tác giả Nguyễn Trí Viễn.

Ông kết luận việc Tự Đức bị mất nước: “Điều phải làm là, dòng họ, anh hùng cái thế, tập đoàn đảng phái, dù công lao to lớn đến đâu, cũng phải đặt quyền lợi đất nước lên trên hết. Đi ngược lại, đất nước sẽ rơi vào thảm họa và tất cả phải sụp đổ để đất nước tiến lên” - trang 69.

Hoặc mượn một đoạn thơ Cao Bá Quát, bản dịch của Trúc Khê, để bày tỏ ý chí: “Tân Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la/ Giật mình khi ở xó nhà/ Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi/ Không đi khắp bốn phương trời/ Vùi đầu án sách uổng đời làm trai” - trang 73.

Hoặc như một tiểu mục ngắn, chừng 700 - 800 chữ, có tên Điện Bàn - quê hương đi trước về sau - từ trang 40. Với những ai chuyên lịch sử, thì đoạn này không có gì đáng lưu ý, nhưng với nhiều độc giả bình thường - đặc biệt là có gốc gác ở Điện Bàn - mà muốn biết nhanh gọn, thì khá tuyệt vời. Tác giả không chỉ chép lại, mà còn cập nhật, phản biện để mang lại những thông tin mới hơn, khả tín hơn.

Phong phú tư liệu từ cách viết liên văn bản

Một điểm thú vị nữa trong “Hạt cỏ”, là tác giả khá nhuần nhuyễn trong việc trích dẫn ca dao, tục ngữ, thơ văn, danh ngôn của người khác để cho vào bài viết. Điều này trở thành một liên văn bản, để độc giả có thể cùng “văn ngôn dẫn chứng” đến nhiều ý hay, tác giả lạ.

Ví dụ đoạn sau đây của thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc (1944 - 1964): “Tôi khôn lớn nhìn nỗi buồn đất nước/ Một dòng sông biên giới hai loài người/ Nỗi đau đớn chất chồng cao bằng núi/ Ôi Sài Gòn - Hà Nội chảy trong tôi” - trong bài thơ “Mùa xuân của một người”.

Dù viết về cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa, viết về liên minh/đối kháng Việt - Chăm, hoặc viết về những mái trường mà ông đã dạy, đã làm ban giám hiệu như Hậu Nghĩa, Quảng Đà, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Trỗi, Thái Phiên, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu… thì phần liên văn bản vẫn được đảm bảo, để người đọc không bị rơi vào tâm lý đọc chuyện riêng tư. Những kết luận vẫn đủ rộng để cùng suy ngẫm.

Tôi yêu đất nước tôi với tất cả niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui của những chiến công hiển hách, đánh tan mộng xâm lược và đô hộ dân tôi của bất cứ kẻ thù nào. […]. Hơn 40 năm hay 70 năm kể từ những mốc lịch sử vinh quang thì đất nước ta vẫn chậm phát triển, so với những gì Nhật và Hàn làm được sau ngần ấy năm. Và bây giờ thế nước chông chênh trước chủ nghĩa bành trướng phương Bắc” - trang 245.

Cuối cùng, dù không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, 5 chương sách tưởng chừng như rời rạc, nhưng nhờ tình yêu quê hương đất nước - mà cụ thể là từ làng Câu Nhi - Nguyễn Trí Viễn đã âm thầm như hạt cỏ, “dù bé nhỏ, nhưng cũng trân mình với nắng mưa sương gió để đem lại màu xanh và không khí trong lành cho cuộc sống”. Vì vậy mà, tập bút ký này đã phóng chiếu được cái nhìn tương đối bao quát, để xâu chuỗi các nơi chốn, các sự kiện rời rạc ở Quảng Nam để thành một bờ bãi xanh tươi bên dòng Thu Bồn.

LÝ ĐỢI